Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, nhưng những kí ức về Bác không hề phai mờ trong tâm trí bà Ngô Thị Minh Hải, Bí thư chi bộ, tổ dân phố Á Lữ, phường Trần Phú, thành phố Bắc Giang - người phụ nữ vinh dự 2 lần được gặp Bác.
Hình ảnh Người cha già dân tộc luôn hiện hữu là động lực giúp bà hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cả khi đang công tác lẫn khi đã về hưu, nhắc nhở bà gương mẫu trong cuộc sống, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Mái tóc đã điểm bạc, khuôn mặt phúc hậu, bà bồi hồi xúc động kể về những lần vinh dự được gặp Bác. Lần đầu tiên bà được gặp Bác là ngày 6/4/1961, lúc đó bà đang là học sinh lớp cuối trường tiểu học Võ Thị Sáu, thị xã Bắc Giang. Hôm trước thầy Hiệu trưởng thông báo chọn những em học sinh ngoan đi làm một nhiệm vụ đặc biệt và yêu cầu 5 giờ sáng hôm sau các em phải có mặt tại trường. Sáng hôm sau khi các học sinh tập trung đầy đủ thầy thông báo các em được đi đón Bác Hồ về thăm Bắc Giang. Lúc đó tất cả mọi người đều rất sung sướng và vui mừng, xen lẫn là niềm xúc động, tự hào. Bà cùng với các bạn đi bộ ra sân vận động đón Bác. Đang nghe Bác căn dặn thì trời đổ mưa, Bác cho các cháu thiếu nhi lên khán đài. Được ngồi gần Bác bạn nào cũng thích, chăm chú nhìn Bác. Nói chuyện xong Bác quay sang dặn dò các cháu thiếu nhi. Bác hỏi: “Các cháu có nhớ 5 điều Bác Hồ dạy không?”, và chỉ một bạn đứng lên đọc. Bác còn phân tích tỉ mỉ từng điều một và dặn dò các cháu phải cố gắng học tập, phải kính thầy yêu bạn sau này là chủ nhân của đất nước. Trong tâm trí của cô học trò tiểu học lúc đó, Bác Hồ như một ông tiên, hình ảnh Bác thanh cao, giản dị, lời Bác trầm ấm, ân cần, âu yếm dặn dò các cháu thiếu nhi. Giọng hát của Bác hoà quyện với giọng hát của các cháu vang lên trong Bài ca Kết đoàn, đến tận bây giờ mỗi khi nhắc lại mắt bà vẫn rưng rưng.
Mấy năm sau vào tháng 10/1963, bà lại vinh dự cùng một số đoàn viên, thanh niên ưu tú của tiểu khu Trần Phú được chọn đi đón Bác về thăm tỉnh Hà Bắc sau gần một năm sát nhập. Lần này dù chỉ được đứng dưới nhìn Bác nhưng bà cũng cảm thấy rất tự hào. Bác Hồ xuất hiện giản dị trong bộ trang phục kaki, đôi mắt sáng ngời với khuôn mặt phúc hậu khiến bà cảm thấy Bác gần gũi như người ông của mình. Nhớ lại lần đó, bà ngậm ngùi: “Hôm đó Bác Hồ dạy thanh niên phải ba sẵn sàng, tham gia tất cả các nhiệm vụ của hậu phương, vừa sản xuất, vừa đánh giặc. Tôi nghe Bác nói như nuốt từng lời. Thấy Bác lần này khỏe hơn lần trước tôi rất mừng, không sao kìm được xúc động nên đã bật khóc.”
Vào một ngày đầu tháng 9 năm 1969, khi Đài tiếng nói Việt Nam phát đi bản tin thông báo tình hình sức khoẻ của Bác và rồi thông báo Bác ra đi, bà và gia đình đã không cầm được nước mắt. Và cũng từ đó trên bàn thờ của gia đình bà có thêm tấm hình của Bác.
Từ sau hai lần gặp Bác, bà đã quyết định theo nghề dạy học. Những năm tháng còn gian khó lương của người giáo viên chẳng được bao nhiêu, tằn tiện lắm vẫn không đủ lo cuộc sống cho cả gia đình nhưng nhớ lại những lần gặp Bác, những lời căn dặn của Người đã thôi thúc bà tiếp tục bám nghề, hoàn thành tốt nhiệm. Bà chia sẻ: Biết làm giáo viên là nghèo khó nhưng vinh quang, bởi ngoài việc truyền thụ cho học sinh kiến thức văn hóa, còn truyền cho các em lòng yêu tổ quốc, yêu đồng bào, kính trọng người trên, chăm chỉ học hành và đặc biệt là được kể cho các em nghe về những kỉ niệm về Bác, được khuyên bảo các em làm theo năm điều Bác Hồ dạy- những điều mà trong suốt cuộc đời này không bao giờ bà quên được. Bà bảo: "Tôi học được rất nhiều đức tính của Bác như sự giản dị, khiêm tốn, gần dân, quý trọng dân, lo cho dân, thương yêu người nghèo, đặc biệt là đó là tinh thần thẳng thắn nhận những khuyết điểm, thiếu sót và góp ý với mọi người".
Trong thời gian công tác, lòng luôn khắc sâu những điều Bác Hồ dạy bảo, bà đã phấn đấu để đảm đương nhiều chức vụ. 10 năm làm hiệu phó, 2 năm làm hiệu trưởng, 12 năm làm ở phòng giáo dục, năm 1989 bà làm Phó Chủ tịch công đoàn ngành giáo dục Bắc Giang. Dù ở cương vị nào bà cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều lần được nhận giấy khen của ngành, của tỉnh.
Về nghỉ hưu đến nay đã 10 năm nhưng chưa lúc nào nghỉ ngơi, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động của tổ dân phố. 7 năm liền (2004 – 2011) bà tham gia hội thẩm toà án nhân dân và là một trong năm người tham gia xét xử nhiều nhất, được nhận giấy khen của Chánh án tòa án nhân dân tối cao. Với những đóng góp không mệt mỏi của mình từ năm 2008 đến nay bà được mọi người tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ tổ dân phố. Trên cương vị mới, mặc dù không còn được nhanh nhẹn, đôi mắt không còn được tinh anh như trước những bà vẫn cố gắng không phụ sự tin tưởng của mọi người. Tổ dân phố Á Lữ trở thành tổ dân phố số một của phường, nhiều năm liền được công nhận trong sạch, vững mạnh. Để góp phần giúp tổ dân phố phấn đấu đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa, bà dành nhiều thời gian, công sức tổ chức tuyên truyền trên loa truyền thanh, trong các buổi họp dân phố cũng như trực tiếp đến nhà dân giúp mọi người hiểu, cùng phấn đấu thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình, địa phương văn hóa. Bà còn cùng cán bộ trong tổ thường xuyên xuống thăm hỏi người dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng để kịp thời đề xuất với cấp trên những ý kiến cần thiết. Tổng kết cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2011 bà đã được tỉnh Bắc Giang tặng bằng khen. Khi được hỏi động lực nào giúp bà luôn hoàn thành tốt nhiều công việc như vậy, bà bày tỏ: “Bản thân học tập, phấn đấu chưa đủ mà phải vận động bà con khối phố, gia đình, họ hàng, con cháu cùng noi theo, nêu cao tinh thần đoàn kết, thương yêu lẫn nhau. Làm được như vậy là đã phần nào thể hiện được tình cảm của mình với Bác và đặc biệt đó là thực hiện lời thầm hứa đối với Bác sau 2 lần được gặp Người"./.