(ĐCSVN) - Đó là nhận định xuyên suốt của ông Nguyễn Xuân Toàn, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) thành phố Phủ Lý - một trong những gương mặt tiêu biểu của tỉnh Hà Nam trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt nhiều năm qua.
|
Ông Nguyễn Xuân Toàn: “…Muốn học được theo tấm gương Bác, thì ở khu dân cư hay cơ quan, ở mọi nơi, bản thân mình trước tiên phải là người gương mẫu từ lời nói, cử chỉ, hành động, việc làm dù là nhỏ nhất..” Ảnh QC |
Ông Nguyễn Xuân Toàn là sĩ quan quân đội nghỉ hưu với quân hàm Trung tá, trở về với cuộc sống đời thường, nhờ bản thân được tôi luyện đạo đức, phẩm chất trong môi trường quân đội, bản lĩnh nói được làm được nên ông được nhiều người yêu kính.
Ngay khi mới trở về, nhân dân và chính quyền địa phương (xã Thanh Châu, thành phố Phủ Lý, Hà Nam – nơi ông Toàn cư trú) đã tín nhiệm và bầu ông là Chủ tịch Hội CCB xã, công tác qua nhiều năm và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông tiếp tục được tổ chức tín nhiệm được phân công làm Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố Phủ Lý đến nay.
Dù trong cuộc sống hay công việc, ông Toàn luôn xác định: Là người lính Cụ Hồ trước hết phải gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành, vận động người thân trong gia đình và nhân dân chấp hành nghiêm mọi chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, lành mạnh; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Ông chia sẻ: Một khi đã xác định được rõ phương châm hành động cho bản thân theo gương Bác, nó sẽ như sợi chỉ vạch xuyên suốt, là định hình mẫu để cho mình luôn gương mẫu đầu tầu, sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính; sẵn sàng làm những việc đem lại lợi ích cho tập thể, cho nhân dân, và coi đó là những lợi ích cốt lõi cao nhất.
Nói là đi đôi với làm! Điển hình nhất là việc ông Toàn tự nguyện hiến đất thổ cư làm đường giao thông trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Được biết, đoạn đường liên thôn chạy qua địa bàn ông cư trú có chiều dài khoảng 1km cần phải giải tỏa mặt bằng. Qua khảo sát, bí thư chi bộ, trưởng thôn thông báo có 8 hộ gia đình, trong đó có gia đình ông Toàn trong diện giải phóng mặt bằng theo đúng yêu cầu của đơn vị thi công.
Bản thân là cán bộ, đảng viên, ông gương mẫu đi trước, ông bàn bạc với các thành viên trong gia đình và đi đến thống nhất sẵn sàng hiến 18m2 đất ở, tự tháo dỡ và xây lại bức tường dài 30m, cao 2m (tổng 60m2), chặt 4 cây ăn quả lâu năm để phục vụ việc làm đường giao thông nông thôn.
Đồng thời, ông đã không quản thời gian, cùng đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn đến từng nhà dân còn lại để tuyên truyền chủ trương, đường lối, sau đó giải thích, vận động mọi người cùng hưởng ứng làm theo.
Nhờ vậy, đoạn đường 1km chỉ sau 40 ngày đã được giải phóng xong mặt bằng. Đáng chú ý, để giúp các hộ hiến đất có điều kiện kinh tế khó khăn trong việc dỡ tường, chặt cây nhanh chóng xây dựng lại tường bao, ông Toàn đã bỏ tiền túi ủng hộ gia đình ông Phan Văn Linh 600.000 đồng, gia đình bà Nguyễn Thị Ước 5.000.000 đồng để việc bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công nhanh hơn và kịp tiến độ.
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết, từ năm 2010 đến nay, mỗi dịp đầu xuân năm mới, đúng ngày chúc thọ các cụ cao tuổi trong thôn, ông Toàn luôn có quà tặng các cụ tuổi tròn 70, 75, 80... Năm 2010, ông đã tặng quà cho 14 cụ cao niên, năm 2011 tặng quà 13 cụ, năm 2012 tặng quà 15 cụ, năm 2013 tặng quà 14 cụ, năm 2014 tặng quà 13 cụ, năm 2015 tặng quà hơn 10 cụ. Tiền mừng thọ các cụ, Trung tá Toàn cẩn thận gói vào từng phong bao, ngoài phong bao có ghi dòng chữ: Chúc thọ các cụ tuổi tròn. Chúc các cụ “sống vui, sống khỏe, sống có ích”, xứng đáng là “cây cao bóng cả” cho con cháu học tập và noi theo.
Tâm sự về việc làm này, ông Toàn bộc bạch: Món quà của mình tuy không lớn về vật chất, nhưng qua đó nó hàm chứa một ý nghĩa rất lớn, đó là giáo dục con cháu họ phải thảo hiền với ông bà, cha mẹ, các bậc bề trên trong nhà. Mình là người ngoài còn làm được vậy, thì đương nhiên con cháu người ta sẽ tự hiểu mà ứng xử sao cho phải đạo với người thân là lẽ đương nhiên.
Những việc làm của Trung tá Toàn tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao. Trả lời câu hỏi làm thế nào để có tiền mừng thọ các cụ tuổi tròn trong thôn, Trung tá Toàn cười vui vẻ: Đó là số tiền tôi tiết kiệm từ tiền lương hưu hàng tháng. Tháng nào cũng vậy, sau lĩnh lương tôi bỏ ra lúc ít thì vài chục nghìn đồng, lúc nhiều thì 100, 200 nghìn đồng để vào hộp tiết kiệm. Tết đến, đúng ngày mùng bốn, tôi lấy số tiền tiết kiệm được để mừng thọ các cụ cao niên. Tôi nghĩ đồng lương hưu của mình tuy không cao nhưng nếu biết tiết kiệm và có kế hoạch chi tiêu hợp lý vẫn có thể dành dụm để làm được nhiều việc có ích. 5 năm qua, mỗi dịp Tết đến xuân về, đều đặn có quà mừng thọ các cụ cao niên tuổi tròn trong thôn, bản thân tôi thấy rất vui. Bác Hồ đã dạy phải “cần, kiệm, liêm, chính…”, những năm qua tôi học tập và làm theo Bác từ những việc làm như trên.
Ghi nhận những đóng góp ấy, năm 2013 ông Nguyễn Xuân Toàn từng được UBND tỉnh Hà Nam tặng Bằng khen về những đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Năm 2014, ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen “CCB gương mẫu” giai đoạn 2009 - 2014.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Toàn vui vẻ cho biết: Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là việc làm hằng ngày, hàng giờ, mọi lúc mọi nơi, là việc làm suốt đời của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chính vì vậy, hằng năm tôi đều đăng ký việc “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác một cách cụ thể, thiết thực, bắt đầu từ những việc bình thường nhất, nhỏ nhất. Và điều quan trọng nhất, muốn học được theo tấm gương Bác, thì ở khu dân cư hay cơ quan, ở mọi nơi, bản thân mình trước tiên phải là người gương mẫu từ lời nói, cử chỉ, hành động, việc làm dù là nhỏ nhất./.