“Người hùng của bản” là tên gọi thân thiết của người dân bản Nà Cài (xã Pi Toong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) dành cho ông Lê Quý Vị. Nhắc đến ông, mọi người lại nhớ về hành động cao đẹp sẵn sàng hiến hàng nghìn mét đất để làm các công trình phúc lợi cho quê nhà.
* Những đứa trẻ ấy là tương lai của quê hương
Năm nay đã gần 60 tuổi nhưng trông ông Vị vẫn rất khỏe mạnh với nước da ngăm đen, dạn dày sương gió. Ông cho biết, sinh ra và lớn lên ở miền quê Nam Định, nhưng với mong muốn cải thiện cuộc sống, ông đã cùng gia đình chuyển lên lập nghiệp ở mảnh đất Pi Toong từ năm 1992. Mới đầu sinh sống tại vùng đất này, gia đình gặp rất nhiều khó khăn, do ông không phải là người bản địa nên lối sống, phong tục tập quán khó có thể hòa nhập trong ngày một ngày hai. Nhưng xác định sẽ sinh sống lâu dài ở đây, ông đã tích cực tham gia lao động sản xuất, thường xuyên sinh hoạt văn hóa với bà con trong bản, lâu dần ông cũng được bà con coi như người một nhà.
Chính những tình cảm thân thiết của bà con dân bản đã làm ông xem đây như quê hương thứ hai của mình và sẵn sàng cống hiến để giúp bản làng ngày càng phát triển giàu đẹp hơn. Năm 2005 khi chính quyền có chủ trương xây trường tiểu học, bản của ông đã được chọn vì có vị trí nằm gần đường giao thông và thuộc khu trung tâm của xã nên thuận lợi cho việc học tập và đi lại của con em trong vùng. Tuy nhiên, khi tiến hành quy hoạch tại đây thì diện tích đất để xây trường lại quá nhỏ, do vậy chính quyền có ý định chuyển sang xây trường ở địa điểm xa trung tâm hơn. Nhà ông nằm ngay cạnh khu đất mà xã đã quy hoạch, khi biết được việc đó, ông đã không ngần ngại liên hệ với chính quyền góp một phần diện tích đất của mình để xây trường học. Nhờ được ông hiến gần 300m2 đất ở, trường tiểu học xã Pi Toong đã nhanh chóng được xây dựng để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong xã. Không chỉ có vậy, năm 2009 khi trường tiểu học cần thêm đất để xây dựng công trình vệ sinh, ông không ngại ngần hiến thêm 100 m2 nữa cho nhà trường.
Ông Vị tâm sự, ông yêu những đứa trẻ như chính con cháu nhà mình, ông tin những đứa trẻ ấy là tương lai của quê hương. Ngày ngày nhìn những đứa trẻ vui tươi đến trường trên chính mảnh đất hương hỏa nhà ông, ông rất hạnh phúc khi đã góp một phần vào việc xây dựng tương lai cho các cháu. Đối với ông, niềm hạnh phúc ấy thật vô giá và không thể đánh đổi bằng tiền bạc.
Cô giáo Lương Thị Ngọc, Hiệu trưởng trường tiểu học xã Pi Toong cho biết, nếu không có việc hiến đất của gia đình ông Vị thì trường học đã phải chuyển về địa điểm khác xa hơn, như vậy sẽ khó khăn cho các em học sinh trong quá trình theo học, cũng như việc đến trường giảng dạy của các giáo viên. Cảm phục trước tấm lòng nhân hậu của ông, các cô giáo trường tiểu học Pi Toong vẫn thường kể lại câu chuyện đóng góp của ông cho học sinh nghe, bởi vậy các em lại càng quý mến ông hơn.
* Một tấm lòng nhân hậu
Với mong muốn quê hương, bản làng ngày càng phát triển, năm 2008, khi công trình thủy điện Sơn La đang thi công xây dựng, những người dân vùng quy hoạch phải chuyển đến nơi ở mới với rất nhiều khó khăn. Khi đó, xã Pi Toong được chọn là một trong những điểm để đón người dân đến tái định cư. Thấy bà con tái định cư phải sống ở những mảnh đất cằn cỗi, cách xa khu dân cư, ông Vị lại nhớ đến những ngày đầu mình mới lên đây lập nghiệp với biết bao khó khăn. Vì vậy, dù đất của gia đình ông Vị không nằm trong diện quy hoạch để cấp cho các hộ dân mới chuyển đến, nhưng ông đã quyết định nhường một phần diện tích đất nơi có điều kiện thuận lợi hơn cho bà con. Người ta nói “tấc đất, tấc vàng”, vậy mà ông không ngần ngại nhường hơn 14.000 m2 đất rừng, mảnh đất chủ yếu để gia đình ông phát triển kinh tế, trong đó có hàng trăm cây ăn quả, cây lấy gỗ đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch, để nhận lại mức đền bù chưa đến 4.000 đồng/m2.
Nghĩa cử cao đẹp của ông đã giúp 11 hộ tái định cư có nơi ở ổn định và cuộc sống tốt đẹp hơn. Bà con bản tái định cư coi ông như người nhà, người đã nhường cho họ mảnh đất để sinh sống, làm ăn trên quê hương mới. Hành động của ông xuất phát từ sự đồng cảm khi sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất mới, nhưng cơ bản là tấm lòng hi sinh, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho quê hương. Sự đóng góp của ông đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển các hộ dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ dự án thủy điện Sơn La.
Đối với một con người có tấm lòng nhân hậu như ông, việc cống hiến cho quê hương chính là niềm vui, niềm hạnh phúc. Chính vì vậy, ông vẫn luôn đồng hành cùng sự phát triển của địa phương. Năm 2013, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng nhà văn hóa bản Nà Cài, một lần nữa ông đã hiến tặng gần 350 m2 đất cho địa phương. Từ khi có nhà văn hóa bản, trẻ em có chỗ chơi, người lớn có chỗ hội họp, các chị em tối tối tập múa xòe đông vui hẳn. Mỗi lần hội họp, ông cũng phấn chấn hẳn lên vì được ngồi trên chính mảnh đất mà mình đã đóng góp.
Ngoài hiến đất cho trường, xây nhà văn hóa bản, gia đình ông còn luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của bản. Ông là một trưởng bản luôn được bà con yêu mến, kính trọng; xứng đáng là một điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.