Hải Phòng hướng ra biển lớn theo lời dạy của Bác

Thứ ba, 04/11/2014 10:33

(ĐCSVN) – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao tầm quan trọng của Hải Phòng với vị thế là cảng lớn, đầu mối giao thông quan trọng trên đường hàng hải quốc tế, một trung tâm công nghiệp của miền Bắc và cả nước. Hải Phòng vinh dự được 9 lần Bác về thăm và viết nhiều thư, bài báo động viên, căn dặn về vấn đề này.
 

 

 Nhà máy xơ sợi Đình Vũ đi vào hoạt động góp phần đưa công nghiệp
Hải Phòng mở rộng sang một lĩnh vực mới - ảnh: HH
 


Bác đến từng nhà máy, xí nghiệp, các HTX nông nghiệp, thăm hỏi các cụ già, em nhỏ, nhắc nhở mọi người “Đoàn kết, kỷ luật, công tác", phát huy truyền thống “Trung dũng”, quyết thắng trong các nhiệm vụ mới, xây dựng Hải Phòng thành “Thành phố gương mẫu của nước ta”.

Khắc ghi lời Bác dạy, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hải Phòng luôn nỗ lực phấn đấu giành nhiều thắng lợi toàn diện trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, Thành phố luôn chú trọng hướng ra biển lớn, phát triển khai thác, chế biến thủy sản cùng nhiều dịch vụ cảng biển, nghề cá nhằm tận dụng lợi thế do thiên nhiên đem lại, xứng đáng với niềm tin và lời căn dặn của Bác Hồ.

Đồng chí Lê Văn Thành, Phó Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, 9 lần được vinh dự đón Bác Hồ về thăm và nói chuyện, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Phòng luôn nhận được ở Người những tình cảm yêu mến đặc biệt và những lời căn dặn sâu sắc, chan chứa ân tình. Chính vì vậy, triển khai chuyên đề Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hiện nay Đảng bộ thành phố đang tích cực bổ sung nội dung học tập và làm theo lời dạy Bác qua 9 lần Bác về thăm Hải Phòng. 

Để xứng đáng với sự quan tâm của Bác Hồ dành cho Hải Phòng, Thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho kinh tế toàn thành phố. Bộ mặt của Hải Phòng thay đổi rõ nét qua từng năm, từng giai đoạn. Từ một đô thị nhỏ bé chỉ có ba quận Hồng Bàng, Lê Chân và Ngô Quyền, giờ đây Hải Phòng đã mở mang với việc hình thành các quận mới Kiến An, Hải An, Ðồ Sơn, Dương Kinh... Hàng loạt các khu đô thị mới, tuyến đường trục, nút giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng và mở rộng. Cùng với đó là hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị được triển khai tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Từ cầu Niệm, cầu Rào, cầu An Dương trước đây, nay đã có thêm các cây cầu lớn như cầu Bính, cầu Kiền, Tiên Cựu, Quý Cao... và tới đây là cầu Khuể, cầu Rào 2 đang được hoàn tất và sẽ có cả cầu Ðình Vũ - Cát Hải cũng được xây dựng. Bên cạnh đó, một loạt các dự án lớn mang tính phát triển chiến lược đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ: Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; nâng cấp mở rộng sân bay Cát Bi và nghiên cứu xây dựng sân bay quốc tế tại Tiên Lãng; khu kinh tế Ðình Vũ - Cát Hải... Ðây sẽ là những điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Ngay tại Bến Nghiêng (Ðồ Sơn), nơi tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng rời khỏi Hải Phòng năm xưa, giờ cũng đã là một khu du lịch thơ mộng với bãi biển trải dài trong nắng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn.

Hai lĩnh vực công nghiệp và cảng biển là những thế mạnh mà Hải Phòng xác định trong phát triển kinh tế. Chỉ tính trong 10 năm qua, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ của Hải Phòng đã chuyển dịch đúng hướng và tăng từ 82% lên 90% trong cơ cấu kinh tế. Hàng loạt các khu, cụm công nghiệp với các nhà máy đồ sộ, ống khói vươn cao được quy hoạch và đi vào hoạt động như: khu công nghiệp Nô-mu-ra, Ðình Vũ, Nam Cầu Kiền, Ðồ Sơn, Tràng Duệ, Tân Liên, An Dương... Hải Phòng đã trở thành trung tâm sản xuất da giày, luyện cán thép, đóng tàu, xi-măng... của đất nước. Nhiều nhà máy mới với các công nghệ tiên tiến hiện đại được xây dựng như chế biến thủy sản xuất khẩu, sản xuất động cơ tua-bin gió và hơi, nhiệt điện, xơ sợi pô-ly-e-xte... Việc huy động các nguồn lực và tiềm năng, lợi thế của thành phố cho đầu tư phát triển đã có bước chuyển biến mới, 10 năm qua đạt 224.668 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài có tiến bộ quan trọng về số vốn và chất lượng các dự án đầu tư. Trên địa bàn thành phố hiện có 358 dự án FDI còn hiệu lực với số vốn đăng ký là 8,1 tỷ USD.

 

 Công trường Nhà máy đóng tàu Sông Cấm luôn nhôn nhịp tiếng máy - ảnh: HH


Hải Phòng cũng là địa phương tự hào cho xuất bến những con tàu lớn nhỏ từ các nhà máy Bạch Ðằng, Nam Triệu, Phà Rừng, Bến Kiền, Sông Cấm... để có mặt trên khắp các đại dương. Từ các sản phẩm đơn giản, thông thường như đóng tàu chở hàng khô, xi-măng, công-ten-nơ, khí hóa lỏng đến dầu, hóa chất, các nhà máy đóng tàu Hải Phòng đã khẳng định với thế giới trình độ, kỹ thuật của những người thợ lành nghề khi cho ra đời những chiếc tàu chở hàng 6.300 tấn đến kho nổi chứa xuất dầu 150 nghìn tấn FSO 5...

Đi liền với đó, hoạt động dịch vụ cảng biển được Hải Phòng quan tâm và cùng các ngành tập trung đầu tư. Hệ thống cảng ngày càng được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đảm nhận tới 90% sản lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu khu vực phía Bắc qua đây. Hiện nay, Hải Phòng có hơn 7.200 m cầu cảng, gấp hơn hai lần thời kỳ trước đổi mới (1987), sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 35 triệu tấn, tăng 11 lần so với thời kỳ trước đổi mới. Các khu kinh tế Đình Vũ -Cát Bà bước đầu hình thành đã phát huy vai trò là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng từ 13,02 triệu tấn năm 2003 lên 48,8 triệu tấn năm 2012. Tiến ra phía biển, tại các bãi thủy lôi của đế quốc Mỹ phong tỏa trong chiến tranh phá hoại xưa, nay đang được triển khai xây dựng một cảng nước sâu hiện đại, tầm cỡ quốc tế tại Lạch Huyện và sản lượng hàng hóa qua cảng sẽ lên tới 66 triệu tấn vào năm 2020 và 250 triệu tấn vào năm 2030.

Phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng biển đã tạo động lực cho phát triển kinh tế của Thành phố. Phó Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành phấn khởi cho biết, sau 10 năm (2003 - 2013) thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX "Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Hải Phòng đã được Bộ Chính trị đánh giá cao với nhiều chỉ tiêu phát triển nhanh. GDP bình quân cả giai đoạn tăng 11%; Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 2.064 USD; quy mô kinh tế tăng gấp 2,8 lần năm 2002, đứng thứ hai trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, chiếm 4,7% tổng GDP cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó tỷ trọng dịch vụ - công nghiệp chiếm gần 90%, dịch vụ cảng biển phát triển nhanh; huy động đầu tư toàn xã hội khá cao, từ năm 2011 thu hút FDI đã phục hồi và tăng nhanh. Qua đó từng bước khẳng định Hải Phòng là một trong những trung tâm công nghiệp của vùng và cả nước.

Giáo dục - đào tạo được phát triển tốt theo hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện một bước, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,21%. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tiến hành thường xuyên và tương đối có nền nếp. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng được tiến hành bài bản, đạt kết quả cao, giải quyết nhiều vấn đề, nhất là trong công tác quản lý đất đai và xử lý những vấn đề còn tồn đọng.

Từ những kết quả trên cho thấy, khắc ghi lời Bác dạy, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Phòng đã làm chủ vùng biển, vùng trời, bảo vệ vững chắc vùng lãnh thổ, khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa thành phố phát triển nhanh trong khu vực và xứng đáng là cửa ngõ quan trọng của cảng biển khu vực phía Bắc.

Với quyết tâm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhất là Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị, từ nay đến năm 2020, Hải Phòng sẽ phấn đấu phát triển theo hướng “phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế để xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc và hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao; một pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng - an ninh; có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; hoàn thành công nghiệp hoá, hiện đại hoá trước năm 2020”./.

Người dân Hải Phòng còn nhớ mãi những lần Bác về thăm và nói chuyện cũng như những nét bút thân thương Bác động viên nhân dân thành phố chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển kinh tế khi hòa bình lập lại. Dù bận trăm công, nghìn việc, nhưng Người luôn  theo dõi sát sao từng trận đánh, thường xuyên gửi thư, điện thăm hỏi khen ngợi mỗi chiến công, biểu dương mỗi gương chiến đấu dũng cảm, chia sẻ và động viên kịp thời trước mỗi khó khăn, nêu ý kiến định hướng cho mỗi bước đi lên của quân và dân Hải Phòng. Cảm động trước gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân, dân Hải Phòng “để giữ gìn đất Cảng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm đặc phái viên cầm thư của Người gửi đồng bào Hải Phòng. Người biểu dương tinh thần chiến đấu anh dũng và khen tặng quân, dân Hải Phòng lá cờ thêu hai chữ “Trung dũng”. Hình ảnh gần gũi của Bác khi nói chuyện với nhân dân ở Nhà hát lớn Hải Phòng hoặc ân cần hơn là nhắn gửi đến đảng bộ và nhân dân Thành phố bằng những nét bút thân thương trong cuốn sổ tay và giao cho phóng viên tờ Dân chủ chuyển lại...

Đặc biệt, ngày 31/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm cán bộ và nhân dân huyện đảo Cát Hải, Cát Bà. Sau những lời động viên, thăm hỏi bà con ngư dân trong công việc chài lưới, làm chủ biển trời quê hương, Bác căn dặn Đảng bộ và nhân dân huyện đảo: "Rừng vàng biển bạc của ta, do nhân dân ta làm chủ”. Đây là phần thưởng, nguồn động viên tinh thần vô cùng quý giá, cổ vũ quân dân huyện đảo hăng say làm việc hơn nữa để bảo vệ vững chắc một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. 
 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực