Khát khao cống hiến, xây dựng quê hương

Thứ năm, 02/05/2013 15:36

Phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tuổi trẻ tỉnh Tiền Giang hưởng ứng sôi nổi với nhiều việc làm thiết thực. Anh Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Tiền Giang kiêm phụ trách Trại giống thủy sản Cồn Cống (Tân Phú Đông) là một trong những tấm gương tiêu biểu, đã và đang góp phần phát huy tiềm năng nuôi trồng thủy sản, một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Sinh năm 1975, ở xã Thạnh Phú, Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang năm 1998, anh Nguyễn Văn Hòa từng làm công nhân trại nuôi thủy sản tận Cà Mau những năm 1998 – 2000 rồi làm cán bộ kỹ thuật trại tôm giống Cồn Cống những ngày đầu thành lập – tiền thân Trại giống thủy sản Cồn Cống hiện nay trước khi được bổ nhiệm vào cương vị lãnh đạo Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Tiền Giang... Đây chính là những công việc mang tính thực tế bổ ích, giúp anh củng cố kiến thức, phát triển tài năng, đáp ứng đòi hỏi nhiệm vụ một cán bộ khoa học trong tình hình mới.

Nhớ lại những ngày làm công nhân rồi cán bộ kỹ thuật, gây dựng nghề sản xuất tôm giống tại Trại giống thủy sản Cồn Cống các năm 2000 - 2001, anh Nguyễn Văn Hòa cho biết: Thời đó, theo khảo sát và nghiên cứu, xác định của những chuyên gia đầu ngành về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt về nuôi tôm sú thì vùng ven biển Gò Công trong đó có Cồn Cống không thể cho tôm đẻ, ương dưỡng tôm giống. Nguyên nhân của thực trạng này là do Cồn Cống nằm giữa các vàm sông lớn: Cửa Tiểu, Cửa Đại nên nước biển “nhạt”, không đủ độ mặn cần thiết 25 phần ngàn – điều kiện thích hợp cho tôm bố mẹ sinh sản. Hơn nữa, vùng ven biển này đặc thù 6 tháng nước ngọt, 6 tháng nước mặn nên cố lắm cũng chỉ nuôi được 1 vụ tôm/ năm. Với những kiến thức chuyên ngành thủy sản và kinh nghiệm thực tiễn những năm lăn lộn cùng nghề sản xuất tôm giống tại Cà Mau, tâm huyết vượt khó, góp phần xây dựng quê hương, anh Nguyễn Văn Hòa đề xuất một giải pháp mới: xây bể bằng composite cho tôm đẻ đồng thời đem ghe tàu chở nước mặn chất lượng tốt, thích hợp cho tôm bố mẹ sinh sản từ ngoài khơi xa về trại phục vụ sản xuất. Vào những năm đầu thế kỷ XXI tại Tiền Giang, đây có thể được xem là giải pháp táo bạo. Nhận rõ trong đó một tư duy mới, mang tính khoa học của tuổi trẻ sáng tạo nên lãnh đạo Công ty thủy sản Tiền Giang (đơn vị chủ quản của Trại giống thủy sản) ủng hộ.

Năm 2003, từ bể composite đầu tiên tại Trại Cồn Cống, 300.000 con tôm giống đã được sinh sản, mở ra bước ngoặt cho nghề sản xuất tôm sú giống tại Gò Công (Tiền Giang), giúp địa phương giảm bớt lệ thuộc vào nguồn tôm giống sản xuất từ các tỉnh duyên hải miền Trung mà nhiều khi không kiểm soát được một cách chặt chẽ về chất lượng. Còn hiện nay, sau hơn 10 năm miệt mài phát huy thắng lợi đầu tiên, cán bộ kỹ thuật Trại giống thủy sản Cồn Cống đã làm chủ qui trình sản xuất tôm giống. Qui mô sản xuất ngày một mở rộng và hiện nâng lên 30 bể composite tôm giống, mỗi năm đạt sản lượng khoảng 6 triệu con tôm.

Trong quá trình sản xuất tôm giống, anh Hòa cũng có những cải tiến phù hợp với thực tế, nâng được chất lượng nguồn tôm giống do trại cung cấp như: xử lý nước, nuôi vỗ tôm bố mẹ, đưa men vi sinh vào quá trình chăm sóc và ương dưỡng tôm giống, ứng dụng sản xuất tôm giống theo qui trình sinh học. Trong quí 1/2013, Trại giống thủy sản Cồn Cống do Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang Nguyễn Văn Hòa trực tiếp phụ trách cũng vừa sản xuất một mẻ tôm giống 450.000 con. Trong nhiều năm qua, chất lượng tôm giống do Trại giống thủy sản Cồn Cống được người nuôi xác nhận và tín nhiệm. Trại đang hướng tới những mục tiêu: ứng dụng rộng rãi qui trình khoa học, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, giảm giá thành nâng chất lượng con giống phục vụ nhu cầu thị trường.

Không chỉ "mở đường" cho nghề sản xuất tôm giống tại duyên hải Gò Công, anh Nguyễn Văn Hòa còn cùng nhóm cộng sự thực hiện nhiều đề tài như: “Thử nghiệm sản xuất tôm sú giống không sử dụng thuốc kháng sinh”, “Sản xuất giống sò huyết tại Tiền Giang”, “Ương cá chẽm từ giai đoạn phôi lên cá giống”... Đây là những đề tài nghiên cứu mang tính thực tiễn, đáp ứng nhu cầu về giống thủy sản cho nghề nuôi thủy sản xuất khẩu ven biển Gò Công nói riêng và duyên hải Nam Bộ nói chung. Anh Hòa cho biết, Tiền Giang có 32 km bờ biển, 3 cửa sông lớn: Soài Rạp trên sông Vàm Cỏ, Cửa Tiểu và Cửa Đại trên sông Tiền, giàu tiềm năng nuôi thủy sản xuất khẩu với những đối tượng nuôi cho giá trị kinh tế cao như: tôm sú, tôm thẻ, cá chẽm, nghêu, sò huyết...Do vậy, các nghiên cứu khoa học của anh hướng đến những mục tiêu: thiết thực, cập nhật được kỹ thuật nuôi tiên tiến, dễ thực hiện, giúp người dân vùng nuôi ứng dụng vào sản xuất. Từ đó, không chỉ tạo tiền đề phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản mặn, lợ mà còn nâng chất lượng nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu nói chung.

Sinh năm 1975, Nguyễn Văn Hòa đại diện cho lớp thanh niên khát khao cống hiến, khát khao học tập và làm chủ khoa học công nghệ, làm giàu cho quê hương. Anh đã vinh dự được kết nạp vào Đảng năm 2004. Với khả năng, kiến thức khoa học và khát khao cống hiến, tin rằng anh Nguyễn Văn Hòa sẽ có nhiều đóng góp xứng đáng xây dựng quê hương./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực