Giải pháp quan trọng khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống

Thứ sáu, 22/05/2015 19:36

(ĐCSVN) – Những thành tựu đạt được sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã khẳng định sự cần thiết của việc tiếp tục học tập và làm theo Bác. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, cần biến việc học tập thành hành động, đẩy mạnh việc làm theo đi vào chiều sâu theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Những điển hình từ công tác dân vận

Trong nhiều năm qua, khu vực hồ Ba Giang, ao Hợp Tiến trên địa phận phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội bị lấn chiếm, lòng hồ bị thu hẹp, trở thành nơi đổ rác, phế thải, mùi xú uế nồng nặc gây ô nhiễm nghiêm trọng. Xuất phát từ lợi ích của nhân dân, ngay từ cuối năm 2013, Ban Quản lý dự án đưa dự án xuống phường để lấy ý kiến nhân dân. Suốt trong thời gian công khai dự án, đa số người dân đều đồng thuận, tuy nhiên vẫn còn một số người dân phản đối vì liên quan đến những lợi ích thiết thân. Mặt khác, dự án gặp những phản đối gay gắt từ môt số đối tượng thoái hóa, biến chất, lợi dụng tình trạng “đục nước béo cò” bằng nhiều thủ đoạn để mưu cầu biến tài sản của Nhà nước thành tài sản riêng nên đã ra sức cản trở việc giải phóng mặt bằng…Trải qua muôn vàn khó khăn, cản trở, tưởng chừng không thể vượt qua được, nhưng rồi công trình vườn hoa Trần Quang Diệu khu vực hồ Ba Giang có khu cây xanh, sân chơi và tiểu cảnh được hoàn thành, mang lại không gian xanh cho cả khu vực.

 

 Vườn hoa Trần Quang Diệu trong khuôn viên khu vực hồ Ba Giang. (Ảnh:TH)


Theo ông Vũ Hoan, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Quang Trung, có được kết quả đó là do quá trình khảo sát tỉ mỉ, chu đáo, sau đó lên phương án đền bù phù hợp với chính sách và lòng dân. Với những đối tượng phản đối, phường khéo léo, kiên trì vận dụng tư tưởng “Dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo phương châm “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Cụ thể, phường thực hiện công tác giải phóng mặt bằng với cách làm đúng đắn, công khai, tận tâm tận lực, dân chủ thống nhất, vừa tình cảm, vừa kiên quyết theo phương châm “tất cả vì nhân dân”. Cùng với đó, cách vận động phải đến tận nơi, có tình, có lý…

Cũng áp dụng triệt để cách làm “Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Ban Công tác Mặt trận Khu dân cư số 3, xã Chương Dương, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội đã thành công trong việc vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới. Ông Lương Đình Chi, Trưởng Ban Công tác Mặt trận Khu dân cư số 3 cho biết, trước thực trạng ruộng đất manh mún, khó khăn cho công tác quy hoạch để đầu tư phát triển công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, tiểu ban dồn điền đổi thửa đã xây dựng kế hoạch cải thiện tình hình. Cụ thể, tiểu ban xây dựng kế hoạch đắp mới 2 con đường và đào mới 2 con mương có tổng chiều dài 600m, đắp và mở rộng 5 con đường có chiều rộng 5m, quy hoạch lại hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về xây dựng nông thôn mới. Khi đưa ra dân bàn bạc, đóng góp ý kiến nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất để thực hiện thì một bộ phận nhân dân còn băn khoăn, thậm chí phản đối cho rằng bình quân ruộng đất chia cho đầu người ít; một số hộ nông dân đã tự động chuyển đổi cho nhau trong quá trình canh tác nên không đồng tình với kế hoạch đề ra. Tiểu ban dồn điền đổi thửa mà nòng cốt là Ban Công tác Mặt trận khu dân cư không nản chí mà tập trung tuyên truyền, thuyết phục để mọi người dân hiểu và thấy được lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của công tác dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch giao thông thủy lợi nội đồng đem lại. Qua quá trình vận động, thuyết phục, các hộ dân đã đồng tình ủng hộ. Trong quá trình triển khai không có đơn thư khiếu kiện. Đến nay, các hộ nông dân chỉ còn từ 1 đến 2 thửa ruộng và đã chuyển đổi trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.

Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 2 Lương Đình Chi cho biết thêm, trong quá trình thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn, nhờ cách làm “dân vận khéo”, nhân dân đã góp tiền của, công sức cùng với sự hỗ trợ vật tư của huyện đã làm được con đường bê tông dài 600m, rộng 6m. Để làm được con đường này, tại những điểm thắt cổ chai, Ban Công tác Mặt trận đã vận động các gia đình hiến 40m² đất thổ cư và vận động nhân dân đóng góp 250 triệu đồng và trên 200 ngày công. Nhân dân đã tự nguyện hiến 5.700m² đất và đào đắp mương máng, đường giao thông nội đồng. Đến nay, 100% đường làng, ngõ xóm trong khu dân cư đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, đáp ứng được tiêu chí về đường giao thông trong xây dựng nông thôn mới….

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều những điển hình tiên tiến đã thành công nhờ biết áp dụng cách làm “Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ những thành tựu đạt được trong những năm tiến hành Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã khẳng định sự cần thiết của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong toàn Đảng, toàn dân.

Cần đẩy mạnh việc làm theo đi vào chiều sâu

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận có rất nhiều vấn đề đặt ra trong thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi Đảng ta nhận định còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng… Điều này chính là do việc quán triệt và học tập theo gương Bác chưa thực sự đầy đủ và chưa biến thành hành động cụ thể để mỗi cán bộ, đảng viên rèn luyện, phấn đấu.

Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, quán triệt, đặc biệt là phải làm thế nào tạo thành sự giác ngộ về mặt nhận thức, chuyển biến thành hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Tấm gương của Bác phải trở thành sự soi rọi trong mỗi người, qua đó, phấn đấu làm sao để thực hiện đúng những điều mà Bác Hồ mong muốn.

 

 Bác Hồ trò chuyện với đại biểu phụ nữ dân tộc thiểu số tại Đại hội phụ nữ
toàn quốc lần thứ III (1961). Ảnh: Tư liệu.


Là người tham gia vào quá trình truyền đạt tới các Đảng bộ và nhân dân về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: điều quan trọng không chỉ cảm nhận mà còn biến thành hành động. Tất cả các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên đang đương chức, nắm các cương vị lãnh đạo của hệ thống chính trị phải học theo tư tưởng của Bác, từ đó tạo chuyển biến lớn trong xã hội. Do đó, cần phải đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 03 và làm có chiều sâu hơn, có giá trị sâu sắc về thực tiễn và năng lực vận dụng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Phúc nêu: Học tập theo Bác không phải để ca ngợi, chiêm ngưỡng Bác mà quan trọng chuyển từ nhận thức thành hành động, dù hành động nhỏ nhưng mỗi người góp hành động nhỏ theo tấm gương của Bác sẽ tạo nên xã hội tốt đẹp hơn. Muốn vậy, phải tham gia tích cực vào nhiệm vụ học tập tấm gương đạo đức của Bác. Ở đây, việc học phải thường xuyên, liên tục chứ không học theo đợt là xong. Trong việc học tập và làm theo, vai trò người đứng đầu rất quan trọng. Nếu người đứng đầu gương mẫu về đạo đức, có trình độ trí tuệ, năng lực tổ chức thực tiễn và luôn luôn nói đi đôi với làm thì sẽ có tác động lớn đến tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân.

Cùng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, PGS.TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần phải giúp cán bộ, đảng viên thấy rõ sự cần thiết, vai trò, những hình thức biểu hiện của tư tưởng Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo tư tưởng của Người còn là cơ sở để cán bộ, đảng viên tiến bộ và hoàn thiện nhân cách của người cán bộ cách mạng, thực sự xứng đáng với vai trò vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao cho… Muốn vậy, trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới, đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng không chỉ có nhiệt tình cách mạng mà còn phải có tri thức khoa học về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Người cán bộ, đảng viên cần khiêm tốn, lắng nghe, tiếp thu ý kiến phê bình của đồng chí, cấp dưới, quần chúng, từ đó chuyển thành nhận thức và hành động tự giác. Chính phong cách đó là cơ sở để cho hoạt động của người cán bộ ngày càng hiệu quả, và là tấm gương đối với quần chúng nhân dân, góp phần củng cố lòng tin của họ vào sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng.

Có thể nói, trong tình hình hiện nay, khi mà toàn Đảng, toàn dân ta đang triển khai và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và đẩy mạnh thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thì việc học tập và làm theo Bác có ý nghĩa to lớn. Đây sẽ là công việc lâu dài để xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa, tinh thần cho xã hội, đồng thời là giải pháp quan trọng khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống hiện nay./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực