Mặc dù sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân có hoàn cảnh đặc biệt éo le: bố bị thiểu năng trí tuệ, mẹ bị câm điếc bẩm sinh, song Chu Thị Huệ - người dân tộc Tày (học sinh lớp 9A, trường Trung học cơ sở xã Vân Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) bằng nghị lực phi thường đã vượt lên số phận trở thành người con ngoan, hiếu thảo, học sinh giỏi, đội viên xuất sắc và là tấm gương điển hình tiêu biểu trong phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của tỉnh Bắc Giang.
* Nỗ lực phi thường
Từ thành phố Bắc Giang, vượt qua quãng đường hơn 100 km dưới cái nắng nóng oi bức đầu Hè, chúng tôi tìm đến thôn Khả, xã Vân Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang thăm gia đình cháu Huệ, cô bé mới ở độ tuổi 15, nhưng tiếng tăm về nỗ lực vượt khó học giỏi, nghị lực và ý chí vươn lên trong cuộc sống được mọi người dân ở vùng sơn cước này biết đến. Ngôi nhà của cháu Huệ nằm hun hút phía trong lưng chừng núi, không có đường dẫn vào nhà nên chúng tôi phải đi bộ men theo mép núi.
Khi đến trước cửa ngôi nhà cấp 4 vừa mới được xây xong đang ẩn mình dưới rặng cây bạch đàn, chúng tôi bỗng khựng lại khi nghe thấy tiếng ú ớ vọng ra từ phía trong. Một người phụ nữ trạc tuổi 40, dáng người gầy đét, làn da cháy nắng với nụ cười tươi và đôi mắt sáng, nhân hậu chạy ra niềm nở chào đón mọi người. Tất cả các thành viên trong đoàn đang ngơ ngác chưa hiểu vì sao thì lúc đó Huệ vừa đi làm đồng về tới, nhanh nhẩu mời mọi người vào nhà và giới thiệu: "Đây là mẹ của cháu. Mẹ cháu từ bé đến giờ không nói, không nghe được. Hôm nay được biết có đoàn nhà báo về thăm nên mẹ quyết định không ra đồng mà ở nhà tiếp khách”. Dường như hiểu được con gái đang nói về mình, người mẹ tươi cười gật đầu chào mọi người, rồi giơ tay chỉ trỏ khắp nhà và được cháu "phiên dịch" rằng "Mẹ cháu đang khoe với các cô, các chú, gia đình cháu có được cơ ngơi này là nhờ sự giúp đỡ của UBND huyện Sơn Động cùng với một số tổ chức và cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh".
Huệ tâm sự: "Gia đình cháu thuộc diện đặc biệt khó khăn trong xã. Mấy năm trước, gia đình cháu phải sống trong ngôi nhà cũ nát, xập xệ và chịu cảnh thường xuyên thiếu bữa. Tuy nhiên, kể từ năm 2009 trở lại đây, nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhà trường, một số nhà hảo tâm và đặc biệt là được nhận gạo cứu trợ định kỳ từ một tổ chức phi Chính phủ nên gia đình cháu đã đỡ vất vả hơn. Giờ đây, chúng cháu đã được ở trong một ngôi nhà mới, không còn phải lo đi sơ tán mỗi mùa mưa bão đến, được điều đó thì người tàn tật, sức khỏe yếu như mẹ cháu không vui sao được !".
Câu chuyện đang rôm rả thì bố Huệ cũng vừa đi rừng về tới. Thấy nhà có khách, ông bèn đẩy chiếc xe cút kít chở bó củi nép sang bên cánh cổng và lấy chiếc mũ vải đang đội trên đầu vội lau mồ hôi rồi ngồi vào bàn. Ngay lập tức, mọi người dồn dập hỏi ông về cô con gái giàu nghị lực, thông minh, nhanh nhẹn, nhưng tất cả câu trả lời của ông dường như chỉ bằng những nụ cười hềnh hệch, hiền khô. Thấy mọi người có vẻ không được thỏa mãn với cách trả lời như vậy, Huệ liền giải thích: "Bố cháu không được thông minh như những người bình thường, có lẽ vì thế bố cháu không hiểu ý các cô chú. Hơn nữa, sức khỏe bố cháu cũng yếu nên phần lớn công việc đồng áng đều một mình tay mẹ lo liệu".
Huệ cho biết, sau giờ học, ngoài việc giúp bố mẹ làm việc nhà, chăm sóc đứa em gái 4 tuổi, cháu còn phải đi nhổ mạ, cấy lúa, lấy củi...
Sự nỗ lực vượt khó của Huệ để luôn giành thành tích cao trong học tập khiến chúng tôi phải khâm phục. Sự khâm phục này càng được nhân lên gấp bội khi biết cô bé đang ở "tuổi ăn, tuổi lớn" này còn là Liên đội trưởng của trường Trung học cơ sở Vân Sơn, thủ lĩnh đạt nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động Đội.
Thầy Nguyễn Văn Điển - Tổng phụ trách Đội của trường Trung học cơ sở xã Vân Sơn cho biết: Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng em Chu Thị Huệ rất đam mê, tâm huyết với phong trào Đội và luôn không ngừng học tập, phát huy vai trò Liên đội trưởng trong các phong trào, hoạt động Đội. Huệ cùng với Ban chấp hành Liên đội của trường tích cực triển khai có hiệu quả chương trình “Rèn luyện đội viên”, phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt”, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”... Sự nhiệt huyết trong hoạt động Đội của Huệ được ghi nhận bằng một loạt danh hiệu, Bằng khen như: 6 năm liền (2009-2014) đạt danh hiệu chỉ huy Đội giỏi, 5 năm liền (2009-2013) đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” cấp xã, cấp huyện; Giải nhất hội thi “Truyền thông quyền trẻ em vệ sinh và dinh dưỡng” do Hội bảo vệ quyền trẻ em tổ chức năm 2013... Mới đây, Huệ vinh dự là 1 trong 60 em được nhận danh hiệu chiến sỹ nhỏ Điện Biên và đoạt giải khuyến khích Hội thi nghi thức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Giang năm 2014. Đặc biệt, Huệ vừa được Tỉnh Đoàn Bắc Giang giới thiệu để Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Kim Đồng - giải thưởng cao quý nhất dành cho cán bộ Chỉ huy Đội có thành tích xuất sắc trong công tác Đội.
* Ước mơ cần được chắp cánh
Chia sẻ về cô học trò "cưng" của trường, cô giáo Nguyễn Thị Cảnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Huệ là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó; được các thầy cô giáo yêu mến, bạn bè nể phục. Em luôn lạc quan hy vọng về một tương lai tươi sáng, tự tin trong giao tiếp và luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động của trường. Khi lên lớp ít ai biết được rằng Huệ sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh vô cùng éo le. Được biết, sắp tới Huệ là đại diện duy nhất của tỉnh Bắc Giang được nhận học bổng Vừ A Dính". Trong khi đó, kể về dự định trong tương lai, Huệ tự tin cho biết thêm: Cháu sẽ tiếp tục không ngừng nỗ lực học tập nhằm thực hiện ước mơ thi đỗ vào trường Đại học Y và trở thành bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho cha, mẹ và cứu giúp người nghèo chẳng may mắc phải những chứng nan y.
Trả lời câu hỏi về việc học Đại học Y mất nhiều thời gian và tốn kém lắm, Huệ cho biết: Cháu nhận được học bổng “Ước mơ Việt Nam” do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổng công ty Điện lực Việt Nam trao tặng trị giá 10 triệu đồng, cộng thêm số tiền do nhà trường và một số cá nhân ở địa phương trao tặng cháu đã mua được một con trâu nái. Theo cách tính toán của em, mỗi năm đẻ một lứa thì sau 3 năm nữa sẽ có thêm 3 con nghé và cháu sẽ bán chúng để lấy tiền đi học đại học. Nếu thiếu tiền cháu sẽ vay thêm ngân hàng để hoàn thành giấc mơ trở thành một thầy thuốc. Trước cách tính toán và lập luận của Huệ về kế hoạch cho tương lai của cháu, chúng tôi không dám hỏi gì thêm chỉ biết đưa mắt nhìn nhau biểu thị sự cảm phục.
Chia tay gia đình cháu Huệ trong buổi chiều tà. Hình ảnh của một cô bé mới ở độ tuổi 15 đã trở thành một điểm tựa vững chắc, trụ cột của cả gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cứ ám ảnh mãi chúng tôi. Cháu chẳng khác nào là cây tùng cây bách giữa đại ngàn Sơn Động đang nỗ lực vươn mình lên để chở che cho những loài cây thấp bé trước những cơn giông bão. Tôi băn khoăn tự hỏi: phải chăng hoàn cảnh khắc nghiệt đã hun đúc nên những tính cách, ý chí, nghị lực phi thường nơi cô bé ở vùng cao của tỉnh Bắc Giang này.../.