(ĐCSVN) – Trong số 139 công nhân được nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2013, có hai gương mặt chúng tôi đặc biệt ấn tượng. Họ thật sự là “tài nguyên vô giá” khi liên tục tạo ra các sáng kiến, đem lại cả triệu đô la cho doanh nghiệp.
|
Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh được trao lần đầu tiên vào năm 2008 - Ảnh: SGGP |
Sống với nghề nên nghề chẳng phụ
Đó là anh Lê Hồng Dũng, sinh năm 1962, thợ lắp ráp bậc 6/6, công tác tại Xí nghiệp Xây lắp khảo sát và sửa chữa các công trình khai thác dầu khí – Liên doanh Việt - Nga. Trong 33 năm công tác, Lê Hồng Dũng đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo và đưa ra những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, khoa học đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh.
Là người say nghề, yêu lao động nên anh luôn nghĩ cách làm sao để công việc của mình nhanh hơn, tiết kiệm tiền bạc hơn mà lại đảm bảo an toàn cho anh em. Sống chết với nghề nên nghề cũng cho anh rất nhiều. Chỉ trong vòng 2 năm 2010 và 2011, anh Dũng đã có 4 sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế cả triệu đô la và tiết kiệm được nhiều ngày công lao động, rút ngắn thời gian thi công của công trình. Anh xứng đáng là nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”.
Sáng kiến thứ nhất không thể không nói đến đó là sáng kiến “Thay thế mupta bằng mặt bích cầu xoay đường ống dẫn khí MSP9-BK3”. Sáng kiến này đã giảm được công việc của 20 công nhân lao động trực tiếp trong 19 ngày tàu cẩu Hoàng Sa… với tổng chi phí tiết kiệm đạt 400.000 đô la.
Sáng kiến thứ hai là sáng kiến “sử dụng định tâm ngoài trong quá trình đấu nối ống đứng bằng phương pháp hàn trên tàu Côn Sơn”. Sáng kiến này đã góp phần rút ngắn thời gian thi công trên biển của tàu Côn Sơn và các tàu dịch vụ; rút ngắn thời gian lắp đặt trên biển; rút ngắn thời gian thuê tàu; đảm bảo tiến độ thi công cho việc ngoài biển... Sáng kiến này là sáng kiến đem lại hiệu quả kinh tế cực kỳ lớn, tổng chi phí cho một lần thực hiện lên đến 400.000 đô la.
Cùng với đó, anh Dũng còn có các sáng kiến quan trọng khác như sáng kiến “cải tiến quy trình hàn cục anode vào đường ống ngầm từ quy trình hàn đồng sang quy trình hàn điện”, sáng kiến “thay đổi thanh dạng chéo của ống đứng trên MSP và BK”. Cả hai sáng kiến đều góp phần giảm thời gian thi công, tiết kiệm vật tư, nhân công, máy móc, nguyên nhiên liệu, và điều quan trọng là từ các sáng kiến này, Xí nghiệp đã không phải chịu cảnh phụ thuộc vào nguyên liệu nhập ngoại. Ước tính chi phí tiết kiệm được của hai sáng kiến này 100.000 đô la.
Như vậy tính tổng 4 sáng kiến trên đã tiết kiệm gần 1 triệu đô la cho Xí nghiệp Xây lắp khảo sát và sửa chữa các công trình khai thác dầu khí.
Với những thành tích đã đạt được, anh đã dành được nhiều phần thưởng cao quý của các cấp, các ngành. Điển hình như Huy chương Đồng hội thi tay nghề giỏi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia năm 2009; danh hiệu chiến sĩ thi đua và bằng khen của Bộ Công Thương; bằng khen của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt năm 2013 này, anh đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh.
17 năm công tác được nhận 18 bằng khen, giấy khen, giải thưởng
Năm 1996, Đào Tiến Tuấn, sinh năm 1972 chính thức trở thành công nhân Xí nghiệp hầm, Công ty Sông Đà 5 Yaly, Gia Lai. Theo các đồng nghiệp của anh Tuấn, điểm nổi bật ở người thợ sửa chữa ô tô bậc 5/7 này là luôn chấp hành và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, trong công tác thường xuyên học hỏi, đúc kết kinh nghiệm và trau dồi nghiệm vụ. Công việc của người thợ vốn nhiều khó khăn, vất vả, đi hết vùng rừng nọ đến vùng núi kia nhưng anh Tuấn chưa bao giờ kêu ca, phàn nàn và có ý định “hết yêu nghề, từ bỏ nghề”.
Không chỉ sửa chữa ôtô, anh Tuấn còn tham gia nhiều công việc khó và phức tạp như tháo lắp cần trục tháp, lắp băng tải đập vòm, gia công ống áp lực… Với anh, người công nhân kỹ thuật giỏi một nghề, nhưng phải biết nhiều nghề. Qua việc “biết nhiều nghề” của mình, anh Tuấn đã có những sáng kiến mang lại lợi ích to lớn cho đơn vị.
Điển hình như năm 1996, trên công trình thủy điện Tuyên Quang, với trách nhiệm là tổ trưởng phụ trách việc gia công tấm đồng Omega, anh Tuấn đã có sáng kiến làm các bộ giá đỡ cho tấm đồng Omega không bị gấp hỏng. Sáng kiến này đã nâng năng suất lao động lên 15 lần so với gò uốn thủ công, đảm bảo được tiến độ đổ bêtông đập bản mặt cho công trình. Sáng kiến đã được các chuyên gia đánh giá cao, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật khắt khe và đảm bảo tiến độ đổ bê tông của công trình.
Đặc biệt, tại các công trình thủy điện Sơn La và Lai Châu, là người được giao lãnh đạo nhiệm vụ chỉ huy việc lắp đặt băng tải. Anh cùng đồng nghiệp đã sáng tạo trong lắp đặt băng tải Nippon Conveyer (công nghệ Nhật Bản) để đưa một khối lượng bêtông hàng triệu mét khối để đắp đập bằng cách cho lắp trụ tạm, đồng thời dùng 2 cần cẩu loại 60 tấn để lắp một số thiết bị siêu trọng đã được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá rất cao. Thành công này đã giúp công trình thủy điện Sơn La vượt tiến độ, góp phần không nhỏ cho việc chống lũ thắng lợi mà còn giúp cho việc hoàn thành xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La trước hai năm, làm lợi cho đất nước hàng tỷ đồng... Từ các công trình này, Xí nghiệp của anh đã được Công ty thưởng 1 tỉ đồng, riêng đội anh được thưởng 270 triệu đồng.
Không chỉ giỏi trong công việc, anh Đào Tiến Tuấn còn được đánh giá cao vì tinh thần chủ động chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp, đào tạo, kèm cặp, dìu dắt nhiều công nhân mới trở thành công nhân hoàn toàn chủ động, làm việc độc lập, thành các tổ trưởng sản xuất, thành các trưởng ca xuất sắc. Đến nay, anh đã bồi dưỡng cho gần 30 công nhân lao động với những lĩnh vực kỹ thuật khác nhau.
Ngoài công tác chuyên môn, anh Tuấn còn là một “thủ lĩnh” công đoàn xuất sắc. Với cương vị là Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp, bản thân anh luôn quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động, tuyệt đối không để xảy ra vụ việc mất an toàn lao động trong sản xuất. Cùng với đó, anh luôn quan tâm đến đời sống và vật chất của người lao động trong đơn vị. Thường xuyên phối hợp với Ban Tổ chức và Đoàn Thanh niên kiểm tra bếp ăn tập thể, đôn đốc, nhắc nhở các bếp chấp hành quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người lao động...
Với những thành tích đạt được qua công tác, vào dịp 30/4/2003 anh đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đặc biệt, qua 17 năm công tác từ Gia Lai, Hòa Bình, Tuyên Quang đến Sơn La, Lai Châu..., anh Đào Tiến Tuấn đã vinh dự được nhận 18 bằng khen, giấy khen, giải thưởng các loại, trong đó có Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng năm 2013, Bằng khen của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng năm 2012, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tặng năm 2011... Trong đó, việc được nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2013 là một vinh dự lớn lao đối với anh./.