Qua 4 năm thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ở tỉnh Phú Thọ đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, mô hình tốt, cách làm hay, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thực sự lan tỏa sâu rộng và đạt hiệu quả thiết thực.
* Mô hình nuôi lợn nhựa tiết kiệm
Cách đây 5 năm, gia đình chị Lê Thị Tám, khu Xuân 2, xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) còn là hộ nghèo của xã. Năm 2012, chị được Hội Phụ nữ xã cho vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn tiết kiệm nuôi lợn nhựa. Có vốn, hai vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi. Hiện gia đình chị nuôi trên 20 con lợn thịt và hàng trăm con gà. Nhờ biết tiết kiệm trong chi tiêu nên chỉ sau hơn một năm, chị đã trả được số tiền vay của Hội Phụ nữ xã, đồng thời mở rộng quy mô chuồng trại, tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi thú y để chăm sóc cho đàn vật nuôi của gia đình. Đến nay, gia đình chị Tám đã thoát khỏi diện hộ nghèo và trở thành hộ khá giả của khu Xuân 2.
Mô hình nuôi lợn nhựa tiết kiệm ở Tân Sơn đã đem lại hiệu quả rõ nét. Từ năm 2013 đến nay, Hội Phụ nữ huyện đã cho hơn 600 hội viên nghèo vay không lãi với số tiền gần 1 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm nuôi lợn nhựa và đã có trên 50% số hội viên được vay vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo nhờ sử dụng đồng vốn đúng mục đích.
Ở huyện Tân Sơn còn có xã Thu Cúc thực hiện tốt mô hình lợn nhựa tiết kiệm. Bà Hà Thị Nhàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thu Cúc cho hay: Trong ngày hội mổ lợn tiết kiệm với 21 con lợn nhựa, tất cả 20 chi hội đã tiết kiệm được gần 80 triệu đồng. Số tiền đó có thể cho các hội viên nghèo vay để họ có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
* Cách làm hay ở Đồng Bản
Hơn 80% số hộ ở khu Đồng Bản, xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) là người dân tộc Mường. Trước đây, Đồng Bản là khu dân cư nghèo, đất rộng người thưa, làm ăn khó khăn. Những năm trở lại đây, Đồng Bản đã có nhiều đổi thay. Bí thư Chi bộ khu Đồng Bản cho biết: Trước đây, đường vào Đồng Bản đi lại vất vả lắm. Người dân làm ra hạt lúa, củ khoai, nuôi được con lợn, con gà đem bán cũng khó. Địa phương xác định phải có con đường, cuộc sống mới đổi thay được. Nhưng muốn có con đường phải có tổ chức tập hợp vận động nhân dân cùng tham gia đóng góp xây dựng, và tổ chức đó không ai khác chính là Chi bộ Đồng Bản. Khu Đồng Bản đường vừa dài vừa dốc, vì vậy nếu huy động sức dân thì khoản tiền đóng góp không nhỏ. Trong cái khó đã ló cái khôn, các đảng viên trong chi bộ bàn bạc và thống nhất học theo những việc làm của Bác. Cả chi bộ đã làm theo lời Bác dạy“Hòn đá to/Hòn đá nặng/Chỉ một người/Nhắc không đặng/… Nhiều người nhấc/Nhấc lên đặng/ Hòn đá to/Hòn đá nặng/ Biết đồng sức/Biết đồng lòng/Việc gì khó/Cũng làm xong”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, nhà có điều kiện thì góp của, người khó thì góp công. Sau khi được tuyên truyền, 47 hộ dân khu Đồng Bản đã chung tay làm nên con đường bê tông quanh xóm. Nhiều nhà đã đóng góp 10 triệu đồng để làm đường.
Con đường bê tông được hoàn thành, chi bộ đã bàn bạc đưa ra các phương án lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế. Từ mô hình trồng sơn của một hộ dân cho hiệu quả kinh tế cao, chi bộ nhận thấy đây chính là cây làm giàu cho người dân trong khu. Với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” các đảng viên đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích trồng cây nguyên liệu sang trồng sơn. Sau một thời gian, cây sơn đã lên xanh, cho dòng nhựa quý. Hàng năm, mỗi héc ta sơn đã cho thu nhập trên dưới một triệu đồng/ngày. Từ kết quả này, người dân đã dần chuyển đổi diện tích cây cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây sơn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, 100% số hộ đã có nhà bê tông và ngói hóa, 100% số hộ có xe máy, phương tiện nghe nhìn và được sử dụng điện lưới quốc gia.
Chi bộ khu Đồng Bản còn tập trung chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa. Những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang… đã bị loại bỏ. Mọi người trong khu đều chấp hành hương ước, quy ước của khu dân cư; tình làng nghĩa xóm khi “tối lửa tắt đèn” đã được phát huy…
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát hiện, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những nhân tố mới có cách làm hay, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ngoài hai mô hình trên, Phú Thọ còn có hàng chục mô hình mới, cách làm hay trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác như: Mô hình "Quỹ tiết kiệm cộng đồng” của Hội Phụ nữ thành phố Việt Trì; thùng gạo nghĩa tình ở Chu Hóa, thành phố Việt Trì; nồi cháo nghĩa tình của Hội Chữ thập đỏ tỉnh… Thông qua các mô hình này, người dân đã tích cực thực hành tiết kiệm, tham gia các hoạt động cộng đồng, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh./.