Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Thứ bảy, 24/12/2011 10:33

 

 Ảnh minh họa (nguồn: hanoimoi.com.vn)

(ĐCSVN) Mặc dù chịu tác động lớn từ những khó khăn của tình hình kinh tế trong nước và thế giới năm 2011, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, ngành Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính luôn chú trọng triển khai các giải pháp tài chính - ngân sách, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ đó, ngân sách nhà nước đảm bảo thu, chi kịp thời, đầy đủ các khoản theo tiến độ và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội.

Cụ thể, trong năm 2011, Bộ đã chỉ đạo ngành thuế, hải quan tăng cường thực hiện công tác quản lý thu; tăng cường kiểm tra trong quản lý thu thuế, chống thất thu thuế và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, gian lận, trốn thuế; trong đó, tập trung quản lý thu đối với các khoản thu liên quan đến đất đai, kinh doanh bất động sản, tài nguyên khoáng sản và thuế xuất nhập khẩu...; đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế; nhờ đó, đã huy động kịp thời các nguồn thu cho NSNN với tổng thu cân đối NSNN năm 2011 ước vượt 13,4% so dự toán, tăng 20,6% so thực hiện năm 2010.

Đối với công tác chi NSNN, ngành đã nỗ lực thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm đầu tư công, tăng cường kiểm soát chi để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách... Đến nay, toàn ngành đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp lại, điều chuyển được khoảng 9.452 tỷ đồng vốn đầu tư; đồng thời, dành 3.857,7 tỷ đồng từ thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên để chi cho lĩnh vực an sinh xã hội. Cùng với đó, trong năm 2011, toàn ngành Tài chính đã tiết giảm bội chi ngân sách từ mức 5,3% GDP xuống còn 4,9% GDP, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.

Đặc biệt, trong năm 2011, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường thế giới, thị trường trong nước; xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, góp phần bình ổn giá thị trường; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đặc biệt là chính sách điều hành giá các mặt hàng quan trọng như: Điện, than, xăng, dầu.... Khi có điều kiện, đã điều chỉnh giảm giá giá xăng, dầu; đồng thời, sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính Nhà nước như: Giảm thuế nhập khẩu, sử dụng Quỹ bình ổn giá... để kiềm chế mức độ tăng giá trong nước, giảm áp lực lạm phát... qua đó, đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Cùng sẻ chia những khó khăn với doanh nghiệp, trong năm 2011, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội miễn, giảm, gia hạn nghĩa vụ thuế phát sinh năm 2011 cho một bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân với tổng số 10 nghìn tỷ đồng; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nộp thuế thuận lợi và đơn giản hơn về thủ tục.

Cũng trong năm 2011, Bộ Tài chính đã tăng cường công tác thanh tra tài chính - ngân sách, qua đó, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm. Công tác đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN tiếp tục được đẩy mạnh và đã tạo ra được những chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả DNNN...

Phát huy những kết quả đã đạt được, để tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp tài chính-ngân sách trong năm 2012, Bộ Tài chính đã và đang quyết tâm tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành vượt nhiệm vụ thu NSNN năm 2012 đã được giao và giảm bội chi NSNN xuống dưới 4,8% GDP, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách về thu, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế nhằm khuyến khích xuất khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu; sử dụng linh hoạt các công cụ thuế, phí, lệ phí và các biện pháp thích hợp để phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý giá cả và kiềm chế lạm phát; thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về giá. Cùng với đó, có các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với những ngành sản xuất gặp khó khăn, hỗ trợ đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Giám sát chặt chẽ việc cắt giảm các khoản đầu tư công; ưu tiên sử dụng các khoản tăng thu để trả nợ; giải quyết các nhiệm vụ cấp bách và để giảm bớt chi ngân sách, phấn đấu mức bội chi ngân sách 2011 ở mức 4,9% GDP (Chỉ tiêu Quốc hội giao 5,3% GDP).

Tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý, giám sát, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính và dịch vụ tài chính...

Năm 2012 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chặng đường phát triển mới của đất nước. Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm cao và sự nỗ lực không ngừng, toàn ngành Tài chính sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội./.

                                                                                                             

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực