93 tuổi vẫn miệt mài làm công tác xã hội

Thứ sáu, 20/06/2014 11:18

Lão nông Đoàn Văn Lẳm (còn gọi ông Mười Lẳm), ở ấp Kinh Giữa, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, Long An đã tự nguyện học tập và làm theo gương Bác trong suốt cuộc đời. Năm nay đã 93 tuổi, nhưng chưa một ngày ông Mười Lẳm ngơi nghỉ, cả việc nhà lẫn việc xã hội. Tên ông Mười Lẳm đã gắn liền với những công trình an sinh xã hội và công tác từ thiện ở Nhơn Ninh.

Xã Nhơn Ninh nằm ven hai bên bờ kênh Giữa, xung quanh chằng chịt mương, rạch. Trước đây, người dân đi lại bằng ghe, xuồng là chủ yếu. Khi kinh tế khá hơn, cùng với chủ trương xây dựng nông thôn mới thì nhu cầu giao thông đường bộ cũng tăng cao. Thấy bà con hai bên bờ kênh đi lại khó khăn, ông Lẳm bắt đầu công cuộc vận động làm cầu và đường. Ban đầu là sữa chữa những cây cầu, đoạn đường bị hư hỏng. Sau đó là những cây cầu và con đường mới. Năm 2011, ông Lẳm tự đóng góp 20 triệu đồng rồi vận động người dân cùng góp tiền và công sức để xây cầu bê tông. Cây cầu mới chắc chắn, nối liền 2 bờ kênh được hoàn thành đã giúp người dân trong xã đi lại thuận tiện và dễ dàng hơn.

Xây cầu xong, ông Lẳm tiếp tục vận động làm đường. Cầu kênh 5000 cắt ngang đường từ các ấp ra quốc lộ N2, gây khó khăn cho người dân. Ông Lẳm đã bàn với Ủy ban Nhân dân xã Nhơn Ninh cho mở đường dẫn lên cầu. Được xã đồng ý, ông tự bỏ tiền mua đá rồi thuê người mở đường. Nhờ đó, người dân trong ấp không phải đi theo bờ ruộng mỗi lần ra lộ nữa. Tuyến đường bờ tây kênh Giữa đi qua nhà ông vốn là con đường mòn, gập ghềnh, thường xuyên bị ngập trong mùa lũ. Mới đây, ông Lẳm mua gần 20 khối đá, rải khắp tuyến đường dài hơn 3 km rồi tiếp tục vận động người dân trong xã đóng góp để cải tạo, nâng cấp con đường. Lý giải cho việc miệt mài xây cầu, làm đường, lão nông Mười Lẳm chỉ nói: “Mình già rồi, không đi được thì làm cho con cháu mình và bà con trong xã đi, có thiệt đi đâu mà lo.”

Không chỉ hăng hái làm đường, ông Lẳm còn nhiệt tình vận động và trực tiếp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Hiện nay, ông nhận hỗ trợ cho 4 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi tháng 15 -20kg gạo/hộ. Dù tuổi cao nhưng mỗi lần đi tặng gạo, ông Lẳm luôn đích thân nhờ con cháu chở đến từng gia đình. Ông đến tận nơi để xem bà con sống thế nào, khó khăn ra sao, nếu có người bệnh thì ông vận động hỗ trợ thêm tiền để họ chữa bệnh. Dù số gạo và tiền hỗ trợ không nhiều nhưng những gia đình nhận được sự hỗ trợ luôn thấy ấm lòng. Gia đình chú Huỳnh Văn Sánh, ấp Xóm Cò, xã Nhơn Ninh, Tân Thạnh là một trong 4 hộ khó khăn được cụ Lẳm hỗ trợ gạo hàng tháng. Chú Sánh chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, bản thân lại bị bệnh nặng nhiều năm nên không lao động được. Từ ngày được ông Mười hỗ trợ gạo, gia đình cũng đỡ lo cái ăn phần nào. Nhiều lần đến nhà tặng gạo, thấy tôi đau yếu, ông lại gửi thêm ít tiền để thuốc thang. Tiền đó là ông Mười vận động con cháu và đi quyên góp bà con trong xã chứ bản thân ông đâu có. Gia đình tôi biết ơn và nể phục tấm lòng của ông Mười nhiều lắm.

Ông Võ Văn Chương – Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Ninh cho biết: Dù tuổi cao, sức yếu nhưng nhiều năm nay ông Mười Lẳm luôn là người tích cực nhất trong công tác xã hội và từ thiện ở địa phương. Nói đi đôi với làm, nên ông Mười luôn được bà con tin tưởng và kính trọng. Mỗi lần ông Mười đi vận động công tác xã hội đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Vừa qua ông Mười Lẳm là đại diện xã Nhơn Ninh tham dự Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh toàn tỉnh Long An.

Không chỉ khi về già, mà suốt cuộc đời của lão nông Mười Lẳm luôn gắn liền với những công tác xã hội và từ thiện. Trước giải phóng, ông tham gia dạy chữ ở lớp “bình dân học vụ” giúp bà con trong ấp xóa mù chữ. Sau giải phóng, khi xã Nhơn Ninh thành lập phòng khám y học cổ truyền, ông Lẳm ngày ngày đi tìm cây thuốc để chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Đối với lão nông Mười Lẳm, học tập và làm theo gương Bác không cần phải "đao to, búa lớn". Đơn giản là học ở Bác lòng thương người, sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với những người xung quanh và chung tay làm những việc có ích cho xã hội./.



CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực