(ĐCSVN) - Chúng tôi gặp chị Đàm Thị Kim Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Gia Lâm ngay sau khi chị được Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội biểu dương về kết quả học tập và làm theo gương Bác năm 2014. Được trò chuyện với chị, chúng tôi nhận thấy sự nhiệt tình, say mê khi chị nói về việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
|
Chị Đàm Thị Kim Thanh. (Ảnh: TA) |
Chị Thanh tâm sự, từ đạo đức của người rất giản dị, khiêm tốn lại được học tập các chuyên đề như “Quần chúng - dân chủ - nêu gương”; “Nêu cao trách nhiệm gương mẫu của mỗi cán bộ - đoàn viên”..., cá nhân chị và Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Gia Lâm đã chỉ đạo triển khai hành động đến toàn thể cán bộ, giáo viên, đoàn viên công đoàn về tinh thần nêu gương.
Bác vẫn thường nói: “Cán bộ nào, phong trào đấy”, vậy nên, Công đoàn ngành Giáo dục Gia Lâm đã triển khai nhiều hoạt động để đẩy mạnh các phong trào thi đua, qua đó, nổi lên nhiều tấm gương tận tụy, tâm huyết với nghề, với học trò, tạo niềm tin và khích lệ tinh thần tự nguyện phấn đấu của mỗi cán bộ, giáo viên, đoàn viên Công đoàn ngành Giáo dục Gia Lâm.
Chị cho biết, là người đứng đầu tổ chức Công đoàn tại Phòng Giáo dục và Đào tạo Gia Lâm, chị kêu gọi anh chị em học tập tấm gương của Bác từ việc làm tưởng chừng như rất nhỏ. Trong mỗi phòng làm việc của lãnh đạo, chuyên viên đến các phòng làm việc của Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn đến từng lớp học, Công đoàn ngành đều triển khai dán những dòng chữ nhắc nhở “Dùng điện tiết kiệm, tắt điện khi không sử dụng". Như vậy khi bắt đầu mở cửa phòng ai cũng đã nhìn thấy dòng chữ và việc lặp lại trở thành thói quen và đi đến hành động tự giác.
Không chỉ tham mưu trong việc tiết kiệm điện, chị cùng tổ chức Công đoàn tham mưu thực hiện giảm bớt họp hành trong công tác chỉ đạo bằng việc duy trì cổng thông tin điện tử và hòm thư điện tử nội bộ. Từ lịch làm việc của lãnh đạo, chuyên viên bộ phận đến văn bản chỉ đạo, thông báo họp hành và ngay cả công văn chấn chỉnh nhắc nhở, Công đoàn tham mưu hạn chế tối đa việc dùng văn bản đánh máy pho to. Như vậy vừa tạo được thói quen khai thác sử dụng mạng điều hành công việc bằng công nghệ thông tin vừa tiết kiệm được giấy tờ văn bản, vừa chống lãng phí vừa thuận lợi cho việc lưu giữ bảo quản.
Từ những việc như vậy, chị thấy rằng, rõ ràng, học tập tấm gương đạo đức của Bác không phải là việc hô hào to tát, ồn ào ở đâu xa mà học tập Bác ngay từ phong cách làm việc, cách thức điều hành công việc khoa học, hợp lý từ việc nhỏ nhất theo phương châm “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức phải tránh”.
Là Phó trưởng phòng được giao nhiệm vụ phụ trách cấp học mầm non, công tác y tế chữ thập đỏ, phụ nữ và trẻ em lại kiêm Chủ tịch Công đoàn ngành, chị Thanh luôn suy nghĩ tìm hướng chỉ đạo, cách thức điều hành tổ chức thực hiện công việc bằng hiệu quả công việc. Với chị, hiệu quả công việc đều bắt nguồn từ dân chủ trong điều hành công việc. Theo chị “Việc dân chủ được thể hiện từ tác phong ứng xử cởi mở, chan hòa với đồng nghiệp, với cấp dưới và với nhân dân. Bằng cách tôn trọng mọi người, lắng nghe ý kiến của mọi người, cách tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin và trao đổi công việc”.
Trong xử lý công việc, chị Thanh luôn tâm niệm “Nhiều khối óc sẽ hơn một cái đầu”. Vậy nên, bất kể ý kiến trao đổi nào từ phía phụ huynh; nhân dân về cán bộ quản lý, về giáo viên, nhân viên trong ngành được gọi điện, nhắn tin hay gửi qua hòm thư điện tử, chị cũng đều giành thời gian lắng nghe, tiếp nhận với thái độ tôn trọng. Sau đó bằng nhiều kênh để thẩm định thông tin, sàng lọc và chọn phương án trả lời gần gũi, dễ hiểu nhất về những ý kiến hỏi, thắc mắc và cần tư vấn của mọi người được phần nào đáp ứng một cách nhẹ nhàng, tránh gây bức xúc với phương châm của người quản lý xử trí công việc: “Biến việc to thành nhỏ, từ việc nhỏ về không có việc gì”. Cứ như vậy, lòng tin của cán bộ, giáo viên, đoàn viên đối với chị ngày càng được củng cố và nâng cao.
Tâm sự về cách ứng xử trong công việc hằng ngày, chị Thanh chia sẻ: “Những người quản lý chúng ta hãy đừng cho mình là thủ trưởng vì thủ trưởng chỉ là trách nhiệm được giao bằng quyết định chịu trách nhiệm đứng đầu. Hãy phấn đấu để đồng nghiệp tôn vinh là thủ lĩnh - có nghĩa mình là linh hồn của họ. Khi và chỉ khi người cán bộ - công bộc của dân vừa là thủ trưởng đồng thời là thủ lĩnh thì hiệu quả công việc sẽ được nâng lên. Rõ ràng, từ sự dân chủ thực sự người cán bộ quản lý đã có được niềm tin của đồng nghiệp, của quần chúng nhân dân”.
Nói về phương hướng phấn đấu của bản thân trong thời gian tới, chị Thanh bộc bạch, sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao hơn nữa về nhận thức, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bởi vì chỉ có học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác thì mỗi cán bộ, đoàn viên, nhất là đối với những người làm công tác giáo dục như chị phải làm tốt chức trách “Tình người của mình”. Chị sẽ cùng cùng Ban Chấp hành Công đoàn ngành Giáo dục Gia Lâm gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức nhà giáo, chỉ đạo lồng ghép cuộc vận động lớn của ngành “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” trong nội dung học tập và làm theo tâm gương đạo đức của Bác.
Mặt khác, chị cùng Ban Chấp hành Công đoàn tham mưu với cấp ủy tiếp tục chỉ đạo 71 Công đoàn trường làm tốt từ việc rèn phẩm chất đạo đức nhà giáo qua việc tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ sư phạm và đổi mới phương pháp dạy để khuyến khích tính tích cực tự giác trong học tập của trò, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện, vững bền của ngành Giáo dục và Đào tạo Gia Lâm; giữ vững thành tích 7 năm được UBND Thành phố Hà Nội tặng cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu khối ngoại thành của Giáo dục Thủ đô.
Chị Đàm Thị Kim Thanh cũng tâm niệm rằng, để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có lẽ mỗi chúng ta phải học tập suốt đời. Học trong từng việc làm, vị trí công tác sao cho hiệu quả thấm nhuần lời dạy: “Cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm/Cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh”./.