Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

Thứ sáu, 13/06/2014 11:04

Việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các ngành, các địa phương trong cả nước ngày càng được đẩy mạnh, gắn với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và từng cấp, từng ngành. Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương được các cấp ủy chỉ đạo gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương và Quy định 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Qua đó, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tạo sức lan tỏa trong học tập và làm theo gương Bác. 

* Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ chủ chốt

Ở nhiều tỉnh ủy, thành ủy, nội dung nêu gương đã được cụ thể hóa, trước hết, với cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Nhiều địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo kịp thời, từ yêu cầu thực tế của địa phương, đơn vị để hướng dẫn những nội dung cần tập trung về trách nhiệm nêu gương. Tại một số địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lựa chọn thêm chủ đề cho việc thực hiện Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương.

Nhiều địa phương tổ chức triển khai thực hiện thông qua việc đăng ký trách nhiệm nêu gương, trước hết là trong tập thể Ban Thường vụ các cấp ủy, tập thể lãnh đạo của chính quyền các cấp và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Có địa phương, việc thực hiện đăng ký trách nhiệm nêu gương được mở rộng trong toàn ban chấp hành chi bộ, đảng bộ; việc đăng ký và kế hoạch thực hiện được công khai trước chi bộ, cơ quan, đơn vị nơi công tác. Một số địa phương còn công khai trên mạng kèm theo hộp thư điện tử cá nhân để nhân dân giám sát, đóng góp ý kiến.

Tại Bình Phước, thực hiện Quy định của Ban Bí thư “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, việc thực hiện đăng ký nêu gương được duy trì hằng năm. Thời gian đăng ký là ngay sau kiểm điểm, đánh giá phân loại đảng viên cuối năm. Cán bộ lãnh đạo cấp càng cao, càng phải gương mẫu thực hiện trước.

Trên cơ sở 7 nội dung nêu gương tại Quy định 101-QĐ/TW, mỗi cán bộ, đảng viên căn cứ chức trách, nhiệm vụ của mình để cụ thể hóa nội dung nêu gương. Yêu cầu nội dung nêu gương phải cụ thể, tránh chung chung và phải dễ kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Dù đăng ký ở đâu, cũng phải báo cáo chi bộ nơi sinh hoạt, cơ quan và các tổ chức mà mình là thành viên để được giúp đỡ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp phải đưa việc thực hiện nêu gương vào chương trình kiểm tra giám sát hằng năm. Việc thực hiện nêu gương là một những tiêu chí để đánh giá, phân loại đảng viên hằng năm.

Tỉnh ủy Tiền Giang xây dựng Quy định “nêu gương về đạo đức, lối sống của cán bộ lãnh đạo chủ chốt” với phương châm “tự soi rọi”. Đến nay, 98% cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở đăng ký thực hiện “Nêu gương”.

Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Quy định với yêu cầu về nội dung gương mẫu cần tập trung thực hiện là: đi đầu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; tận tụy với công việc; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị; thực hiện tốt nguyên tắc phê bình và tự phê bình; xây dựng khối đại đoàn kết.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình chỉ đạo thực hiện Quy định về trách nhiệm nêu gương và gắn với Quy định về những điều đảng viên không được làm và Nghị quyết Trung ương 4, trong đó đặc biệt chú trọng việc nêu gương khắc phục khuyết điểm; gương mẫu trong sự phân công công tác; trong chấp hành Quy chế làm việc, chế độ sinh hoạt cấp ủy, tự phê bình và phê bình. Ngành Thanh tra của tỉnh đã chủ động tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và chủ tịch UBND cấp dưới trong việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội, phòng chống tham nhũng...

Tại Ninh Bình, Tỉnh ủy đã ban hành Qui định yêu cầu cụ thể về trách nhiệm nêu gương là: Nâng cao ý thức thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình; coi trọng xây dựng khối đại đoàn kết trong cơ quan, đơn vị; phát huy dân chủ, khắc phục khó khăn trong công tác; quan tâm chăm sóc đến lợi ích chính đáng của nhân dân, của cán bộ; tích cực học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức lối sống; thực hành tiết kiệm; có tác phong sâu sát cơ sở gần dân, sát dân...

* Tạo chuyển biến tích cực

Những nội dung và yêu cầu về nêu gương đã tác động tích cực đến việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, tư cách cán bộ, đảng viên, tạo một số chuyển biến trong tác phong, lề lối làm việc, thái độ ứng xử với nhân dân của cán bộ, đảng viên và được quân chúng ghi nhận. Đa số cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đều có ý thức tích cực, tự giác, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm gương mẫu của mình; là hạt nhân đoàn kết trong cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Nhìn chung, cán bộ lãnh đạo có lối sống trong sạch, lành mạnh; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tiến hành công việc khoa học, dân chủ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khiêm tốn, gần gũi nhân dân, tôn trọng cấp dưới.

Thực tế, tại các địa phương trong cả nước có rất nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên hy sinh lợi ích cá nhân vì công việc chung, như: đi đầu trong cải cách hành chính, đổi mới lề lối, tác phong trong công việc, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, gương mẫu tham gia hiến đất mở đường, dồn điền, đổi thửa, xây dựng nông thôn mới.., được nhân dân ghi nhận.

Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Quy định về trách nhiệm nêu gương, toàn tỉnh Bình Phước đã có 5 đồng chí lãnh đạo sở, ngành; 146 lãnh đạo cấp huyện, thị xã và 82 lãnh đạo cấp cơ sở được biểu dương, khen thưởng. Bí thư Thị ủy Phước Long Phạm Hùng Sơn đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng và thực hiện phong trào thực hành tiết kiệm vì người nghèo trong cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài Phạm Văn Phan đã vận động được nhiều hội viên nông dân trên toàn phường hiến 2.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn và vận động hội viên nông dân xây dựng nhà tình thương cho hội viên nghèo, khó khăn về nhà ở…

Tại tỉnh Yên Bái, nhiều gương cán bộ đảng viên tiên phong gương mẫu trong các lĩnh vực. Tiêu biểu như ông Trần Huấn, Bí thư chi bộ 17, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ đi đầu vận động đảng viên thực hiện nếp sống văn minh. Ông Bàn Thừa Chiêu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên thực hiện tốt những cam kết với Huyện ủy về bảo vệ rừng, không buôn bán lâm sản trái phép, vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục, hiến đất xây trường học...Ông Vũ Hữu Lê, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Hà, thành phố Yên Bái đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nghiên cứu và chế tạo, cải tiến kỹ thuật gần 50 loại máy móc, thiết bị.

Tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ chủ chốt đã góp phần đổi mới lề lối, tác phong làm việc ở nhiều địa phương, đơn vị; nêu cao ý thức, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, tạo chuyển biến tích cực./. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực