Huyện Mèo Vạc (Hà Giang): Học tập và làm theo Bác bằng những việc làm vì dân

Thứ năm, 13/09/2012 16:25

Ông Sùng Minh Sinh, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc chia sẻ: Trước tiên, phải lo sao cho người dân có cuộc sống ấm no; không còn phải lo cái đói, cái nghèo, người dân sẽ yên tâm làm dược nhiều việc khác cho thôn, bản và cho xã hội.

Vì thế, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở địa bàn một huyện vùng cao, phần đông là người dân tộc thiểu số đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải được thể hiện bằng những chủ trương, việc làm cụ thể mang lại lợi ích cho nhân dân, cho người nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia “xóa đói giảm nghèo”.

Là một trong 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh Hà Giang, Mèo Vạc là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Huyện có 13.917 hộ thì có trên 50% là hộ nghèo. Người dân ở Mèo Vạc nghèo do nhiều nguyên nhân; trong đó, cái chính là thiếu đất trồng trọt, trình độ canh tác lạc hậu, thời tiết khắc nghiệt. Để người dân thoát nghèo, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải lo khắc phục những nguyên nhân nói trên. Đất thì không đẻ thêm được nên phải tính làm sao để tăng thêm vụ, tăng thêm giá trị sản xuất trên mỗi diện tích đất trồng trọt bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Phải tập cho người dân làm quen và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Thực hiện thâm canh tăng vụ với các giống ngô, lúa mới ngắn ngày, năng suất cao; trồng xen canh các loại cây như đậu tương, lạc, rau phù hợp với khí hậu địa phương…; trồng cỏ phát triển chăn nuôi bò, dê hàng hóa. Phải có mục tiêu và kế hoạch thực hiện giảm nghèo hàng năm.

Từ đầu năm đến nay, huyện Mèo Vạc đã tổ chức 3 lớp học, tập huấn về tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng chương trình hành động đối với mỗi cán bộ, đảng viên theo lĩnh vực công tác đảm nhận cũng như trách nhiệm với nhân dân địa phương trên địa bàn công tác.100% cán bộ, đảng viên đăng ký kế hoạch hành động năm 2012 với những việc làm cụ thể: xây dựng gia đình văn hóa, gia đình kiểu mẫu; tham gia trồng và bảo vệ rừng; công tác vận động trẻ em đến trường học; học tập và nêu gương gia đình hiếu học. Đặc biệt, một số chương trình thúc đẩy sản xuất, huy động sức dân tham gia được tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân tại nhiều xã trong huyện được nhân dân ủng hộ và phát huy hiệu quả tích cực.

Đảng bộ xã Cán Chu Phìn với mô hình Quỹ "Vì người nghèo” đã thu hút được trên 40 triệu đồng từ cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp. Quỹ đã kịp thời hỗ trợ một số hộ nghèo vốn mua lợn, bò, dê chăn nuôi tăng thêm thu nhập. Quỹ “Xây dựng kết cấu hạ tầng” kêu gọi các cán bộ, công nhân viên chức trên địa bàn giúp nhân dân địa phương xây dựng một số công trình an sinh, làm đường giao thông. Đảng bộ xã Thượng Phùng với mô hình “Bảo vệ phát triển rừng”… Mô hình “Chung tay vì người nghèo” với tinh thần mỗi đảng viên đóng góp 50.000 đồng/tháng để hỗ trợ các Trường bán trú dân nuôi của Chi bộ Chi cục thuế; mô hình nhận 2 con nuôi, hũ gạo tình thương, mái ấm tình thương của Hội Phụ nữ huyện phát động.... đã có ý nghĩa thiết thực trong việc động viên trẻ em vùng cao đến trường và không bỏ trường học giữa chừng.

Cuộc chiến chống đói nghèo và lạc hậu ở Mèo Vạc chắc chắn còn cam go, song với sự hỗ trợ của nhà nước, của các cấp chính quyền… bà con các dân tộc huyện đang từng bước đẩy lùi lạc hậu, thoát nghèo vươn lên. Việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang có ý nghĩa đích thực với cán bộ đảng viên và nhân dân nơi vùng cao biên giới còn vô vàn khó khăn trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực