Ở cái tuổi bên kia sườn dốc, sức khỏe giảm sút, nhưng những trận chiến với địch, những vết thương trên cơ thể vẫn không bao giờ phai trong trí nhớ người thương binh hạng 2/4, với một chân đã để lại nơi chiến trường. Mới đây, ông vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ông là Nguyễn Văn Nồng, 80 tuổi, ngụ ấp Lòng Hồ, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.
* Nặng tình với đồng chí
Trước Tết Mậu Thân 1968, quận Hớn Quản (cũ) được tổ chức thành 4 mũi công tác (K) tiến công vào An Lộc, Bình Phước. Khu vực K2 do ông làm Bí thư chi bộ, phụ trách các làng sở cao su Xa Cô 2, Xa Cô Xuýt, Xa Cô 28. Tại đây, ông bị thương nặng và bị bắt giam ở nhà tù Phú Quốc 5 năm (1968 – 1973), đến năm 1973 được trao trả ra ngoài Bắc. Năm 1974, ông làm Bí thư huyện ủy Lộc Ninh cho đến lúc nghỉ hưu (năm 1993).
Rót chén trà nóng mời khách, ông Nồng run run đôi tay nói: “Ngày trước, tôi bị đám giặc ở đảo Phú Quốc cùm tay rồi treo ngược lên, chúng dùng đủ thứ dụng cụ để tra tấn cơ thể, nặng nhất là khuỷu tay. Ngày nào tên cai ngục cũng dùng vật nhọn đánh đập để moi móc thông tin. Dù chết đi sống lại nhiều lần, nhưng tôi vẫn không hé miệng một lời về tin tức của đồng đội đang chiến đấu ở bên ngoài”.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, mùi nhang đèn trên bàn thờ vị Cha già kính yêu của dân tộc trong ngôi nhà ông liên tục tỏa khói. Ông Nồng giải thích: “Từ khi đất nước độc lập, Việt Nam đã thu về một mối, những người lính như tôi nhanh chóng về nhà để chia sẻ niềm vui với gia đình, làng xóm. Ngày Bác mất, để chia sẻ nỗi đau với hàng triệu người dân trong cả nước, tôi đã lập bàn thờ Bác và mỗi ngày đều tự tay thắp nhang để tỏ lòng thành kính với Người”.
Mỗi khi nhắc đến tình đồng chí, đồng đội của mình ngày trước, từ trong khóe mắt của người chiến sĩ cộng sản đã 57 năm tuổi đảng này, những giọt nước mắt đục mờ liên tục lăn trên gương mặt già nua chai sạn. Những ngày chiến tranh khói lửa, người dân cả nước dồn lương thực cho bộ đội. Bà Nhau, ở ấp Sóc Quả, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, đã cùng gia đình đi hái từng nắm rau rừng cho bộ đội đang mai phục ở các cứ điểm bí mật tại Bình Phước. Nhớ mãi nghĩa cử đó, sau này khi bà mất đi, ông Nồng đã tự nguyện thuê thợ về xây mộ cho bà.
Ngoài công việc hằng ngày, ông Nồng đi tìm mộ các đồng đội đã hy sinh. Một điều mà người dân xã Hớn Quản nể phục là ông đã đi tìm và vận động mọi người đóng góp xây dựng 4 ngôi mộ cho vợ chồng ông Ba Sinh, ở xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh và vợ chồng ông Bảy Chung ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh.
Thấy hoàn cảnh của bà Thị Ham với tường tranh mái lá dột nát, bà Ham bị tật nguyền nằm một chỗ, mọi chi phí hằng ngày đều phụ thuộc vào số tiền làm thuê cuốc mướn bấp bênh của đứa con út, ông Nồng đã hỗ trợ 70 triệu đồng để xây căn nhà tình thương cho mẹ con bà Ham.
Ông Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng ấp 5, xã An Khương (Hớn Quản) cho biết: “Nghĩa cử cao đẹp của ông Nồng thì không ai có thể phủ nhận, với tấm lòng “lá lành đùm lá rách” ông Nồng đã giúp đỡ bà con nghèo ở ấp này bằng rất nhiều việc làm có ý nghĩa”.
* Sẻ chia cùng người khó khăn
Di chứng chiến tranh để lại, trên người ông Nồng mang chằng chịt vết thương. Mỗi khi trái gió trở trời, những vết tích mà địch tra tấn năm xưa lại hành hạ ông. Nhưng với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, ông đã đến với đồng bào dân tộc thiểu số.
“Từ khi tôi còn cầm súng ra chiến trường đến lúc làm Bí thư chi bộ ở trong căn cứ, người đồng bào luôn che chở cho tôi và đồng đội. Một hạt gạo họ cũng sẻ làm đôi cho anh em, nhiều lúc họ nhịn ăn để nhường cho bộ đội nắm rau dại, lá rừng. Vì vậy, mà việc chúng tôi hay gửi tặng đồ ăn thức uống cho họ hôm nay là rất nhỏ bé so với những gì mà mình đã từng nhận từ họ”, ông Nồng chậm rãi nói.
Được biết, những gia đình người đồng bào chí thú làm ăn nhưng không có tiền kinh doanh sản xuất, thì ông Nồng lấy số tiền tiết kiệm từ quĩ lương hưu 20 năm nay và số tiền thu nhập từ 7 sào cao su của gia đình để giúp đỡ họ. Gần 3 năm nay, mỗi tháng ông Nồng đều đặn đến thăm em Điểu Hùng ở ấp Sóc Quả, xã Tân Hưng, bị bại liệt nằm một chỗ. Mỗi lần tới, ông đều đưa bà nội của Hùng 200 ngàn đồng để hỗ trợ mua thuốc men. Ngoài ra, ông còn kêu gọi Hội Chữ thập đỏ xã giúp đỡ em Hùng.
Nói về việc thiện của ông Nồng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hưng Hoàng Văn Hào cho biết: “Ông Nguyễn Văn Nồng là tấm gương sáng trong học và làm theo Bác ở địa phương, thể hiện phẩm chất “thương binh tàn nhưng không phế. Ông đã cố gắng hết mình làm tròn trách nhiệm của một người đảng viên gương mẫu, tham gia nhiều hoạt động từ thiện, có ích cho xã hội. Những buổi sinh hoạt đoàn viên, hay các hoạt động của thanh, thiếu niên, chúng tôi thường đem những câu chuyện đời thường của ông Nồng và một số cá nhân điển hình sinh sống tại địa phương để giáo dục giới trẻ”.
Với những cống hiến trong kháng chiến, ông Nguyễn Văn Nồng đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày” vào năm 1998, được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng nhiều bằng khen.
Đặc biệt, tháng 5/2013, ông vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong bức thư khen của Chủ tịch nước có đoạn viết: “Tôi xúc động được biết, mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng với ý chí cách mạng và tấm lòng của người đảng viên đã từng vào sinh ra tử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hằng tháng, ông đã trích một phần lương hưu để giúp đỡ cho học sinh là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách tới trường; hỗ trợ các gia đình nghèo; đóng góp các quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học; tích cực tuyên truyền, vận động được nhiều bà con tham gia những công việc có ích cho xã hội… Tôi biểu dương và khen ngợi tấm lòng của ông trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”./.