Chàng thanh niên dân tộc Thái với khát vọng làm giàu cho quê hương

Thứ sáu, 03/10/2014 17:07

(ĐCSVN)Từ thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên về Thủ đô nhận Giải thưởng Lương Định Của dành cho thanh niên nông thôn sản xuất kinh doanh giỏi, Sìn Văn Dưỡng không ngại ngần chia sẻ về mô hình kinh tế vừa đem lại lợi nhuận, tạo việc làm cho thanh niên địa phương, vừa duy trì được loại bánh truyền thống của dân tộc mình.

 

Anh Sìn Văn Dưỡng - Bí thư chi đoàn kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã  
Ảnh: Minh Châu

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh miền núi Điện Biên, phải gắng gượng lắm Sìn Văn Dưỡng mới có thể học hết cấp 3. Thời học sinh đi qua cũng là lúc anh phải gác lại giấc mơ đèn sách để làm tròn nhiệm vụ của người anh giúp bố mẹ nuôi ba em ăn học. “Nay thì các em tôi đều đã trưởng thành”, Sìn Văn Dưỡng hồ hởi chia sẻ về phần thiệt thòi của bản thân đã được đền đáp xứng đáng.

22 tuổi, chàng thanh niên dân tộc Thái lập gia đình. Tuổi trẻ lại gánh lên vai trách nhiệm người chủ gia đình đồng nghĩa với việc Sìn Văn Dưỡng phải đối mặt với khó khăn chồng chất. Nhưng thấm thía cảnh nghèo khó đã vùi dập ước mơ được tới lớp, tới trường, Sìn Văn Dưỡng quyết tìm mọi cách để con cái không vì lý do này mà phải dừng lại hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức.

Nhiều đêm suy nghĩ đến mất ngủ, Sìn Văn Dưỡng đi đến quyết định xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp. “Nhưng để xây dựng được mô hình đâu phải dễ. Phải cần một số vốn lớn trong khi số tiền tôi chắt chiu được vỏn vẹn có 15 triệu đồng. Rồi sản phẩm làm ra sẽ tiêu thụ ở đâu?”.

Trăn trở của Dưỡng cũng giống như biết bao thanh niên khi bước đầu chập chững khởi nghiệp. Nhưng may mắn là ở những lúc khó khăn nhất hay khi có được thành công như hôm nay, anh đều nhận được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay), đặc biệt là sự giúp đỡ của Đoàn xã về vốn và kỹ thuật.

Nhận được nguồn vốn ưu đãi lại được họ hàng, anh em bạn bè gom góp cho vay mượn tổng cộng 100 triệu, Sìn Văn Dưỡng có 115 triệu đồng để đầu tư mua 15 con lợn thịt, 200 con vịt, 50 con gà. Chăm chỉ làm lụng, vỗ béo cho đàn gia súc, gia cầm đáng giá cả gia tài, sau 6 tháng vất vả, lứa đầu tiên xuất chuồng thành công với số tiền bán lợn là 120 triệu đồng, tiền bán gà, vịt cũng lên đến 90 triệu đồng, trừ chi phí đem lại thu nhập bước đầu cho ông chủ trẻ là hơn 40 triệu đồng.

Khi đã có “đồng ra, đồng vào”, Sìn Văn Dưỡng một lần nữa lại vay mượn thêm tiền của các thành viên trong gia đình mua 1 máy xát, 1 máy xay bột phục vụ nhu cầu của bà con quanh vùng thu về 40 đến 50 triệu mỗi năm.

Nhưng “Lay Nưa quê hương tôi còn nhiều khó khăn, lại thuộc một tỉnh nghèo, bản thân lại được anh em tín nhiệm bầu là Bí thư chi đoàn và hội viên Câu lạc bộ thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi nên tôi tự thấy phải tìm cách giúp thanh niên trong thôn bản có việc làm để ổn định cuộc sống. Đó cũng là cách mình đóng góp cho quê hương”, Sìn Văn Dưỡng tâm sự.

Nói là làm, Sìn Văn Dưỡng đứng ra huy động được 30 đoàn viên trong chi đoàn và hội viên Câu lạc bộ thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi cùng chung vốn, chung sức thành lập Hợp tác xã thanh niên sản xuất bánh khẩu sén.

“Mô hình này sẽ vừa lưu giữ được loại bánh truyền thống của người Thái trắng, đáp ứng được sở thích của nhiều người trước đây muốn ăn nhưng không phải lúc nào cũng mua được, lại vừa tận dụng tối đa được nguồn nguyên liệu 1,8 ha sắn của các hội viên Hợp tác xã để khai thác nên vốn đầu tư bỏ ra không nhiều”, Chủ nhiệm Hợp tác xã phân tích về hướng đi hứa hẹn hiệu quả cả về giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình và tính kinh tế trong phát triển sản xuất.

Với 70 máy nhào, 70 máy ép bánh, 140 dao khuôn bánh hoạt động liên tục, sau khi chế biến, bánh khẩu sén không chỉ được bà con Thái trắng trong xã Lay Nưa, bản Bắc đón nhận mà làm đến đâu, loại bánh này được người dân thị xã Mường Lay tiêu thụ hết đến đấy và vươn xa ra chinh phục thị trường ở nhiều tỉnh, thành phố. Sìn Văn Dưỡng tính nhẩm, với giá bán từ 35 đến 50 nghìn đồng một kg, mỗi năm loại bánh này đem về chừng 450 triệu đồng doanh thu cho Hợp tác xã. Riêng anh, với nguồn thu từ chăn nuôi, làm máy xay sát, làm bánh khẩu sén mỗi năm cũng có doanh thu chừng 700 triệu.

 

Sìn Văn Dưỡng (ngoài cùng bên trái) nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ trao tặng - Ảnh: Minh Châu


“Giúp cho nhiều đoàn viên, thanh niên trong bản có việc làm, người có việc rồi thì có điều kiện nâng cao thu nhập, cuộc sống gia đình tôi cũng ngày một khá giả nên tôi rất phấn khởi, có cơ hội lại mở rộng sản xuất, kinh doanh”, Sìn Văn Dưỡng chia sẻ khi vừa vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ bởi thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, giúp tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương.

Khi được hỏi về những kế hoạch trong tương lai, Sìn Văn Dưỡng bộc bạch: Nhớ lời dạy của Bác “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, có được uy tín trong chi đoàn nhờ tạo điều kiện giúp anh em thoát nghèo, cuộc sống ổn định, khấm khá, là người đảng viên, bí thư chi đoàn, tôi sẽ gương mẫu, là trung tâm đoàn kết để vận động đoàn viên thanh niên cùng giữ gìn trật tự an ninh trên địa bàn, cùng bảo nhau tuân thủ pháp luật đặc biệt là Luật Giao thông, xây dựng gia đình văn hóa để góp phần đưa quê hương Mường Lay phát triển, ngày một “thay da, đổi thịt”./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực