Hà Nội huy động các nguồn lực chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ sáu, 14/11/2014 01:23

(ĐCSVN) – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới đồng bào dân tộc và công tác dân tộc. Học tập và làm theo Người, từ năm 2009 đến nay, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù huy động các nguồn lực đầu tư, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), qua đó góp phần rút ngắn dần khoảng cách giữa vùng dân tộc miền núi và đồng bằng.

 

 Các đại biểu DTTS tham dự Đại hội đại biểu các DTTS thành phố Hà Nội
diễn ra mới đây. (Ảnh: TH)


Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xơ Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ có nhau, no đói giúp nhau"…. Cho đến bây giờ, lời căn dặn của Người vẫn còn nguyên giá trị. Thực hiện lời căn dặn này, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo hệ thống chính trị các cấp từ Thành phố đến cơ sở quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm xác định việc thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng.

Ngoài việc thực hiện có hiệu quả Chương trình 134, 135 của Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 166 ngày 30/11/2012 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015. Theo Kế hoạch 166, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho các dự án để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi của Thủ đô giai đoạn 2013 - 2015 là hơn 2.000 tỷ đồng, phân bổ cho 186 nhóm dự án. Trong hai năm 2012 - 2013, thành phố đã bố trí 337,5 tỷ đồng để thực hiện 40 công trình, dự án. UBND thành phố đã đầu tư 59 dự án thuộc các lĩnh vực nước sạch, y tế, giáo dục, giao thông nông thôn, thủy lợi tại 14 xã vùng dân tộc miền núi với tổng mức kinh phí là trên 555 tỷ đồng…

Cùng với đó, Thành phố chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các địa phương tổ chức cho nhân dân các xã vùng dân tộc và miền núi vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, với số dư 64 tỷ đồng; thực hiện miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với hệ thống giáo dục vùng đồng bào DTTS. Từ năm học 2010 -2011 đến năm học 2014 - 2015, thành phố đã hỗ trợ trên 11 tỷ đồng cho 32 nghìn lượt học sinh là người dân tộc thiểu số.

Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Thành phố, trong 5 năm (2009 - 2014) mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế, song kinh tế các xã miền núi - vùng đồng bào DTTS vẫn phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm ở các xã dân tộc đạt trên 10%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người năm 2009 mới đạt 6,7 triệu đồng/người/năm, đến năm 2014 ước đạt 15 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 2 - 3% (năm 2011 còn 18,55%, năm 2013 giảm còn 10,69%), năm 2014 dự kiến còn khoảng 9%. Cũng trong 5 năm qua, toàn Thành phố đã xóa được gần 1.000 nhà dột nát cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số cũng được Thành phố quan tâm, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong các cơ quan, đơn vị ngày càng được nâng lên. Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức của 14 xã là 318 người, trong đó, có 229 cán bộ là người dân tộc thiểu số (72,8%); trình độ cao đẳng, đại học 63 người (chiếm 36%); có 10/14 đồng chí Bí thư Đảng ủy xã và 09/14 đồng chí Chủ tịch UBND xã là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, vùng dân tộc thiểu số Hà Nội hiện có 147 người có uy tín được thụ hưởng chính sách, qua đó, đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được quan tâm. Tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề từ 26,5% năm 2009 tăng lên 34,8% năm 2014. Trong 5 năm qua đã đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 4.515 người tại 14 xã miền núi. Một số sở, ngành đã đưa các chương trình lồng ghép trong phát triển kinh tế đối với các xã vùng dân tộc miền núi như: Chương trình khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ nông dân trong trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ về vay vốn phát triển sản xuất, từ đó đã khuyến khích được đồng bào vùng dân tộc miền núi tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân”, đồng bào các DTTS đã đoàn kết, tích cực, cùng nhau chung sức xây dựng nông thôn mới. Các hộ dân vùng đồng bào DTTS đã đóng góp hàng tỷ đồng và hàng vạn ngày công, hiến hàng chục ngàn m² đất, tháo bỏ các công trình của gia đình, cây cối hoa màu...để xây dựng các công trình nông thôn mới. Đến nay các xã: Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân (Thạch Thất) đạt 17/19 tiêu chí; An Phú (Mỹ Đức) đạt 12/19 tiêu chí; 6/7 xã của huyện Ba Vì đạt trên 10 tiêu chí. Đã có 72/152 thôn được công nhận là làng văn hóa, số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 78%...

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống được duy trì và phát triển, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân và thu hút nhiều khách đến tham quan, tham gia vào các hoạt động lễ hội. Các địa phương vùng DTTS đã xây dựng và thực hiện các đề án về bảo tồn và khôi phục bản sắc văn hóa các dân tộc như đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa DTTS huyện Ba Vì giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020", huyện Thạch Thất với bảo tồn văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường…

Có thể nói, những bước đi vững chắc trong công tác dân tộc nhiệm kỳ vừa qua của Hà Nội đã góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; bảo đảm an ninh, quốc phòng, chính trị, xã hội ổn định, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Thành quả này chính là tiền đề để Hà Nội trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Để tiếp tục tạo điều kiện cho đồng bào DTTS ở Thủ đô nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, trong thời gian tới, Hà Nội xác định công tác dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị với quan điểm đồng bộ, toàn diện, kiên trì, hiệu quả và bền vững. Theo đó, thành phố Hà Nội tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách dân tộc đã ban hành, trên cơ sở đó đề xuất với Chính phủ để ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất tạo điều kiện cho đồng bào phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo tự vươn lên thoát nghèo, các chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, đào tạo, sử dụng lao động, tạo việc làm tại các xã vùng dân tộc miền núi; đồng thời rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, đề án của thành phố đã ban hành để xây dựng lộ trình, phân công tổ chức thực hiện đảm bảo sát thực, hiệu quả.

 

Nhờ chính sách phù hợp của các cấp, các ngành, đời sống đồng bào vùng
DTTS Hà Nội ngày càng phát triển. (Ảnh: TH)
 


Cùng với đó, Thành phố nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, chú trọng việc hướng dẫn đồng bào đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tổ chức lại vùng nguyên liệu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất gắn với các loại hình du lịch, dịch vụ hiệu quả. Lấy những tấm gương điển hình sản xuất, chăn nuôi, làm kinh tế giỏi ở tại địa phương để phổ biến, hướng dẫn, giúp đỡ mọi người làm theo... Tập trung huy động cao nhất nguồn lực, tạo cơ chế mang tính đột phá trong đầu tư phát triển. Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu; tập trung cao cho các xã miền núi khó khăn theo Chương trình 135 của Chính phủ…

Trung thành với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc, phát biểu tại Đại hội đại biểu các DTTS của Thành phố lần thứ II (nhiệm kỳ 2014 - 2019) vừa diễn ra, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội đề nghị MTTQ các cấp và các đoàn thể nhân dân tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Duy trì và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đồng thời tuyên truyền loại bỏ những hủ tục, mê tín dị đoan nhất là các hủ tục trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, đề cao cảnh giác và ngăn chặn triệt để những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, lừa gạt, lôi kéo đồng bào, làm phương hại đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Lấy xây để chống, phát huy sức mạnh lòng dân, tạo niềm tin vững chắc của đồng bào dân tộc với Đảng, Nhà nước.

Để làm được điều đó, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị đồng bào DTTS Thủ đô nêu cao tinh thần đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp. Ra sức thi đua hăng hái lao động sản xuất để thoát nghèo, vươn lên làm giàu một cách chính đáng. Xứng đáng với truyền thống quý báu từ ngàn đời nay của các dân tộc chúng ta…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực