(ĐCSVN) - 21 năm làm công nhân cầu đường, ba năm làm công việc gác chắn tàu, công việc nào chị Trần Thị Thục Anh, công nhân gác chắn tàu Xí nghiệp Cầu đường số 21 (Công ty cổ phần Giao thông 2 Hà Nội) cũng hoàn thành tốt. Chị cũng là tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
|
Chị Trần Thị Thục Anh - Ảnh: Bảo Thy |
Chị Thục Anh cho biết, nhiều người ngỡ công việc của những công nhân gác chắn khá đơn giản, bởi chỉ có việc đóng chắn mỗi khi sắp có tàu chạy qua, rồi mở chắn cho các phương tiện lưu thông. Thế nhưng có vào nghề mới biết nỗi vất vả, cơ cực. Các anh, chị phải làm ca kíp, hôm nay làm ngày, ngày mai lại làm đêm, cứ liên tục như vậy, mà đã vào ca làm việc thì yêu cầu nhân viên không được rời khỏi vị trí.
Tưởng đơn giản nhưng công việc của công nhân làm đường như chị được xếp vào loại công việc nặng nhọc, độc hại, thường xuyên phải tiếp xúc với tiếng ồn, khói bụi của các phương tiện lưu thông trên đường và máy móc thiết bị thi công. Nhưng với chị đó chưa bao giờ là “rào cản” để chị thôi không phấn đấu và rèn luyện bản thân. Chị sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì mà xí nghiệp phân công và luôn động viên anh em trong tổ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Từ năm 2011 đến nay, chị Trần Thị Thục Anh được giao nhiệm vụ trực gác chắn đường ngang giao cắt tuyến đường sắt bắc nam với đường từ quốc lộ 1 (cũ) vào thôn Nhị Châu, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Mỗi ngày trung bình có 22 chuyến tàu qua đây. Với thái độ làm việc cẩn thận, tinh trần trách nhiệm cao, không quản mưa nắng, chị Thục Anh cần mẫn trực gác, đóng mở cửa gác chắn, giữ bình yên cho một cung đường.
Tuyến đường nơi chị Thục Anh làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông có lưu lượng người và phương tiện qua lại khá đông. Do đó, theo quy định, gác chắn chỉ được đóng trước khi tàu đến 60 giây, không được đóng quá sớm, bởi sẽ làm ùn tắc giao thông, còn nếu đóng muộn thì dễ xảy ra tai nạn. Điều đáng nói, điểm giao cắt này có độ dốc lớn, tầm nhìn lại bị hạn chế bởi cây cối và nhà dân sống hai bên đường. Lo nhất là khi thời tiết xấu, hay hệ thống chuông, đèn tín hiệu đột ngột ngừng hoạt động.
Một trong những việc làm cụ thể của chị Thục Anh để lại ấn tượng sâu sắc cho đồng nghiệp và mọi người xung quanh là hành động dũng cảm, quên mình, "cứu" đoàn tàu khách Bắc - Nam thoát cú va chạm với xe container vào khoảng 16h30 ngày 2/1/2012. Hôm đó, trong phiên trực, chị quan sát thấy cách đó gần 500m có 1 xe ô tô công-ten-nơ đang băng qua đường ngang (giao cắt với đường sắt) hướng ra quốc lộ 1 (tại điểm đó không có rào chắn và trực gác) thì bị chết máy giữa đường sắt. Ngay lúc đó có đoàn tàu khách Bắc - Nam SE 8 đang chạy với tốc độ cao hướng từ Thường Tín về Hà Nội sắp chạy qua. Không suy nghĩ, do dự, chị Thục Anh lao ra giữa đường ray, tay cầm cờ hiệu, tay cầm mũ quay liên tục hướng đoàn tàu báo hiệu dừng tàu. Khi đoàn tàu kịp dừng lại chỉ còn cách chị chưa đầy 20m, quá vui mừng, chị đã… bật khóc.
Sau đó chị kịp thời thông báo với người lái tàu biết sự việc, đồng thời gọi điện thoại cho thợ sửa chữa đèn tín hiệu báo cho ga Thường Tín dừng đoàn tàu kế tiếp. Đến hơn 17 giờ cùng ngày, xe công-ten-nơ di chuyển được ra khỏi đường ray, đoàn tàu tiếp tục chuyển bánh.
Điều đáng quý là sự việc diễn ra hôm đó không thuộc vị trí chị Thục Anh trực gác, nhưng với lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp, chị đã quên cả tính mạng, dũng cảm và linh hoạt, ngăn chặn kịp thời một tai nạn mà nếu xảy ra thì mức độ thiệt hại sẽ rất lớn. Hành động đó của chị được Công ty biểu dương, khen thưởng đột xuất.
Với nếp sinh hoạt lành mạnh, giản dị và luôn quan tâm đến đồng nghiệp, chị Thục Anh luôn được mọi người tin tưởng yêu quý và là trung tâm đoàn kết của tổ. Nhiều năm liền, chị được công nhận lao động giỏi của ngành Giao thông Vân tải Thủ đô. Trong dịp kỷ niệm 59 năm ngày giải phóng Thủ đô vừa qua, chị vinh dự được Thành ủy Hà Nội khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 03 về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.