(ĐCSVN) – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vấn đề dân tộc và chính Người cũng đã nêu một tấm gương sáng về đoàn kết, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Học tập và làm theo Người, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS trong tỉnh.
|
Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh tư liệu) |
Ngày 3/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành thời gian đến dự và phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất các DTTS. Mở đầu lời phát biểu, Bác khẳng định: “Nhờ sức đoàn kết trong đấu tranh của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các DTTS được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa”. Trong suy nghĩ và tình cảm của mình, Người luôn coi 54 dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam đều là anh em một nhà, là thành viên không thể chia cắt của đại gia đình dân tộc Việt Nam. Người luôn mong muốn, các dân tộc dù lớn hay nhỏ sống trên đất nước Việt Nam đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, thực hiện thành công xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.
Học tập và làm theo Người, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp trong tỉnh Bắc Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, tạo sự chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Hiện đồng bào DTTS ở Bắc Giang có trên 200.000 người, chiếm 12,5% dân số toàn tỉnh với 20 dân tộc thiểu số anh em. 5 năm qua, (2009 - 2014), tỉnh Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả trên 12 chính sách lớn đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 6.537 tỷ đồng cho các chương trình, dự án, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Điển hình như: Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn và các xã ATKII, với tổng số vốn trên 313 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 51 tỷ đồng; Đề án giảm nghèo đối với 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% của huyện Lục Ngạn với tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện là 24 tỷ đồng; chính sách tín dụng cho vay ưu đãi đối với gần 130 nghìn người nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đặc biệt khó khăn với tổng số vốn trên 1.700 tỷ đồng; thực hiện chính sách về Y tế, đến nay đã cấp 771.691 lượt thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho hộ nghèo và đồng bào DTTS ở các xã vùng khó khăn, khám chữa bệnh theo thẻ BHYT trên 1,5 triệu lượt...
Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Trong công tác xóa đói giảm nghèo, Bắc Giang xác định 3 khâu đột phá trong vùng đồng bào DTTS, đó là: Xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã nghèo thuộc Đề án giảm nghèo nhanh, bền vững huyện Sơn Động; Đề án giảm nghèo cho 13 xã có tỷ lệ nghèo trên 50% của huyện Lục Ngạn; tập trung triển khai thực hiện hỗ trợ đời sống và sản xuất cho các hộ tái định cư và cộng đồng dân cư một số xã tiếp nhận người tái định cư thuộc dự án di dân tại Trường bắn Quốc gia khu vực I.
Tỉnh còn quan tâm xây dựng một số thương hiệu sản phẩm nông nghiệp như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ chũ Lục Ngạn, chè Xuân Lương, rượu Kiên Thành,..; nâng cao trình độ thâm canh, chăn nuôi cho đồng bào; thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ đối với người nghèo, người có công, người DTTS đặc biệt khó khăn...
Với sự quan tâm và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của đồng bào DTTS tỉnh Bắc Giang chuyển biến theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt; đã có sự chuyển dịch cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm dần các loại cây, con kém hiệu quả và đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng; tiếp tục duy trì và phát triển một số thương hiệu nông sản hàng hóa, hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh có quy mô, sản lượng hàng hóa lớn, có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2014, riêng sản lượng vải thiều đạt trên 190.000 tấn (cao nhất từ trước đến nay) với tổng doanh thu từ vải thiều đạt 2.200 tỷ đồng.
Kết cấu hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào DTTS tiếp tục được tỉnh tăng cường và củng cố. Mạng lưới giao thông đường bộ giữa các xã, huyện, liên huyện, liên tỉnh được đầu tư xây dựng. Giai đoạn 2009 - 2014, tỉnh đã tập trung đầu tư, xây dựng đường vào Nhà máy nhiệt điện Sơn Động, đường vào trung tâm xã Xa Lý; thực hiện cải tạo, nâng cấp các tuyến đường: 242, 292 293, 398, Quốc lộ 279 và các tuyến nhánh vào Tây Yên Tử, với tổng kinh phí trên 3.140 tỷ đồng. Đến nay, 100% số xã vùng dân tộc, miền núi xe ô tô đã vào được trung tâm kể cả mùa mưa; trên 98% số hộ trong vùng đã được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 80% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 80% hộ gia đình sử dụng nhà tắm đạt tiêu chuẩn; trên 70% hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Hệ thống chợ, trung tâm thương mại vùng dân tộc, miền núi đã được đầu tư xây dựng, đi vào khai thác sử dụng và phát huy hiệu quả, góp phần mở rộng giao lưu, tiêu thụ hàng nông sản, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong khu vực… Trong 5 năm qua, hưởng ứng các cuộc vận động giúp đỡ người nghèo, bằng các nguồn lực của xã hội trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ, giúp đỡ cải tạo, xây mới 4.219 căn nhà cho hộ đồng bào DTTS (chiếm 44,7%), với trị giá trên 300 tỷ đồng; thăm hỏi các hộ nghèo ốm đau, hoạn nạn, hỗ trợ các hộ nghèo cây, con giống, vật tư, phân bón lên đến nhiều tỷ đồng....
Từ các chương trình, chính sách, dự án được triển khai, đời sống của đồng bào dân tộc, miền núi tiếp tục được cải thiện rõ rệt: Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, mỗi năm giảm trung bình 4 – 5%, không còn hộ đói; cơ cấu kinh tế khu vực dân tộc, miền núi của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực; kết cấu hạ tầng cơ sở được củng cố; công tác phát triển rừng và bảo vệ môi trường được quan tâm, thực hiện...
Để tiếp tục tạo điều kiện cho đồng bào DTTS ở Bắc Giang nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, trong thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục phát huy thế mạnh, tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc miền núi, tận dụng và phát huy hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị… Để làm được điều này, Bắc Giang tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc chăm lo đến đời sống đồng bào DTTS và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc
|
Các đại biểu DTTS tỉnh Bắc Giang trò chuyện tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh diễn ra tháng 10/2014. (Ảnh: TH) |
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đa dạng các loại hình kinh tế gắn với bảo vệ rừng; phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương nhằm quy hoạch, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện, lợi thế từng vùng; thực hiện tốt chế độ, chính sách, phát huy vai trò người có uy tín, góp phần triển khai thực hiện chính sách dân tộc và đảm bảo an ninh ở vùng DTTS; chủ động giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để xảy ra “điểm nóng”, đặc biệt là khiếu kiện đông người; không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.
Phát biểu tại Đại hội các DTTS của tỉnh Bắc Giang diễn ra mới đây, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn: Bà con dân tộc cũng như bà con nông dân Bắc Giang cần nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững bằng cách làm rõ cây, con chủ lực trong phát triển kinh tế… ; cùng ghi nhớ và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”./.