Lai Châu thực hiện lời Bác dặn

Thứ ba, 21/10/2014 11:19

(ĐCSVN) Cách đây 61 năm (năm 1953), tỉnh Lai Châu đã có vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen với những lời động viên, thăm hỏi ân cần. 14 năm sau, đoàn cán bộ tỉnh tiếp tục được Bác căn dặn 3 điều cốt lõi của người cán bộ. Đó là niềm vinh dự và cũng là động lực cho tỉnh Lai Châu trong quá trình xây dựng, phát triển.

Lai Châu với những kỷ niệm về Bác Hồ

Theo sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2009), thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 10/12/1953, quân ta tiến công địch ở Lai Châu, mở màn cuộc tiến công Đông Xuân 1953 – 1954. Ngày 12/12/1953, thị trấn Lai Châu – trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Lai Châu được giải phóng.

Nhận được tin vui này, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian để viết thư thăm hỏi, động viên, chia vui với đồng bào và cán bộ Lai Châu. Bức thư ngắn gọn nhưng đầy tình yêu thương, cảm thông sâu sắc của Bác trước những gian khổ, hy sinh của đồng bào và cán bộ trong tỉnh.

Mở đầu bức thư, Bác viết “Đã hơn 80 nǎm nay, đồng bào tỉnh nhà bị thực dân Pháp và Việt gian phản động áp bức, bóc lột, lừa bịp; chưa hề được hưởng hạnh phúc, độc lập, tự do như đồng bào các nơi khác. Tôi và Chính phủ luôn luôn thương xót đồng bào.

Ngày nay đồng bào đã được bộ đội Chính phủ giải phóng khỏi ách thực dân và phản động; tôi thay mặt Chính phủ thân ái gửi lời hỏi thǎm đồng bào và cán bộ.”

Cũng trong thư, Bác căn dặn đồng bào và cán bộ phải “Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau…Ra sức tǎng gia sản xuất để mọi người được ấm no. Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ… Cán bộ thì phải thật sự gần gũi giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.”

Tháng 3/1967, đoàn cán bộ Lai Châu gồm 11 người do đồng chí Nguyễn Văn Xã, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu về Hà Nội vinh dự được gặp Bác Hồ. Trong không khí đầm ấm, Bác hỏi thăm và nghe từng đồng chí trong đoàn báo cáo tình hình. Bác căn dặn: “1 - Cán bộ từ trên xuống dưới phải đoàn kết với nhau, thương yêu giúp đỡ nhau. Phải nâng cao ý thức phục vụ nhân dân được tốt hơn nữa, không được bắt nhân dân phục vụ mình, hết sức tránh tham ô, lãng phí, liên hoan chè chén. 2 - Mọi việc phải qua thực hiện dân chủ bàn bạc với quần chúng nhân dân, chớ có làm quan chủ. 3 - Phải lãnh đạo sản xuất tốt, làm cho đời sống đồng bào được ấm no, được học hành. Nếu để đời sống đồng bào các dân tộc thiếu hụt, không được học hành là thiếu sót lớn, là không tốt”.

Đoàn kết, thi đua thực hiện lời Bác dặn

Sau 61 năm thực hiện thư Bác gửi và 45 năm thực hiện Di chúc của Người , Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu đã khắc phục khó khăn, cùng nhân dân cả nước vượt qua thách thức, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn.

 

 Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Lò Văn Giàng trò chuyện với bà con các dân tộc trong tỉnh.
(Ảnh: Văn Thi)


Sau khi Bác đi xa, thực hiện Chỉ thị số 173 của Bộ Chính trị (khoá III), Lai Châu đã thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ, quân và dân Lai Châu tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời huy động sức người, sức của góp phần chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, cùng với cả nước hoàn thành di nguyện của Người: “Đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Lai Châu đã thực hiện việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, huy động sức mạnh của toàn dân, toàn quân, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế. Đặc biệt, từ sau chia tách, thành lập tỉnh năm 2004 đến nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ xây dựng tỉnh phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ Lai Châu đã lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Chỉ thị số 06 và 03-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Kết quả trong các năm qua, nhất là sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã củng cố nhiều tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, nhiều vấn đề bức xúc được giải quyết, chất lượng hoạt động của chi, đảng bộ được nâng lên; công tác chính trị tư tưởng có nhiều tiến bộ, nhất là đổi mới và nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết và xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết được nâng lên rõ rệt; nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên thực chất hơn; hằng năm đã có hàng trăm tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác; ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vô cảm trước bức xúc của nhân dân.

Cùng với đó, thực hiện lời dạy của Người “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Hệ thống, quy mô trường, lớp, cấp học, ngành học được đầu tư, mở rộng và phát triển nhanh. Năm học 2013 - 2014, số trường học, giáo viên tăng hơn 2 lần, học sinh, sinh viên tăng 1,7 lần so với năm học 2003 - 2004; chất lượng dạy và học được nâng lên, tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2009, cơ bản đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Các trường chuyên nghiệp, dạy nghề được thành lập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; hướng nghiệp, dạy nghề cho thế hệ trẻ.

Tỉnh đã luôn chú trọng xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng là cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng. Hoạt động giáo dục chính trị, đạo đức công dân trong các trường học, các tổ chức đoàn và tổ chức thanh thiếu niên được triển khai nghiêm túc; thúc đẩy các phong trào “lập thân, lập nghiệp”, “thanh niên tình nguyện”, “tuổi trẻ giữ nước”… Qua đó, nâng cao tính tích cực, tinh thần tập thể, ý thức tự giác, tính sáng tạo, ham học hỏi của đoàn viên, thanh niên.

 

Lai Châu ngày nay. (Ảnh: HH)


Đối với nhiệm vụ “Ra sức tǎng gia sản xuất để mọi người được ấm no”, theo lời Bác dặn, trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng bộ tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể để lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, tích cực động viên nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được những thành tựu đáng tự hào. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, bình quân đạt 13%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 tăng 5,6 lần, thu ngân sách địa phương tăng 18 lần so với năm 2004. Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển khá toàn diện, đảm bảo an ninh lương thực; đã hình thành các vùng cây công nghiệp lớn như chè, cao su. Đến nay diện tích cây cao su toàn tỉnh đạt trên 12.000ha, diện tích chè đạt trên 3.300ha. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ có bước phát triển khá; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng với tốc độ khá nhanh, nhất là hệ thống giao thông, điện, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện và các công trình công cộng. Công tác di dân tái định cư các công trình Thuỷ điện Sơn La, Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá, đã hoàn thành di chuyển cho hơn 10.000 hộ tái định cư. Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân giảm từ 6 - 7 %/năm. Quốc phòng, an ninh và đối ngoại được tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Lò Văn Giàng cũng nhận định, qua 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, 61 năm thực hiện thư Bác gửi đồng bào và cán bộ, Đảng bộ tỉnh Lai Châu nhận thấy vẫn còn có những hạn chế, thiếu sót, chưa đạt được như ý nguyện của Người. Ví dụ như trong xây dựng Đảng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng có lúc, có nơi, có việc chưa bám sát thực tiễn. Một số tổ chức Đảng chưa phát huy vai trò là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Kinh tế - xã hội phát triển nhưng chưa thực sự bền vững; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư song chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đời sống một bộ phận đồng bào ở vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn...

Để Lai Châu phát triển xứng đáng với niềm tin và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết, trong những năm tới Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện tốt Di nguyện của Người. Trong đó, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, tập trung khai thác mọi tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên và con người trong tỉnh để phục vụ cho các mục tiêu phát triển. Đồng thời, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhằm sớm đưa Lai Châu cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực