Xây dựng tiêu chí chung về phong cách cán bộ Đoàn, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn là một trong những nội dung quan trọng bấy lâu nay Thành đoàn Hà Nội dành nhiều quan tâm nghiên cứu. Rất nhiều ý kiến đóng góp nhằm tạo dựng “hình ảnh” cán bộ Đoàn Thủ đô trong thời kỳ mới. Phần lớn những ý kiến này đều được xây dựng và phát triển dựa trên cơ sở học tập và làm theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Học phong cách Hồ Chí Minh
Theo nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phong cách của một vĩ nhân. Từ chính khách đến nhà du hành, từ nông dân tới nhà trí thức, từ già đến trẻ, từ Đông sang Tây, từ miền ngược đến miền xuôi… đều thấy có mình ở trong đó. Ở Bác, từ tư duy, đến diễn đạt, đến công việc, đến ứng xử trong sinh hoạt hàng ngày đều thể hiện phong cách riêng. Trong tư duy Bác kết hợp giữa độc lập với sáng tạo, tự chủ, logic, bài bản. Trong diễn đạt, Bác kết hợp giữa phong cách diễn đạt nói và viết, kết hợp giữa dân gian và bác học, phương Đông và phương Tây. Trong mọi việc làm của Bác đều gần gũi với quần chúng, lắng nghe quần chúng và đặc biệt chú ý đến xây dựng đoàn kết. Còn trong phong cách ứng xử của Bác rất thân thiện, gần gũi, ân cần, niềm nở, hòa đồng, chứa đựng rất nhiều giá trị nhân văn. Bác yêu thương con người, quý mến thân phận con người. Đối với những việc làm đúng, làm tốt, Bác rất khuyến khích. Đối với những việc làm chưa đúng, Bác phê bình cụ thể, rõ ràng, nghiêm khắc nhưng rất độ lượng…
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Về cán bộ, vấn đề phong cách được Bác rất coi trọng. Theo Bác, phong cách công tác của cán bộ có nhiều nội dung, song tập trung chủ yếu ở phong cách dân chủ, phong cách khoa học và sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm…
Học tập Bác, học theo phong cách của Bác, sẽ thấy được những nét tinh túy cần được tạo dựng trong hình ảnh của người cán bộ Đoàn trong thời kỳ mới.
Tạo dựng “hình ảnh” cán bộ Đoàn thời kỳ mới
Nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cho rằng không nên quy định cụ thể, mà chỉ nên định hình tiêu chí chung về phong cách cán bộ Đoàn để mọi người phấn đấu. Các tiêu chí này cần ngắn gọn, dễ nhớ, mang tính phổ quát nhưng vẫn phải có “sân rộng” để mọi người phát triển phong cách riêng của mình trong phong cách chung. Theo ông Hiểu, phong cách cán bộ Đoàn cần được tập trung ngắn gọn vào 5 tiêu chí: Tầm nhìn rộng mở, tư duy sáng tạo, diễn đạt thuyết phục, quan hệ thân thiện, hành động quyết liệt. Đây là những nội dung cô đọng, được dựa trên cơ sở học tập phong cách chuẩn mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dựa trên 5 tiêu chí này, từng cá nhân cán bộ đoàn có thể bám sát thực hiện tùy theo năng lực và sự sáng tạo, linh động của từng người.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, Phó Trưởng Ban Thanh niên trường học (Thành đoàn Hà Nội) Ngô Văn Thiện lại nhấn mạnh tới phong cách cán bộ Đoàn cần phải “Gương mẫu trong công việc và dám nghĩ, dám làm”. Ông Thiện dẫn lời Hồ Chủ tịch đã từng dạy cán bộ, đảng viên cần phải thực hiện: “miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”. Lời dạy của Bác rất có ý nghĩa đối với cán bộ Đoàn thời kỳ mới. Người cán bộ Đoàn cần nêu gương và tiên phong gương mẫu đối với từng hoạt động, từ việc nhỏ nhất. Muốn người khác gương mẫu thì mình là người phải gương mẫu đầu tiên. Cán bộ Đoàn cần thiết phải có phẩm chất này, cần năng động, dám ước mơ và định hình nội dung, khả năng thực hiện nó.
Đồng tình với ý kiến trên, Phó Trưởng ban Thanh niên nông thôn, Thành đoàn Hà Nội Tạ Hồng Sơn cho rằng người cán bộ Đoàn phải gương mẫu không chỉ trong công việc, thực hiện nhiệm vụ mà còn phải gương mẫu trong cách sống, cách ứng xử, để là tấm gương cho đoàn viên, thanh thiếu nhi học tập theo. Ông Sơn bày tỏ: phong cách người cán bộ Đoàn cần phải “dám nghĩ, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm”. Cụ thể, lời nói cần đi đôi với hành động, tuyệt đối không được nói mà không làm theo, kiểu như “đánh trống bỏ dùi” hoặc nói một đằng làm một nẻo, nói thì hay làm thì dở, nói nhiều làm ít. Đồng thời, phải có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, thực hiện quyết liệt, đảm bảo tiến độ các công việc được phân công. Bên cạnh đó, cần thẳng thắn, dám chịu trách nhiệm với những kết quả công việc được giao.
Bàn về phong cách chung của người cán bộ, theo chị Trần Kim Huyền (Quận đoàn Hoàn Kiếm), Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tới phong cách làm việc quần chúng. Đây là phong cách hết sức cần thiết, nhờ đó mà sâu sát, liên hệ mật thiết với quần chúng, thanh niên, không mắc bệnh chủ quan, không quan liêu, đại khái, ham chuộng hình thức. Bác nhiều lần nhắc nhở: Sâu sát quần chúng là biểu hiện quan trọng nhất của phương pháp làm việc XHCN, nó đối lập với lề lối làm việc quan liêu, hống hách cửa quyền của bọn quan lại cai trị dưới chế độ cũ. Người thường nói: “Cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc. Muốn làm được việc, thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu”. Trên cơ sở đó, chị Huyền cho rằng phẩm chất không thể thiếu của người thủ lĩnh đoàn là “gần gũi, gắn bó mật thiết với thanh niên”. Người cán bộ Đoàn phải thường xuyên gặp gỡ, nắm chắc tình hình, tâm lý thanh thiếu nhi, tăng cường đi cơ sở, quan tâm đến các kênh thông tin trao đổi, phản biện về hoạt động của tổ chức đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thì mới biết được thanh thiếu nhi cần gì ở tổ chức đoàn, cần hỗ trợ, chia sẻ về những vấn đề gì, nội dung gì. Từ đó, xây dựng chương trình hoạt động đoàn cho phù hợp, hiệu quả, tổ chức các hoạt động thiết thực, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của thanh thiếu nhi…
Chị Huyền khẳng định, quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng để xây dựng phong cách người cán bộ Đoàn "vừa hồng vừa chuyên”, góp phần củng cố niềm tin của mọi tầng lớp đoàn viên, thanh niên vững bước dưới cờ Đoàn./.