Học được nhiều bài học qúy giá từ tấm gương đạo đức của Người

Thứ sáu, 24/08/2012 14:18

Lần theo từng ngõ nhỏ, tìm đến ngôi nhà ở tổ 10, phường Thái Bình, thành phố Hoà Bình (Hoà Bình) vào lúc xế chiều khi trời lớt phớt mưa. Chủ nhân của ngôi nhà là một cụ ông với dáng người hơi đậm, nước da ngăm đen, nhanh nhẹn cùng giọng nói trầm ấm, nằng nặng của người miền Trung.
 
Ông là Nguyễn Văn Sính (80 tuổi), Bí thư chi bộ tổ 10 - người đã âm thầm sưu tầm gần 300 bức ảnh và sáng tác hàng trăm bài thơ, ca ngợi về Đảng, Bác Hồ.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở vùng quê nghèo xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, năm 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Sính được địa phương giới thiệu đi học lớp cấp tốc về đào tạo cầu đường. Sau 3 tháng học xong anh được biệt phái sang quân đội về Cục quân khí (Bộ Quốc phòng), với nhiệm vụ là cán bộ kỹ thuật hướng dẫn làm đường chiến lược, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1951). Tháng 7/1954, sau khi giải phóng Điện Biên Phủ, anh chuyển sang đội khảo sát làm đường làng Cha- bản Đơi tại tỉnh Thanh Hóa mở đường chiến lược sang nước bạn Lào. Qua 5 năm phục vụ ngành cầu đường, Nguyễn Văn Sính được bình xét là cán bộ tích cực, gương mẫu rồi tiếp tục được đơn vị cử đi học tại trường Cao đẳng Giao thông Công chính (Cầu Giấy- Hà Nội). Đến tháng 12/1957 tốt nghiệp ra trường, anh được Bộ Giao thông điều về Ty Giao thông Công chính Hòa Bình. Mặc dù quê mãi tận miền Trung, xa vợ con, làm việc tại một tỉnh miền núi, nhưng ông vẫn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 1962, ông được đề bạt làm Đoạn phó, rồi Đoạn trưởng Đoạn bảo dưỡng đường bộ Hòa Bình. Năm 1974-1976, ông làm thư ký, chánh thư ký công đoàn của ngành giao thông Hòa Bình, Hà Sơn Bình...Năm 1984, ông được hưởng chế độ nghỉ hưu, nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác tại địa phương và được bầu làm Bí thư chi bộ tổ 10, phường Thái Bình cho đến nay.

Căn phòng nhỏ gác 2, rộng chừng 20m2 mà ông gọi là phòng truyền thống của gia đình, được bày biện ngăn nắp với nhiều Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những Bằng khen, Giấy khen mà ông đạt được trong quá trình công tác cũng như đã nghỉ hưu. Nổi bật hơn cả là bàn thờ ảnh Bác được treo trang trọng. Ông Sính tâm sự: Ngay từ nhỏ, tôi đã được nghe kể về Bác Hồ - Người con vĩ đại của quê hương xứ Nghệ và tôi thầm mong một ngày được trông thấy Bác.

Điều đó đã thành hiện thực, khi ông Sính trở thành học sinh của trường Cao đẳng Giao thông Công Chính (Hà Nội) vinh dự được đi dự mít tinh, diễu hành quanh Quảng trường Ba Đình nhân dịp Quốc khánh 2/9 và 3 lần đón đoàn đại biểu Liên Xô, Trung Quốc, Châu Phi. Tuy không được trò chuyện, mà chỉ nhìn thấy Bác, nhưng ông nhớ rất rõ hình ảnh Bác Hồ đứng trên lễ đài với bộ quần áo ka-ki hơi bạc màu, giản dị, vẫy tay chào toàn thể nhân dân. Nhớ từng câu nói, lời dạy của Bác tuy ngắn gọn, nhưng đã giúp ông hiểu ra nhiều điều về Đảng, cách mạng. Và cũng chính 4 lần gặp Bác đã thôi thúc ông phải làm một việc gì đó thiết thực để tỏ lòng biết ơn và nhớ đến Bác, đồng thời tạo động cơ để con cháu phấn đấu. Vì vậy, từ năm 2007 đến nay, ông đã sưu tầm trên sách, báo, tranh, ảnh được gần 300 bức ảnh về Bác. T ất cả những bức ảnh được ông dán vào 2 tập Album mang tên Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng thời, ông còn sáng tác hàng trăm bài thơ ca ngợi về Đảng, về cuộc sống đời thường và cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, tiêu biểu như: “Bác bình dị và vĩ đại”, “Đôi dép Bác Hồ”, “Một lòng theo Bác”, “Học tập Người cuộc sống thanh tao”, “Mùa xuân ơn Đảng, Bác Hồ”…

Cẩn thận lật giở cuốn Album, ông Sính tâm sự: “Ngoài tình yêu, lòng kính trọng Bác Hồ, sở dĩ tôi làm việc này là để trả ơn Bác đã tạo điều kiện cho những trí thức như tôi được học hành nên người và để khi nhắm mắt xuôi tay, tôi có thể để lại những tư liệu này cho con cháu học tập. Bên cạnh đó, việc sưu tầm những hình ảnh về Bác còn giúp tôi học được rất nhiều bài học qúy giá từ tấm gương đạo đức của Người”.

Mặc dù đã 80 tuổi tròn, với 50 năm tuổi Đảng, nhưng ông vẫn chăm chỉ rèn luyện sức khỏe, viết, sáng tác thơ để luyện trí nhớ, nêu gương sáng về đạo đức, lối sống cho con, cháu học tập. Trong gia đình, ông thường giáo dục các con, cháu học tập và làm theo Bác bằng những việc làm giản dị như: chăm chỉ làm ăn phát triển kinh tế, tiết kiệm chi tiêu, chấp hành tốt mọi chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đối với công việc xã hội, là một Bí thư chi bộ có nhiều năm kinh nghiệm, từ khi thực hiện cuộc vận động, sau này là Chỉ thị 03 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông đều tích cực tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng cách lồng ghép đọc thơ, ca, giới thiệu hình ảnh về Bác trong những cuộc họp tổ để người dân dễ hiểu, dễ học tập. Đặc biệt là cứ mỗi dịp kỷ niệm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ông lại mang cuốn phim tài liệu “Hồ Chí Minh - chân dung một con người” ra để chiếu cho con, cháu và bà con hàng xóm xem. Tổ 10, phường Thái Bình - nơi ông làm Bí thư chi bộ luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, đời sống nhân dân ngày càng ổn định, trong tổ không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/năm; 80% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa…

Học tập theo gương Bác và cùng với những việc làm thiết thực, ý nghĩa đó, ông Sính đã được Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thành phố Hòa Bình tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động từ năm 2007- 2010. Vừa qua, ông vinh dự là một trong 7 cá nhân được thành phố Hòa Bình khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị số 03- CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực