(ĐCSVN) - 65 năm tuổi Đảng, đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn tinh anh, dồi dào sức lực, nhiệt huyết đóng góp ý kiến xây dựng Đảng. Ông là Đào Trọng Hằng - người đảng viên nguyện suốt đời cống hiến vì lý tưởng của Đảng, vì sự phát triển của quê hương Lý Nhân – Hà Nam.
|
Đảng viên lão thành Đào Trọng Hằng cùng con cháu trong Lễ nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng |
Cả cuộc đời đi theo cách mạng
Chúng tôi gặp đảng viên lão thành Đào Trọng Hằng ngay sau khi ông được Đảng bộ xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân trao huy hiệu 65 năm tuổi Đảng trong đợt 2/9 vừa qua. Được trò chuyện với ông, chúng tôi nhận thấy sự nhiệt tình, say mê khi ông nói về việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tay lần giở những cuốn nhật ký, những ghi chép, những bức ảnh về Bác Hồ mà ông dày công sưu tập trong nhiều năm qua, ông lần lượt giới thiệu xuất xứ, những câu nói của Bác được trích dẫn. Có ba cuốn sổ tay ông luôn sử dụng hằng ngày: một cuốn là nhật ký ghi lại những hoạt động trong ngày; một cuốn ghi chép những câu nói và hình ảnh về Bác sưu tầm trên báo chí; một cuốn ghi chép, tô đậm hằng ngày các bài viết hay về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và những vần thơ hay, các chi tiết về lịch sử Đảng bộ xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân mà ông đang tham gia biên soạn. Qua năm tháng, những nét chữ của cuốn nhật ký viết trước đây không tránh khỏi phai mờ, giấy đã cũ nhưng mỗi dòng văn, dòng thơ, câu nói của Bác... được tác giả viết rất nắn nót và giữ gìn rất cẩn thận.
Con đường đến với cách mạng, với sự nghiệp giải phóng dân tộc của đảng viên Đào Trọng Hằng như một sự tất yếu. Sinh năm 1927, hoạt động cách mạng từ năm mới 13 – 14 tuổi, đến năm 1948 - ở tuổi 21 đầy nhiệt huyết, người thanh niên Đào Trọng Hằng chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam và tham gia đội du kích xã Nhân Mỹ. Thời điểm đó, giặc Pháp cho lập quanh xã Nhân Mỹ hai bốt gác ở Cống Hùa và Vũng Đa, ngoài ra còn đóng thêm hai bốt phía bên ngoài xã ở Đồng Ba, Lý Nhân với ý đồ cô lập sự phát triển các chi bộ và tinh thần chống Pháp của nhân dân địa phương. Để hạn chế sự phát triển đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, địch liên tục thay đổi chiến thuật, cứ cách từ 10 đến 20 ngày lại bắt người dân trong xã ra trình diện, nhận giấy Tề, những người không ra trình diện, không có giấy sẽ bị lùng bắt. Với chính sách xảo quyệt này của địch, một số đảng viên không giữ vững lập trường đã ra nhận giấy Tề. Có thời điểm đội du kích xã chỉ còn 4 người, thậm chí người em trai út Đào Quang Hải làm liên lạc viên xã đội của ông đã anh dũng hy sinh ở tuổi 16. Với cương vị đội trưởng đội du kích của xã, người chiến sỹ Đào Trọng Hằng đã thuyết phục các đồng đội giữ vững niềm tin, không để cho địch lung lạc tinh thần, đồng thời dựa vào bà con chòm xóm để đấu tranh với địch.
Từ tháng 3 năm 1951 đến năm 1953, ông Hằng được bầu làm Phó bí thư, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Nhân Mỹ. Cuối năm 1954, ông được điều lên công tác tại huyện. Đến năm 1961 ông được bầu bổ sung Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Lý Nhân, rồi giữ cương vị Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy nhiều khóa cho đến lúc về hưu năm 1986.
Với những thành tích trong tham gia kháng chiến chống Pháp và suốt cả cuộc đời làm công tác Đảng, ông đã được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì.
Sống chân thành, mẫu mực
Về Lý Nhân, Hà Nam, hỏi thăm ông Đào Trọng Hằng nguyên Phó Bí thư Huyện ủy thì ai cũng biết. Ông được bà con lối xóm, đồng chí, bạn bè yêu quý không chỉ ở việc nuôi dạy con cháu trưởng thành (cả năm người con của ông đều là đảng viên, cán bộ, chiến sỹ cao cấp trong quân đội, công an và 6 người cháu của ông đã tốt nghiệp đại học) …mà chính ở tấm lòng, nết ăn ở, sự chân thành đối với người bạn đời của mình.
Mọi người kể chuyện, hồi vợ ông Hằng còn sống, lúc ốm bà nằm viện hơn ba năm. Cả thời gian đó ông luôn túc trực trong bệnh viện, tự tay chăm bà, cho dù các con đề nghị để các con chăm mẹ, ông đều gạt đi để ông tự lo. Ông bảo lúc đang công tác không có thời gian dành cho vợ con, nên việc chăm sóc cho bà là cái nghĩa ông cần phải thực hiện.
|
Trong câu chuyện, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự tâm huyết, nhiệt tình của đảng viên lão thành Đào Trọng Hằng đối với công tác xây dựng Đảng - Ảnh: TH |
Ở Lý Nhân, mọi người còn gọi ông với cái tên trìu mến: “ông Hằng liêm khiết”. Ông kể: Lúc ông và đồng chí bí thư huyện ủy sắp nghỉ chế độ, anh em ở xã quý có biếu mỗi người 5 cân gạo nếp. Biết chuyện, ông kiên quyết bảo anh em, cán bộ văn phòng Huyện ủy đem gạo trả lại... Là cán bộ của huyện, khi về các xã và cơ sở làm việc, ông không bao giờ dùng cơm tại các cơ quan, đơn vị vì sợ làm phiền và ảnh hưởng đến anh em. Từ lúc về nghỉ chế độ đến nay, có việc gì cần đi, ông một mình rong ruổi trên chiếc xe đạp và ông cũng thường xuyên đạp xe đến với anh em cấp xã hàn huyên, tâm sự, giữ mối quan hệ thân tình.
Chúng tôi hỏi ông, suốt cả cuộc đời chỉ làm công tác Đảng, hơn 5 nhiệm kỳ giữ cương vị Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, ông đúc rút được điều gì, góp ý gì với thế hệ trẻ? Ông cười hiền hậu bảo: “Với người làm công tác Đảng, điều quan trọng nhất chính là tự tu dưỡng rèn luyện, giữ gìn đạo đức lối sống để làm gương cho cán bộ. Đối với nội bộ phải giữ gìn sự đoàn kết, bản thân phải giữ vững tinh thần phê và tự phê, gắn bó với đồng nghiệp”.
Hiện nay, một trong những chủ trương của Đảng được người đảng viên lão thành đặc biệt quan tâm là việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Với ông đây là cuộc sinh hoạt chính trị nghiêm túc, thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thẳng thắn từ trên xuống. Ông hoàn toàn tin tưởng, Nghị quyết này sẽ tạo được chuyển biến vì hiện nay đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước hầu hết là những người có trình độ, có đủ điều kiện để nghiên cứu, nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa của Nghị quyết này. Qua đó thấy rõ những công việc phải làm và quyết tâm thực hiện, đồng thời gương mẫu thực hiện tự kiểm điểm, soi lại mình; điều gì còn khiếm khuyết thì khắc phục, sửa chữa, điều gì tốt đẹp thì phát huy…
Giờ tuổi cao, sức yếu, ông bảo ông có ba việc để lo. Thứ nhất, học theo Bác, hằng ngày ông đều chăm chỉ đi bộ tập thể dục để duy trì sức khỏe và làm gương cho con cháu. Việc thứ hai là lo việc họ tộc để gắn kết, duy trì truyền thống dòng họ, để con cháu nối tiếp ông cha trong việc lo lắng riêng, chung. Việc thứ ba cũng là việc ông quan tâm, trăn trở nhất đó chính là đóng góp ý kiến vào việc hoàn thành bộ lịch sử Đảng bộ xã Nhân Mỹ. Vì ông chính là người tham gia kháng chiến, tham gia xây dựng phong trào công tác Đảng ở địa phương, ông muốn việc này sớm được hoàn thành.
Chia tay ông, trong chúng tôi tràn ngập những niềm vui, tự hào về các thế hệ đi trước - Đó không chỉ đơn thuần là những cống hiến mà là cả một tấm lòng của người trí thức cách mạng. Chúng tôi tin tưởng rằng, các con, cháu của ông sẽ tiếp tục noi gương ông, tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chung của Đảng, sự phồn vinh của dân tộc./.