Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ

Thứ năm, 11/09/2014 07:10

(ĐCSVN) -Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đó là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc bất hủ. Lời căn dặn của Người có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế đang đặt lên vai thanh niên những trách nhiệm lớn lao.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ thành những người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của cha anh. Vì vậy, trong Di chúc, mối quan tâm thứ hai sau khi nói về Đảng, Bác đã nói về đoàn viên thanh niên.

Bác căn dặn: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần chăm lo đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Bởi theo Người, nếu không chăm lo cho thế hệ trẻ, không tạo dựng một lực lượng kế tục có đức, có tài, sẽ không có những con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Bằng sự quan tâm và tình cảm đặc biệt đối với thế hệ trẻ, trong mỗi giai đoạn lịch sử, Người đã cùng với Trung ương Đảng chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo nhiều thế hệ cán bộ cách mạng ưu tú, trưởng thành từ thanh niên.


 

 Thực hiện lời dặn của Bác, nhiều phong trào do thanh niên phát động đã đạt được những kết quả khả quan, tạo sức lan tỏa tích cực trong xã hội (Ảnh: HM)


Theo thạc sĩ Ngô Xuân Đương - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau" theo bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là việc bồi dưỡng lý tưởng Cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện lời Bác dặn về việc chuẩn bị một lực lượng cho sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, chính sách về công tác giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên.

Tuy nhiên, hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội khu vực và quốc tế, ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường và của quá trình hội nhập quốc tế đã xuất hiện một bộ phận thanh thiếu niên còn có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc...

Khẳng định, không phải ai sinh ra cũng có ngay cho mình lý tưởng sống, thanh niên cũng vậy, ThS Ngô Xuân Đương cho rằng: Sự hình thành và phát triển lý tưởng cách mạng của thanh niên là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền cần đẩy mạnh hơn nữa việc bồi dưỡng, giáo dục, hình thành lý tưởng sống cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh; khắc phục cho được biểu hiện “nhạt Đảng, xa Đoàn, phai lý tưởng” ở một bộ phận không nhỏ thanh niên; đồng thời hình thành lớp thanh niên thời kỳ hội nhập quốc tế có hoài bão, ước mơ, có lý tưởng cao đẹp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định đường lối độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội.

TS. Lý Việt Quang - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng phân tích: Việc chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ là di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc bất hủ, là sự tổng kết lý luận và thực tiễn của Người về công tác bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi vì nước, vì dân.

Để quán triệt và thực hiện tốt Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời góp phần giải quyết những vấn đề nóng đang đặt ra hiện nay của đất nước, mỗi người, mỗi gia đình và các cấp, các ngành phải thực sự coi công tác bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ là “một công việc rất quan trọng và rất cần thiết”, đào tạo những công dân tốt, những cán bộ tốt, chủ nhân xứng đáng của đất nước trong tương lai. Đề cao việc giáo dục bằng biện pháp nêu gương: Nêu gương của thế hệ đi trước, nhất là của cha mẹ, thầy cô giáo; nêu gương người tốt, việc tốt trong thế hệ trẻ...; đồng thời, khuyến khích và hướng dẫn việc tự bồi dưỡng, tự giáo dục, tự học của thế hệ trẻ - TS. Lý Việt Quang khẳng định.

PGS.TS Bùi Đình Phong - giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Thế hệ trẻ xây dựng đất nước phải vừa có đạo đức, vừa có trình độ chuyên môn khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập toàn cầu. Muốn vậy, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải là một tấm gương về đạo đức, lối sống. Bản thân Đảng phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, thực sự trong sạch, vững mạnh. Đó là cách giáo dục tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất cho thanh niên.

45 năm qua, thực hiện Di huấn của Người, trong văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng đều đề cập đến công tác giáo dục, bồi dưỡng, sử dụng thanh niên. Đảng ta luôn coi thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng; vấn đề thanh niên luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng và các cấp ủy đã tổ chức quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng đối với đoàn viên, thanh thiếu niên; tăng cường công tác đào tạo, hướng nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên... Nhiều phong trào do thanh niên phát động đã thu được kết quả khả quan và mang tính hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội như: Phong trào "Lập thân lập nghiệp", "Thanh niên tình nguyện", "Tuổi trẻ giữ nước"... Qua hoạt động thực tiễn đã xuất hiện nhiều tấm gương "Người tốt, việc tốt" trong học tập, lao động sản xuất, bảo vệ Tổ quốc và hoạt động xã hội.

Có thể nói, quan điểm "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau" của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ sở tư tưởng và lý luận để Đảng và Nhà nước ta xây dựng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp, các ngành cần xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai tại cấp, ngành mình; cần tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác giáo dục về mọi mặt đối với thế hệ trẻ, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực