(ĐCSVN) - Khởi động từ tháng 11 năm 2014, Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” được triển khai trên khắp cả nước là hoạt động bổ ích, tạo cơ hội để thiếu nhi sưu tầm những câu chuyện về Bác, hiểu và cảm nhận về tình yêu thương bao la, đạo đức, tấm gương cũng như công lao của Bác đối với dân tộc.
Em được nghe chuyện Bác Hồ…
Vượt qua hơn 50 tiết mục dự thi trên khắp cả nước ở vòng sơ khảo để có mặt tại vòng chung kết toàn quốc diễn ra tại Hà Nội vào tháng 6 vừa qua, Vũ Thị Phương Huyền, học sinh lớp 8C3 trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng, quận Ngô Quyền, Hải Phòng mang đến câu chuyện “Tình yêu của Bác với khúc hát dân ca”.
|
Một tiết mục tham dự Hội thi toàn quốc “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” Ảnh: Minh Châu |
Sở dĩ Huyền chọn câu chuyện này, bởi đây là câu chuyện gây ấn tượng mạnh với em: “Lúc sắp đi xa, nguyện vọng của vị cha già dân tộc sao lại giản dị đến thế! Người chỉ muốn được nghe những khúc hát dân ca!”, Huyền chia sẻ suy nghĩ.
Từ câu chuyện về Bác, cô bé đến từ thành phố Hoa phượng đỏ đã tự tìm hiểu về những làn điệu dân ca của dân tộc, tập hát theo rồi yêu thích lúc nào không hay. Càng ý nghĩa hơn khi Huyền đã hiểu từ câu chuyện trước khi về cõi vĩnh hằng, Người muốn những làn điệu dân ca sẽ còn được lưu truyền tới các thế hệ mai sau mà rộng hơn nữa là những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc sẽ tiếp tục được lớp cháu con giữ gìn.
Là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong số 8 thí sinh của vòng chung kết toàn quốc nhưng bé Nguyễn Ngọc Minh Thư, học sinh lớp 2 lại xuất sắc giành giải cao nhất. Với câu chuyện “Bác có phải vua đâu” cùng chất giọng ngọt ngào, truyền cảm, cô bé 8 tuổi đến từ vùng đất xa xôi - huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đã thuyết phục hoàn toàn ban giám khảo và người xem. Theo hình dung của cô bé, Bác Hồ dù ở vị trí tối cao nhưng khác với những vị vua đầy quyền lực, trong từng cử chỉ, sinh hoạt hằng ngày Bác lại rất mực gần gũi, luôn quan tâm, dành tình yêu thương đến mọi người.
Chia sẻ cảm xúc sau khi được nghe các câu chuyện kể về Bác Hồ, Lê Trọng Nghĩa, học sinh lớp 7A, trường Trung học cơ sở Hùng Vương, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua những câu chuyện về Bác mà những người bạn đồng trang lứa kể, Nghĩa càng thấy cảm phục và kính yêu Bác Hồ nhiều hơn. Nghĩa hiểu rằng với thiếu nhi, học tập và làm theo gương Bác cần bắt đầu từ những việc nhỏ, đơn giản hằng ngày, biết sẻ chia, yêu thương mọi người, tự giác học tập, tu dưỡng đạo đức thật tốt để trở thành con ngoan trò giỏi, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ.
“Đến với Hội thi hôm nay, con được nghe rất nhiều câu chuyện hay và cảm động về Bác Hồ trong đó, câu chuyện khiến con cảm động nhất là Bác Hồ đến với các cháu ở trại Kim Đồng. Câu chuyện thể hiện tình cảm bao la của Bác đối với thiếu nhi nhất là những thiếu nhi có hoàn cảnh thiệt thòi. Câu chuyện tuy không dài nhưng ý nghĩa thì thật lớn lao khiến con thấy bên cạnh tình cảm dành cho người thân, cần phải yêu thương đồng bào, yêu thương những người bạn của mình nhiều hơn và không quên quan tâm, giúp đỡ các em nhỏ”, Nghĩa thổ lộ.
Cơ hội để mỗi người tự hoàn thiện bản thân
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phú Trường, “nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn”, mỗi câu chuyện kể về Bác đều mang đến cho mỗi người một cảm xúc thật thiêng liêng, lắng đọng để từ đó, mỗi người tự nhìn lại mình, tìm cho mình một bài học sâu sắc, ý nghĩa để tự hoàn thiện bản thân.
Với thiếu niên, nhi đồng, khi được nghe những câu chuyện về Bác, các em không chỉ cảm nhận được tình cảm trìu mến của Người dành cho lớp măng non mà còn để thực hiện tốt hơn 5 điều Bác Hồ dạy, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước. Từ ý nghĩa sâu sắc đó, Hội đồng Đội Trung ương quyết định tổ chức trong toàn quốc Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”.
Khởi động từ tháng 11 năm 2014, Hội thi được hầu khắp các tỉnh, thành phố hưởng ứng, là hoạt động bổ ích, mang tính giáo dục cao, tạo cơ hội để thiếu nhi sưu tầm những câu chuyện về Bác, làm phong phú hơn các tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Người.
Trong quá trình tổ chức, nhiều địa phương, đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện, đặc điểm ở cơ sở, thu hút sự tham gia của đông đảo thiếu niên, nhi đồng cũng như làm cho Hội thi có sức lan tỏa rộng rãi với nhiều câu chuyện về Bác được kể lại khiến không chỉ các em mà còn các bậc phụ huynh, nhân dân thực sự cảm động.
Đưa con gái đến Hội thi cấp toàn quốc để cổ vũ cho các bạn thí sinh, chị Thu Hải (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, những câu chuyện về Bác dễ hiểu, dễ thuộc mà các con kể có ý nghĩa rất sâu sắc khiến những người làm cha, làm mẹ cũng phải suy nghĩ làm gương cho các con và cùng sống xứng đáng với Bác./.