(ĐCSVN) - Trong cộng đồng gần 1.900 lưu học sinh Việt Nam học tập tại Thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc), hỏi ai cũng biết Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của đoàn viên lưu học sinh Việt Nam nơi đây - Nguyễn Thùy Chi. Nguyễn Thùy Chi giản dị trong đời thường, thông minh, học giỏi, đặc biệt rất năng động với vai trò thủ lĩnh của phong trào “Sinh viên học tập và làm theo lời Bác”.
|
Nguyễn Thùy Chi trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị SEAGAMES sinh viên ASEAN lần thứ 3 tại Bắc Kinh |
Học Bác từ những việc làm thiết thực
Nguyễn Thùy Chi, sinh năm 1989, là con gái PGS.TS Nguyễn Lân Tráng, cháu nội cố GS.NGND Nguyễn Lân, được cộng đồng lưu học sinh nơi đây gọi với cái tên trìu mến và ngưỡng mộ là “Ái nữ” của dòng họ Nguyễn Lân. Được thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia đình, cô gái Thùy Chi vốn thông minh, chăm chỉ học hành. Sau khi tốt nghiệp PTTH, Nguyễn Thùy Chi đã thi và giành được học bổng toàn phần của Chính phủ Trung Quốc chương trình đào tạo cử nhân của Đại học Nhân dân Trung Quốc - một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp loại ưu, cô tiếp tục giành được học bổng toàn phần chương trình đào tạo thạc sỹ tại Đại học Bắc Kinh, trường đại học danh giá nhất của đất nước giàu truyền thống lịch sử này.
Vốn thông minh, nhanh nhẹn, Thùy Chi đã được bầu làm Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lưu học sinh Việt Nam tại thành phố Bắc Kinh. Với vai trò là thủ lĩnh tuổi trẻ của hàng nghìn lưu học sinh xa Tổ quốc ở nơi đây, Thùy Chi đã hiện thực hóa phong trào tuổi trẻ: “Học tập và hành động theo tấm gương đạo đức của Bác”, “Sinh viên Việt Nam làm theo lời Bác” bằng những việc làm thiết thực, những hoạt động sáng tạo trong xây dựng phong trào, những hành động cụ thể nhằm thu hút, tập hợp lực lượng đoàn viên, lưu học sinh hướng về quê hương Tổ quốc, tích cực nghiên cứu học tập để làm chủ tri thức khoa học.
Thùy Chi là một trong những người đi đầu khởi xướng tổ chức, thực hiện phong trào “Áo ấm Tây Bắc” và đã trở thành hoạt động thường xuyên hàng năm không chỉ của cộng đồng lưu học sinh mà còn vận động cộng đồng doanh nghiệp, Việt kiều tại thành phố tham gia. Sau ba năm thực hiện, phong trào đã quyên góp ủng hộ rất nhiều quần áo, đồ dùng học tập, tiền mặt nhằm giúp đỡ, chia sẻ hơi ấm đối với trẻ em miền núi khó khăn.
Cuối năm 2013, khi mọi người nô nức ngược xuôi về đoàn tụ cùng gia đình chuẩn bị đón Tết, thì Thùy Chi cùng một số cán bộ trong tổ chức Đoàn lại khoác ba lô, thuê xe chuyển toàn bộ áo ấm, đồ dùng học tập lên tặng cho bà con, học sinh nghèo huyện miền núi Pác Nặm (Bắc Cạn), để góp phần nhân lên niềm vui, hơi ấm cho đồng bào, nhất là học sinh miền núi khó khăn nơi đây khi Tết đã cận kề.
Chia sẻ về việc làm của mình, Thùy Chi cho biết: Thông qua các hoạt động đó, em muốn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm chia sẻ, xây dựng quê hương, nhất là đối với các bạn lưu học sinh. Cũng thông các phong trào này, chúng em muốn gửi gắm tấm lòng của những người con xa quê, chia sẻ những khó khăn với đồng bào, trẻ em nghèo miền núi...”.
Bên cạnh đó, Thùy Chi, với vai trò là thủ lĩnh đã tổ chức chỉ đạo và trực tiếp tham gia hàng chục “Lễ hội văn hóa Việt Nam” mỗi năm trong cộng đồng lưu học sinh các nước tại thành phố Bắc Kinh; tổ chức, chỉ đạo các chi đoàn ở các trường và trực tiếp tham gia tổ chức các hoạt động cộng đồng, tham gia các diễn đàn trao đổi học thuật trên lớp, hội thảo khoa học, trên cơ sở đó tăng cường công tác ngoại giao nhân dân; tranh thủ giới thiệu quảng bá hình ảnh đất nước, truyền thống văn hóa con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy với tất cả các dân tộc, các nước trên thế giới, tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với bè bạn, tăng cường giao lưu đoàn kết quốc tế.
Khi được hỏi “Động cơ nào lại tổ chức những hoạt động như vậy?”, Thùy Chi cho rằng, đơn giản nhất, để một doanh nghiệp đầu tư vào nước mình thì họ phải hiểu được chủ trương, pháp luật của nước muốn đầu tư; muốn người tiêu dùng nước ngoài sử dụng hàng hóa nước mình thì họ phải biết thứ gì là đặc sản, là chất lượng, là lợi thế của mình; muốn một người đến nước mình du lịch thì họ phải biết những nét khái quát về lịch sử, truyền thống văn hóa, về danh lam thắng cảnh; mỗi người Việt Nam ở nước ngoài, mỗi một lưu học sinh ở nước ngoài là một “Đại sứ nhân dân” góp gió thành bão, thì hình ảnh đất nước, con người Việt Nam sẽ được nhân rộng hơn và thẩm thấu sâu hơn trong lòng bè bạn quốc tế.
Khi tôi tìm gặp lấy tư liệu để thực hiện bài viết này, cũng là lúc Thùy Chi đang bận rộn chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị cho các hoạt động tại “SEAGAMES Bắc Kinh lần thứ 3” của cộng đồng sinh viên các nước ASEAN tại Thành phố Bắc Kinh, được tổ chức 2 năm một lần. Với vai trò là 1 trong 6 thành viên Ban Tổ chức, phụ trách mảng truyền thông và xây dựng nội dung hoạt động, Thùy Chi vui mừng cho biết, đã kêu gọi sự tài trợ của nhiều doanh nghiệp với số tiền lên đến hơn 100 nghìn Nhân dân tệ. Song điều quan trọng hơn, thông qua hoạt động để thu hút, tập hợp đoàn viên thanh niên không chỉ của Việt Nam mà sinh viên các nước trong khối ASEAN có sân chơi, tăng cường giao lưu học hỏi, đoàn kết quốc tế; qua đó, học mà chơi, chơi mà học, nâng cao hiệu quả nghiên cứu, học tập.
Cụ thể hóa phong trào “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên”, hàng năm, tổ chức Đoàn lưu học sinh Bắc Kinh đã rèn luyện và giới thiệu cho Đảng kết nạp từ 70 đến 100 đoàn viên ưu tú, là những hạt nhân để gây dựng, tổ chức hoạt động. Thực tế cho thấy, ở trường nào có tổ chức chi bộ, Đoàn, hội, thì phong trào của sinh viên lưu học sinh thật sự hiệu quả, thiết thực.
Về vấn đề này, qua trao đổi, Thùy Chi tâm sự: Với đặc thù là lưu học sinh, đòi hỏi cán bộ Đoàn, hội ở nước ngoài phải thật sự nhiệt tình, sáng tạo, quan tâm phát hiện, bồi dưỡng và xây dựng hạt nhân tích cực là rất quan trọng; từ đó mới thu hút, tập hợp được đoàn viên lưu học sinh, thông qua hoạt động mà lồng ghép, tuyên truyền, rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng, xây dựng lối sống lành mạnh cho đoàn viên.
"Học Bác, thấy lòng mình trong sáng hơn"
|
"Áo ấm Tây Bắc" đến với đồng bào huyện miền núi Pác Nặm - Bắc Cạn |
Trong buổi trò chuyện, tôi hỏi: "Thực hiện phong trào học tập và làm theo lời Bác, đã để lại trong em điều gì?", Thùy Chi tâm sự: "Học Bác, em thấy lòng mình trong sáng hơn. Có điều kiện hòa mình vào phong trào sinh viên, em đã trưởng thành hơn rất nhiều, thấy mình ngày càng hoàn thiện. Bên cạnh đó, qua phong trào, em và các bạn đều nâng cao nhiệt huyết thanh niên của bản thân. Các bạn trẻ bây giờ đều rất thông minh, năng động. Nếu biết tổ chức, tập hợp thì phong trào có ý nghĩa thực sự với bản thân mỗi người và với cộng đồng".
Tôi tìm về Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để tìm hiểu thêm. Khi được hỏi về Thùy Chi, Đại sứ - Bí thư Đảng ủy Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ cho biết: Thùy Chi là một cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình với nhiều hoạt động sáng tạo, là một trong những công dân tiêu biểu nhất trong cộng đồng lưu học sinh Việt Nam tại đây, luôn có thành tích xuất sắc trong học tập và hoạt động cộng đồng, được Đại sứ quán nhiều năm liền khen thưởng.
Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cũng cho biết, ông rất ấn tượng từ những việc làm nhỏ mà ý nghĩa của Thùy Chi như: Trực tiếp đề đạt, tổ chức lớp học và đứng lớp dạy Tiếng Việt cho các cháu nhỏ thế hệ thứ 3, thứ 4 các gia đình Việt kiều tại đây. Qua đó, các cháu không bị quên tiếng mẹ đẻ - sợi dây mạch nguồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; hay ngày hội đón sinh viên Việt Nam đến du học tại các trường, các lưu học sinh mới đến được đón tiếp, hướng dẫn cụ thể, qua đó mà hòa nhập tốt hơn, hay việc triển khai phong trào “Áo ấm Tây Bắc”...
Với kết quả học tập xuất sắc, Thùy Chi đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay từ năm học thứ 3 đại học, được Đại học Nhân dân Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tặng thưởng nhiều Giấy khen. Thùy Chi mong muốn tiếp tục học tiến sỹ, sau khi tốt nghiệp được trở về Việt Nam công tác, phát huy kiến thức đã học để góp phần xây quê hương, đất nước./.