Những người con ưu tú của Hải Phòng may mắn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đều vẫn nhớ như in những lời căn dặn soi đường, chỉ lối của Người. Trong những ngày tháng Tám lịch sử này, hình ảnh Bác vẫn vẹn nguyên trong trái tim của cán bộ, nhân dân thành phố Hải Phòng - thành phố 9 lần được đón Bác về thăm.
Bác Đặng Quý Nhất, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng, Bí thư Đoàn thanh niên Nhà máy Cơ khí Duyên Hải bồi hồi kể lại: Tiền thân của Nhà máy Cơ khí Duyên Hải là Tập đoàn Cơ khí Duyên Hải, được thành lập từ năm 1955. Sau khi thành lập và hoạt động, nhà máy bước vào giai đoạn thiếu nguyên vật liệu, đặc biệt là sắt, thép để sản xuất và đứng trước nguy cơ không hoàn thành kế hoạch được giao.
Để khắc phục tình trạng này, Đảng ủy, Ban giám đốc, Công đoàn và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhà máy đã họp bàn, quyết định mở hội thi đua thao diễn kỹ thuật mùa xuân, lấy đoàn viên thanh niên làm lực lượng nòng cốt. Mục đích của phong trào thi đua thao diễn kỹ thuật nhằm động viên công nhân thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, chuẩn bị máy móc, dụng cụ lao động chu đáo, hợp lý thao tác làm việc để giảm thời gian lao động, tiết kiệm nguyên liệu, giảm chi phí trên một đơn vị sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Đợt 1 của hội thao được tổ chức ngày 14/1/1961, thu hút hàng chục công nhân tự nguyện đăng ký tham gia. Tốp đầu gồm 5 công nhân phân xưởng cơ khí bước vào cuộc thi đầy tự tin. Đoàn viên thanh niên Nguyễn Thành Chiến mới được kết nạp Đảng. Thợ tiện bậc 5/7 thao diễn tiện trục máy bơm nước 250m3/giờ với định mức xây dựng 8h/chiếc, nhưng anh chỉ tiện mất 4h/chiếc. Đợt 1 thao diễn kỹ thuật, công nhân nhà máy đã vượt 237 chỉ tiêu định mức. Ngày 30/1/1961, Hội thi đợt 2 được tiến hành. Trong đợt thao diễn này, hơn 900 chỉ tiêu định mức đã được hạ thấp; 250 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được phát huy, tăng năng suất lao động từ 25% - 90%.
|
Bác Hồ về thăm cảng Hải Phòng (ngày 30/5/1957) (Ảnh tư liệu Nhà xuất bản Chính trị quốc gia) |
Phong trào thi đua sản xuất, cải tiến kỹ thuật của Nhà máy cơ khí Duyên Hải đã thu hút sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, Trung ương. Giữa lúc hội thi đợt 2 đang diễn ra sôi động thì được tin lãnh đạo Trung ương đến thăm nhà máy vào ngày 15/3/1961. Những hình ảnh hôm đó còn được ghi nhớ mãi trong trái tim người dân thành phố Cảng. Bác Hồ xuống xe, đi vào nhà ăn tập thể, xem cơm và các món ăn, chỗ ngồi ăn và Bác nói chuyện với cấp dưỡng. Bác vào thăm nơi ở của công nhân nhà máy cạnh đó; vào phân xưởng Đúc, dừng chân ân cần hỏi về cuộc sống gia đình, lương tháng của công nhân... Sau đó Bác vòng sang phân xưởng cơ khí, vào lối cửa sau. Bác vẫy tay chào mọi người. Nghe tin Bác Hồ đến thăm, công nhân đang sản xuất dừng máy, dừng công việc đang làm; công nhân ở các phân xưởng khác, các phòng, ban vội chạy đến đứng quây quần để nghe Bác nói chuyện.
Với bộ trang phục mầu xanh chàm, áo cài khuy theo kiểu đồng bào dân tộc, giản dị, gần gũi, Bác nói chuyện với cán bộ, công nhân viên nhà máy. Mở đầu Bác biểu dương, khen ngợi phong trào thi đua thao diễn kỹ thuật đang diễn ra ở nhà máy: "Bác nghe nói nhà máy gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, lãnh đạo đã biết dựa vào công nhân, bàn bạc với công nhân mở hội thao diễn kỹ thuật, đưa năng suất lên cao, như vậy là tốt...". Bác căn dặn: “Phong trào ở đây đang phát triển tốt, đang thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất để nâng cao năng suất lao động, hoàn thành vượt mức kế hoạch, nhưng không nên chỉ bốc đồng từng lúc mà phải bền bỉ liên tục. Mọi người phải đoàn kết, thợ già phải dìu dắt thợ trẻ, thợ trẻ phải học thợ già nâng cao tay nghề; cán bộ phải đi sát xuống dưới, kịp thời phát hiện, giải quyết khó khăn trong sản xuất. Đảng phải lãnh đạo tốt, xây dựng Đảng cho tốt; xây dựng các đoàn thể cho tốt. Đảng viên, đoàn viên phải đi trước, làm trước quần chúng, phấn đấu là Đảng viên, đoàn viên tốt (danh hiệu Đảng viên, đoàn viên thời kỳ đó). Cán bộ phải chăm lo về ăn, ở, sinh hoạt của công nhân”. Những lời căn dặn của Bác Hồ rất dễ hiểu, dễ nhớ, không chỉ lãnh đạo mà tất cả mọi người được nghe Bác nói chuyện đều hiểu và ghi nhớ. Khi Bác ngừng nói chuyện mọi người vỗ tay vang dậy, tràn đầy phấn khởi, tin tưởng.
Dù gặp ai, ở đâu, Bác luôn ân cần và gần gũi. Bà Trương Thị Len là người may mắn được gặp Bác nhiều lần xúc động kể lại: Năm 1959, trong đêm văn nghệ chào mừng Tổng thống Indonesia Xu-các-nô sang thăm Việt Nam, Đoàn thanh niên Hải Phòng có đại diện tham dự. Khi nhìn thấy tôi bé nhỏ ngồi phía sau, Bác Hồ ân cần bảo: “Cháu ngồi lên trên đây để xem cho rõ”.
Giây phút xúc động nhất trong những lần bà Len gặp Bác là vào dịp sinh nhật 73 tuổi của Người. Khi đó, Trung ương Đoàn cử một đoàn đại biểu trẻ và đề nghị Trương Thị Len thay mặt tuổi trẻ cả nước chúc thọ Bác. Bà Len bồi hồi nhớ lại: "Khi đó tôi run lắm. Biết chúc Người điều gì đây. Nhưng khi đến nơi, Bác ân cần hỏi thăm từng người. Không khí rất ấm cúng. Lúc đó tôi mạnh dạn đứng lên: Thưa Bác, hôm nay mừng thọ Bác, chúng cháu thay mặt thanh niên cả nước kính chúc Bác sống lâu muôn tuổi". Thấy tôi xúc động, Bác mỉm cười như khích lệ. Tôi thấy nghẹn ngào không nói nên lời, lòng chỉ cầu mong sao Bác luôn mạnh khỏe. Bác cười hiền từ nói: “Các cháu yên tâm. Năm nay Bác đã 73 tuổi nhưng vẫn còn đủ sức để cùng các cháu làm việc cho cách mạng”. Sau đó Bác đọc câu thơ: "Bẩy mươi ba tuổi vẫn còn xuân/ Sức khỏe còn nhiều phục vụ dân".
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Dương Anh Điền khẳng định: "Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho thành phố Cảng, 9 lần về thăm, làm việc, chỉ đạo phong trào cách mạng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng; nhiều lần gửi thư khen ngợi, tặng Huy hiệu của Người cho đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang Hải Phòng. Những lời dạy của Người là di sản vô cùng quý giá, là kim chỉ nam cho mọi hành động của lớp lớp cán bộ, đảng viên, quân và dân thành phố Cảng anh hùng".
Khắc ghi những lời dạy của Người, phát huy truyền thống của thành phố Cảng anh dũng, quyết thắng, Hải Phòng đang có những thay đổi mạnh mẽ, tích cực trong phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Trong 5 năm trở lại đây, Hải Phòng trở thành một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với những dự án đạt giá trị gia tăng cao, tiết kiệm nguyên liệu, đảm bảo tiêu chí về môi trường. Hiện Hải Phòng có 428 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp, trong đó có những tập đoàn hàng đầu thế giới như LG (Hàn Quốc), Bridgestone (Nhật Bản), GE (Mỹ). Theo đánh giá của các nhà đầu tư, những sản phẩm của tập đoàn được sản xuất tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn ngang bằng các sản phẩm cùng loại sản xuất tại đất nước họ. Nhiều dự án lớn về cơ sở hạ tầng như cảng nước sâu Lạch Huyện, cầu Tân Vũ Lạch Huyện, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đường Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang trong quá trình xây dựng, tiến tới hoàn thành, sẽ tạo đà để kinh tế Hải Phòng cất cánh.../.