(ĐCSVN) - Tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa qua, cả Hội trường Bộ Quốc phòng liên tục rộ lên tiếng vỗ tay khi nghe Sần Thó Suy, Phó trưởng công an xã, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ Tuyên vận thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường (Bát Xát, Lào Cai) kể về những chuyện mà anh đã làm theo lời Bác.
|
"Thầy" Suy tại lớp học - Ảnh: Hoàng Loan |
Người "thầy" tự nguyện
Xét về tuổi đời thì Suy còn rất trẻ - sinh năm 1987, nhưng những việc Suy làm để thay đổi suy nghĩ và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu đã tồn tại qua nhiều thế hệ thì đáng để mọi người khâm phục.
Theo quan niệm trước đây, phụ nữ người Hà Nhì không cần phải học, mà lớn lên đi lấy chồng, nuôi con và chăm lo cho công việc nhà chồng. Cứ như vậy, người phụ nữ quanh năm chỉ loanh quanh từ nhà tới nương rẫy, cam chịu một cuộc sống lam lũ, vất vả. Với khát vọng xoá bỏ những hủ tục lạc hậu và đem cái chữ đến cho chị em, giúp chị em biết giao tiếp bằng tiếng phổ thông, nhận được mặt chữ và biết làm những phép tính đơn giản khi trao đổi mua bán, Sần Thó Suy đã mở lớp học xoá tái mù cho chị em phụ nữ trong thôn.
Để làm được điều đó, Sần Thó Suy đã đến từng hộ gia đình, tuyên truyền giải thích và vận động các gia đình cho con em đi học. Lúc đầu anh cũng gặp nhiều khó khăn vì có gia đình quan niệm “con gái chỉ học thế là được rồi”, nhưng với tính kiên trì và bằng kiến thức thực tế, Suy đã thuyết phục được từng gia đình hiểu được ý nghĩa và vai trò quan trọng của cái chữ đối với chị em, hộ gia đình nào cũng phấn khởi và cho con em đi học. Kết quả thật bất ngờ khi có tới 24 học viên là người dân tộc Hà Nhì của thôn Lao Chải theo học, trong đó có tới 21 học viên nữ. Các học viên này ở độ tuổi từ 13 đến 23, là những chị em bỏ học dở dang, tái mù và có cả chị em chưa một ngày đến trường do hoàn cảnh đặc biệt.
Vận động được học sinh rồi thì anh lại tiếp tục gặp khó khăn khi mở lớp. Nói là lớp học cho oai chứ “thầy giáo” thì lo lắng lắm vì địa điểm mở lớp học còn chưa có, các điều kiện cần thiết của lớp học cũng thiếu rất nhiều, ở thôn lại chưa có điện trong khi các chị em bận làm việc ban ngày và chỉ có thể tham gia lớp học ban đêm. Nếu phải tốn tiền đóng góp mua dầu đèn thì e rằng các chị em khó lòng có điều kiện tham gia được. Giải bài toán này, Suy đã đề xuất với chính quyền xã cho mượn địa điểm để tổ chức lớp học trong 3 tháng hè. Thế rồi, anh lại đến từng hộ gia đình có điều kiện kinh tế khá trong thôn, bản vận động quyên góp, ủng hộ tiền mua sách vở, phấn, bút tặng học sinh. Khi tất cả mọi công việc tạm ổn, lớp học được bắt đầu từ những bài học đơn sơ, dễ hiểu.
Dù chưa trải qua một trường lớp đào tạo sư phạm ngày nào, nhưng với lòng nhiệt tình và những kiến thức tích lũy được, Sần Thó Suy đã biết chắt lọc phương pháp sư phạm của các thầy cô đã dạy mình để truyền đạt cho học viên. Phương pháp dạy của Sần Thó Suy là dạy những cái mà học viên cần, không tham vọng quá lớn, vì đây đều là những học viên nữ lớn tuổi nên việc học và hiểu bài là rất khó. Vì thế, Suy đã tập trung cho học viên làm quen với bảng chữ cái, ghép vần, ghép và đọc chữ; các số đếm, học thuộc bảng cửu chương và biết làm các phép tính cộng trừ trong phạm vị 100. Lúc đầu, anh chỉ mong muốn và hy vọng truyền đạt được cho chị em các phép tính cộng, trừ, nhân chia và học tiếng phổ thông thành thạo để giao tiếp. Nhưng rồi càng dạy, anh càng tích lũy và rút ra cho mình được nhiều kinh nghiệm thực tế hơn. Đối với những chị em chưa nói thạo tiếng phổ thông, Suy đã dạy theo phương pháp “song ngữ”, vừa nói tiếng Hà Nhì, vừa nói tiếng phổ thông và tăng cường luyện và nói nhiều tiếng phổ thông cho các chị tiếp xúc làm quen. Dần dần, nhiều chị không chỉ nói thạo tiếng phổ thông mà còn biết tính toán các phép tính số học đơn giản và thích tham gia, đi học đầy đủ. Lớp học đã đi vào nề nếp, các học viên rất ham học và mạnh dạn xung phong lên bảng làm bài, không khí lớp học thực sự sôi động.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Sần Thó Suy - Ảnh: HH |
Tại lớp học của Suy lúc nào cũng sôi động và đầy ắp tiếng cười, tiếng hát. Chị em không chỉ được "thầy" Suy dạy học chữ, mà đến đây còn được giảng giải về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, việc bài trừ các hủ tục lạc hậu, gắn với tuyên truyện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua những mẩu chuyện nói về Bác Hồ, được học các bài hát truyền thống và tham gia các chương trình văn nghệ.
Từ thành công trong việc dạy chữ cho bà con Hà Nhì thôn Lao Chải, Suy tiếp tục có kế hoạch táo bạo hơn là phối hợp với đồn biên phòng mở thêm một lớp học tại thôn Sín Chải. Đây là thôn có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Thách thức đối với chàng trai dân tộc Hà Nhì là anh lại phải học tiếng Mông, nhưng điều đó cũng không làm anh nản lòng, Suy cho rằng, đó là cơ hội để anh học và tích lũy thêm những kiến thức mới. Anh cho biết: “Để lớp học thành công, tôi đã dành nhiều thời gian để học tiếng Mông. Hiện đã có 27 học sinh đăng ký rồi”. Dự kiến, lớp học này sẽ khai giảng vào tháng 6 năm nay.
Chàng thanh niên nhiệt huyết
Cùng với việc dạy chữ cho bà con, Sần Thó Suy còn tích cực vận động đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ việc vận động của anh, đến nay, 100% hộ gia đình trong thôn đã trồng mới 14ha cây xuyên khung, nhân rộng diện tích trồng cây thảo quả cho năng suất và thu nhập cao. Đây là hai loại cây dược liệu quý phù hợp với đất đai thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác của bà con địa phương; qua đó, không chỉ giúp bà con nâng cao thu nhập mà còn biết cách chăm sóc và bảo vệ rừng.
Nhờ những chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay nhiều hộ trong thôn đã thoát khỏi nghèo đói và từng bước vươn lên khá giả, đã có 40/53 hộ có tivi, 46 hộ đã có xe máy, những nhà mái tôn, mái ximăng đã mọc lên ngày càng nhiều.
|
Suy khiêm tốn khi nói về thành tích của mình - Ảnh: HH |
Với trách nhiệm là người công an, Suy luôn tâm niệm lời răn dạy của Bác Hồ là cán bộ đảng viên phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” để quyết tâm hơn trong việc vận động bà con dân tộc Mông không vướng vào tệ nạn ma túy. Bằng vốn tiếng Mông tự học, Suy cùng các đồng chí công an trong xã đến từng gia đình có người nghiện để tuyên truyền vận động, thuyết phục họ đi cai. Bằng những lý lẽ của mình, anh đã vận động được 13 người nghiện tự nguyện đến Trung tâm cai nghiện xã Mường Hun. Thôn Lao Chải do Suy phụ trách có 53 hộ, ở thời điểm năm 2003 có tới 20 người nghiện. Nhờ uy tín và cách tuyên truyền vận động của Suy, đến nay Lao Chải không còn người nào nghiện, an ninh rất ổn định. Suy đã vinh dự được bầu vào Ban Chấp hành Đảng uỷ xã Trịnh Tường nhiệm kỳ 2010 – 2015.
Năm nay bước sang tuổi 26, nhưng Suy đã có 6 năm tuổi Đảng và 8 năm làm công an. Những việc làm thiết thực của anh cho thôn bản và cho xã được bà con nhân dân và chính quyền ghi nhận. Anh trở thành tấm gương sáng điển hình được tuyên dương tại tại nhiều cấp và tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị vừa qua, một lần nữa anh lại được Trung ương tặng thưởng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chia sẻ về cảm xúc này, Suy khiêm tốn: “Tôi chỉ nghĩ và làm những việc gì mình có thể làm được, bây giờ tôi còn trẻ, học và làm theo gương Bác tuy việc lớn chưa làm được nhưng việc nhỏ mấy cũng nên cố gắng làm”./.