Người lính pháo binh cả đời làm theo lời Bác

Thứ ba, 19/05/2015 22:10

Ông Lê Công Hát, sinh năm 1931 tại thôn Hàn Mặc, xã Hưng Công, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, có vinh dự được gặp Bác Hồ 4 lần. Những gì mà ông cảm nhận được từ nhân cách của Người cha già dân tộc đã thấm sâu vào con tim, khối óc ông, theo ông suốt cuộc đời, cả trong binh nghiệp lẫn khi trở về công tác tại địa phương trong thời bình.

Ông Hát kể, năm 1951 ông tham gia Đại đội 20 của huyện Bình Lục. Tháng 9/1954 ông cùng các anh em trong đại đội được bổ sung cho Sư đoàn 349, Bộ Tư lệnh Pháo binh, đóng quân tại Trại Cờ, phố Thắng, tỉnh Bắc Giang. Tiếp đó, ông được lệnh bổ sung cho Trung đoàn 208, Bộ Tư lệnh Pháo binh ở K3, tỉnh Vĩnh Yên. Sau khi được cử đi học và tốt nghiệp khóa Sỹ quan pháo binh (khóa 4A) năm 1964, ông được cử làm Trung đội trưởng trực thuộc Trung đoàn 208. Năm 1964, đơn vị ông được cử vào Quảng Trị. Từ đây, trong suốt hơn 10 năm trời, ông đã tham gia hầu hết các chiến dịch trọng điểm và có mặt tại những nơi ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, từ Quảng Trị, Nam Lào, Mậu Thân 68, giải phóng Đà Nẵng cho đến giải phóng Sài Gòn.

Do đặc điểm thời chiến và do được cấp trên tin tưởng, tín nhiệm, trong đời binh nghiệp, ngoài trực tiếp tham gia chiến đấu, ông Hát còn được giao nhiều nhiệm vụ khác. Ông được giao nhiệm vụ tuyển quân, tuyển giáo viên, làm trọng tài và huấn luyện viên bóng rổ cho các chiến sỹ, tuyển thanh niên hỏa tuyến, tiếp nhận và giáo dục, tuyên truyền cho những người đảo ngũ, làm công tác tiếp nhận quân từ cả miền Bắc và miền Nam bổ sung, lập trạm cho đoàn cán bộ trung, cao cấp cả nước… Nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc.

Nhưng điều đáng nói nhất về người lính này là gần 100 trận đánh mà ông tham gia và chỉ huy. Trận đầu tiên diễn ra vào đêm 6/3/1967 tại Quảng Trị. Trận đánh quan trọng này được cả Trung ương chỉ đạo. Đơn vị pháo binh của ông đã tiêu diệt được 1.500 lính thủy của Mỹ, phá hủy khoảng 800 nhà bạt, kho tàng, sở chỉ huy của địch cùng rất nhiều phương tiện, vũ khí. Đơn vị và cá nhân ông đã được cấp trên biểu dương, khen thưởng. Trải qua nhiều trận đánh khác, ông đã nhận được rất nhiều phần thưởng, ghi nhận thành tích và những đóng góp của ông trong chiến đấu. Hiện trong chiếc tủ cũ kỹ của gia đình, ông vẫn lưu giữ hàng chục chiếc huân, huy chương các loại. Nhưng điều khiến ông tự hào nhất là đơn vị pháo binh do ông trực tiếp chỉ huy không có ai bị hy sinh trong chiến đấu, trừ một đồng chí bị chết đuối và một đồng chí bị bỏng do sử dụng xăng thắp đèn không đúng cách, nên bị nhiễm trùng và qua đời. Có được điều này là do nhiều lý do, trong đó có việc ông Hát đã nhanh chóng đúc rút kinh nghiệm chiến đấu và truyền đạt kịp thời cho chiến sỹ trong đơn vị. Ví dụ, ông kể, khi thấy máy bay trinh sát địch đang bay thẳng mà bay lượn vòng và nhả khói nhiều, nhất định sau đó máy bay B-52 sẽ dội bom vào khu vực trong phạm vi vòng lượn. Khi B-52 đã rải thảm một lần, hiếm khi chúng quay lại đánh tiếp. Hoặc khi hầm bị bom đánh sập, nếu có người bên trong, khi cứu ra, nhất định không được lôi người ra đột ngột mà phải lấy chăn hoặc màn, bạt quấn kín, ra đến đâu quấn kín người đến đó mới cứu được tính mạng. Cũng nhờ kinh nghiệm này mà bản thân ông đã được các chiến sỹ trong đơn vị cứu sống, sau khi hầm của ông bị bom đánh sập.

Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, ông về tham gia công tác tại địa phương. Ông làm cán bộ xã Hưng Công trong 7 năm, sau đó làm trưởng thôn Hàn Mặc trong 10 năm. Trong suốt quãng thời gian đó, ông tận tụy dành hết tâm huyết, sức lực để phục vụ nhân dân, không mảy may một chút riêng tư về mình. Cho đến bây giờ, khi gặp những người có tuổi trong thôn, trong xã, ai cũng dành những lời tốt đẹp nhất về ông. Họ đều kính trọng và coi ông là tấm gương về một đảng viên, một cán bộ gương mẫu và trung thực.

Hiện ông Hát sống cùng người vợ thứ 2 là bà Nguyễn Thị Sửu, 74 tuổi, cùng người con gái và cháu ngoại. Ông bà chỉ có một người con gái này. Người vợ đầu của ông đã không may qua đời khi đang mang thai đứa con 8 tháng tuổi. Bà Sửu cho biết, khi ông về quê, nhà ông bà vẫn là nhà mái tranh trát đất, thuộc diện khó khăn nhất, nhì xã. Hơn 17 năm làm cán bộ thôn, xã của ông, cộng với đồng lương giáo viên của bà, ông bà cũng chỉ dành dụm xây được căn nhà cấp 4 có diện tích vài chục mét vuông khá chật hẹp, là nơi ông bà đang sinh sống. Người con gái của ông bà cũng “không được khôn như người ta”, chồng lại vừa mới qua đời, nên hai mẹ con dọn về ở với ông bà hơn một năm nay. Dành dụm mãi, bây giờ ông bà mới đủ tiền để sửa sang lại chuồng lợn cho con cháu phát triển chăn nuôi. Cách đây ít năm, có người bảo ông "làm chính sách da cam" cho cô con gái, nhưng ông không đồng tình vì “con gái tôi sinh năm 1962 trước khi tôi vào Nam chiến đấu, tôi không thể làm sai sự thật được”.

Ông Hát cho biết, ông cảm thấy thoải mái với cuộc sống hiện tại của mình, không có đòi hỏi gì. Cả đời ông phấn đấu phục vụ quân đội, phục vụ nhân dân vì ông có niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Đặc biệt, bốn lần được trực tiếp gặp Bác trong những năm tháng chiến tranh đã hun đúc nên con người ông như vậy.

Ông kể, khi đơn vị ông tập luyện tại thao trường Hòa Lạc (tỉnh Hà Tây cũ) năm 1966 trước khi vào Nam chiến đấu, Bác đã đến thăm. Bác khen anh em chiến sỹ bắn giỏi dù mới luyện tập được một tuần, song Người vẫn nhắc nhở rằng, các chiến sỹ phải bắn tốt hơn nữa trên chiến trường. Các chiến sỹ bắn càng giỏi bao nhiêu thì “Bác càng được vào thăm đồng bào miền Nam sớm bấy nhiêu”. Lời dạy và cũng là mong muốn của Bác đã đi theo ông Hát suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ nhất. Để rồi ông và đơn vị đã có những trận đánh gây khiếp đảm cho quân thù, xứng đáng với lời dạy của Bác.

Ông Hát cũng xúc động kể lại những lần ông được gặp Bác khi tham gia luyện tập, chuẩn bị cho lễ diễu binh năm 1958 và 1959, sau đó là năm 1962 khi Bác về thăm Trung đoàn 208 tại Vĩnh Yên. Ông được chụp ảnh cùng Bác và nghe Bác trò chuyện. Ông cho biết, Bác là lãnh đạo cao nhất nước nhưng giản dị và gần gũi lắm. Những lời Bác nói không đao to búa lớn, nhưng là những lời gan ruột của Người, không gì hơn là quan tâm đến từng cán bộ, chiến sỹ, từ chuyện gia đình cho đến chuyện ăn ở, luyện tập, những chuyện rất nhỏ. Ông nhận thấy mong ước cháy bỏng trong Bác là sớm giành lại độc lập, thống nhất nước nhà. Và trên hết, Bác mong mỏi đất nước luôn được hòa bình, người dân sớm được ấm no, hạnh phúc.

“Bác đã dành cả đời mình cho đất nước ta, cho người dân chúng ta mà không đòi hỏi gì cho bản thân mình. Chúng tôi được gặp Bác, xúc động lắm, không biết nói thế nào cho hết. Những lời Bác dạy chính là động lực để tôi phấn đấu cả đời mình, phục vụ quân đội, phục vụ nhân dân và đất nước”, ông Hát nói./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực