(ĐCSVN) - Nhận thức đầy đủ và sâu sắc chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng Đảng, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; mục đích, ý nghĩa của hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (sau đây gọi tắt là hoạt động sáng tác, quảng bá) là một công việc quan trọng của công tác tuyên truyền về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Từ tháng 5/2013 đến nay, đợt II của hoạt động sáng tác, quảng bá được Ban Chỉ đạo Giải thưởng, cấp ủy các cấp, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, và đã đóng góp hiệu quả vào công tác tuyên truyền về những kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tạo không khí phấn khởi trong xã hội, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần khẳng định sức sống trường tồn, giá trị to lớn, nhân văn của tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội.
Điểm mới trong công tác chỉ đạo, tổ chức hoạt động sáng tác, quảng bá đợt này là: Ban Chỉ đạo Giải thưởng, cấp ủy các cấp đã chủ động trong công tác chỉ đạo, tổ chức, phối hợp, nắm tình hình, cung cấp thông tin, hướng dẫn; xây dựng chương trình, kế hoạch, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho hoạt động sáng tác, quảng bá triển khai đều, rộng, trên nhiều mặt của đời sống xã hội; bám sát thực tiễn của địa phương, cơ sở, đơn vị, đặc thù của từng loại hình văn học, nghệ thuật, thiết chế văn hóa, thiết chế thông tin, truyền thông để trao đổi về chủ đề sáng tác, cách thức tổ chức tuyên truyền, mở trại viết, giao lưu, giới thiệu tác phẩm mới, động viên tổ chức, cá nhân hỗ trợ hoạt động sáng tác, quảng bá, tuyên truyền về hoạt động sáng tác, quảng bá, tạo sức lan tỏa, triển khai thuận lợi để văn nghệ sĩ, nhà báo, những người có tâm huyết phấn khởi tham gia. Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc trao đổi, tọa đàm với Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức hoạt động sáng tác, quảng bá ở một số tỉnh, thành phố (ba miền), Đảng bộ trực thuộc Trung ương. Nội dung trao đổi tập trung làm rõ, thống nhất về nhận thức đối với những vấn đề cụ thể trong Quy chế Giải thưởng, tọa đàm về kinh nghiệm, chủ đề sáng tác. Việc nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của hoạt động sáng tác, quảng bá, tìm hiểu sâu về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, cung cấp tư liệu, thông tin về gương người tốt, việc tốt, kinh nghiệm tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác của ngành, địa phương... đã có tác dụng làm rõ chủ đề, phạm vi của đề tài sáng tác, quảng bá, giúp cấp ủy, ban chỉ đạo giải thưởng của các cơ quan, ngành, địa phương chủ động chỉ đạo, định hướng, triển khai hoạt động sáng tác, quảng bá đúng mục đích, yêu cầu của Giải thưởng. Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các hội văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản ở trung ương quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng, động viên hội viên sáng tác, quảng bá thông qua giao ban, sinh hoạt nghiệp vụ, thông tin trên tạp chí, trang tin của Hội; tổ chức nhiều trại sáng tác, triển lãm, hội thảo, giao lưu..., tạo điều kiện cho hội viên sáng tác, nghệ sỹ biểu diễn. Nhiều hội văn học, nghệ thuật, hội nhà báo của địa phương đã tổ chức cho hội viên đi thực tế đến những di tích lịch sử, gặp gỡ điển hình tiêu biểu, mô hình sáng tạo, hiệu quả, các phong trào về xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa… để tìm hiểu, sáng tác, viết tin, bài; tổ chức trại sáng tác. Lãnh đạo các cơ quan chủ quản báo, đài, xuất bản ở Trung ương, các tỉnh, thành phố thường xuyên chỉ đạo cơ quan báo chí, truyền thông viết, tuyên truyền về những gương điển hình, mô hình tốt, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các chuyên trang, chuyên mục về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên báo, đài ở trung ương, đài phát thanh - truyền hình tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì thành nền nếp trong nhiều năm qua. Ban Tuyên giáo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, giới thiệu tác phẩm, bài viết có chất lượng trên đài phát thanh - truyền hình, báo tỉnh, cổng thông tin điện tử… Một số tỉnh, nhất là tỉnh miền núi, địa bàn phức tạp, khó khăn đã chú trọng đầu tư cho các đội chiếu phim, đội tuyên truyền lưu động, thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, bưu điện văn hóa xã… tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, giới thiệu những tác phẩm, ấn phẩm về tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Sự quan tâm, chủ động trong công tác chỉ đạo của cấp ủy các cấp, những nỗ lực, cách làm sáng tạo của cơ quan, đơn vị, hội, đã góp phần quan trọng tuyên truyền rộng rãi trong và ngoài nước những điển hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác; góp phần khẳng định những kết quả quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; làm tăng lên về số lượng, phong phú về thể loại, quy mô và chất lượng tác phẩm của Giải thưởng đợt này.
Số lượng tác phẩm, công trình, ấn phẩm gửi về Ban Chỉ đạo Giải thưởng tăng gần gấp đôi so với đợt I. Các đơn vị, cá nhân tham gia tăng lên, ở thành phố, miền núi, vùng sâu, vùng xa, ở nước ngoài. Đối tượng tham gia đa dạng, có tác giả cao tuổi, tác giả là người dân tộc thiểu số (Chăm, Châu ro, Tày, Ê đê…); tác giả là cán bộ, đảng viên, sinh viên đang học tập, công tác ở nước ngoài, Việt kiều ở Anh, Australia, Xrilanca...; tác giả là người nước ngoài (Chi Lê, Canada…). Tác phẩm phản ánh về điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác tăng lên, nhất là lĩnh vực báo chí, nhiếp ảnh, kiến trúc (các bài báo với nội dung tổng kết thực tiễn 4 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, những bài học kinh nghiệm có tác dụng sâu sắc trong chỉ đạo thực hiện; những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội; ảnh về người chiến sĩ hôm nay, về những hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền đã vượt lên số phận để sống có ích cho xã hội; trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ môi trường; các công trình kiến trúc phục vụ người nghèo, người có công với nước, thiếu nhi…), có tác dụng động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Về chất lượng, tác phẩm, công trình tham gia Giải thưởng đã bám sát chủ đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần trực tiếp tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về những gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Một số tác phẩm có quy mô lớn, chất lượng tốt, như: vở diễn “Quyết đấu giữa sương mù” của tác giả Chu Lai, đạo diễn NSND Lê Hùng; tác phẩm “Hồ Chí Minh anh hùng dân tộc và tầm thời đại của Người" của GS. Hà Minh Đức; hợp xướng”ATK - Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Nguyễn Minh Quang; hợp xướng “Nhật lệnh gọi bình minh” của nhạc sĩ Ngô Duy Đông, thơ của Trần Khoái; kịch múa “Khoảnh khắc bất tử” của nhóm biên đạo NSND Phạm Anh Phương, NSƯT Nguyễn Hồng Phong, nghệ sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh, âm nhạc của các nhạc sĩ: Đỗ Hồng Quân, Đặng Hùng, Đỗ Bảo; tuyển tập thơ ca dân gian “Người vùng cao nhớ ơn Bác Hồ” của Chi hội văn nghệ dân gian Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang; tượng đài chất liệu đá “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tuyên Quang” của nhóm tác giả Lê Lạng Lương, Nguyễn Hồng Phong, Phạm Bá Đua; phim truyện “Thầu Chín ở Xiêm"; ảnh “Sức mạnh chính nghĩa trên biển Đông” của tác giả Nguyễn Đăng Khoa, phòng ảnh, Báo Nhân dân; bộ ảnh “Nét đẹp anh bộ đội Cụ Hồ hôm nay” của tác giả Hà Quốc Thái, Hội VHNT tỉnh Tiền Giang; loạt bài “Thực hiện Chỉ thị 03 và Nghị quyết Trung ương 4 ở Bình Thuận” của Báo Quân đội Nhân dân; loạt bài “Việc làm tự giác theo mệnh lệnh của trái tim” của Báo Hải Phòng; tiểu thuyết “Giải phóng” của tác giả Hoàng Quảng Uyên (dân tộc Tày); tranh lụa “Hoa lục bình” của tác gả Lí Phước Như, Trường Trung học văn hóa nghệ thuật tỉnh Cà Mau... Lĩnh vực quảng bá có Nhà xuất bản Công an nhân dân; Báo Hà Nội mới; Hệ âm nhạc - Thông tin - Giải trí (VOV3), Đài Tiếng nói Việt Nam; Chi bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Srilanca; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Kon Tum; Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Đắk Lắk; Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Lào Cai…
Ý nghĩa thực tiễn của các tác phẩm, công trình tham gia Giải thưởng đợt này là đã góp phần động viên, khuyến khích, cổ vũ kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trên nhiều lĩnh vực. Hoạt động quảng bá được mở rộng, tạo điều kiện cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác; học tập kinh nghiệm, cách làm hiệu quả từ những điển hình tiêu biểu; đời sống văn hóa được nâng lên. Sự tham gia đông đảo của đội ngũ văn nghệ sỹ, báo chí, những người có tâm huyết với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, của các đơn vị thông tin, truyền thông, văn hóa, nghệ thuật, báo chí, là thực tế khẳng định chủ trương đúng đắn, kịp thời của Ban Bí thư về tổ chức Giải thưởng sáng tác, quảng bá. Chủ trương đó đã tạo sinh khí mới đối với hoạt động sáng tác, quảng bá; động viên, khuyến khích và phát huy tính sáng tạo, trách nhiệm xã hội, tình cảm kính trọng của văn nghệ sỹ, nhà báo, của các tầng lớp nhân dân đối với Bác; làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân; khẳng định sự trường tồn của những giá trị mang ý nghĩa chính trị, văn hóa to lớn đó là tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua quy trình xét chọn từ cơ sở, Hội đồng Chung khảo đã thẩm định và đề nghị Ban Chỉ đạo Giải thưởng của Trung ương trao giải thưởng cho 217 tác phẩm, công trình, ấn phẩm và 21 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá. Lễ trao giải thưởng được tổ chức tại Hà Nội vào tối 13/5/2015, nhân kỉ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015).
Từ yêu cầu của Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đó là tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong Đảng và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi đây là công việc thường xuyên hằng ngày, là trách nhiệm cụ thể, thiết thân của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân…, văn nghệ sĩ, nhà báo, người có tâm huyết, khả năng sáng tạo trên khắp mọi miền đất nước, ở nước ngoài, hơn bao giờ hết càng nhận thấy trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội to lớn, niềm vinh dự được đóng góp tâm sức của mình vào hoạt động sáng tác, quảng bá; bám sát đời sống xã hội, lĩnh vực công tác, địa bàn nơi cư trú, sinh hoạt, tiếp tục sáng tạo, phản ánh về những gương người tốt, việc tốt, tìm hiểu, khai thác những giá trị mới trong sáng tác về hình tượng Bác Hồ kính yêu./.