Những người nông dân tạo bạc tỷ từ hai bàn tay trắng

Thứ sáu, 24/10/2014 17:20

(ĐCSVN) - Những tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tạo bạc tỷ từ hai bàn tay trắng và giúp đỡ những người xung quanh cùng làm giàu mà chúng tôi được gặp và nghe họ trò chuyện tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang diễn ra mới đây thật sự là những tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo gương Bác từ những công việc cụ thể, hằng ngày.

* Người nông dân không thể không nói đến là ông Trần Văn Hành, dân tộc Sán Dìu, thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn. Ông không chỉ làm cả hội trường thán phục khi chia sẻ về cách “bắt” cây vải thiều ra quả bằng thân mà còn được ủng hộ bằng những tràng pháo tay không ngớt của những người có mặt tại Đại hội. Ông cũng làm cho đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không thể không nhắc đến khi nói về những người nông dân biết vượt lên trên hoàn cảnh, làm giàu cho mình và đẹp cho xã hội.

 

 Ông Trần Văn Hành (áo đỏ) nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại
Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: TH).


Nói về thành tích của mình, ông Hành khiêm tốn cho biết: Trước đây gia đình ông cũng như 80 hộ ở thôn Chão Cũ bị đói nghèo bủa vây. Mọi người suy nghĩ, trăn trở nhiều nhưng vẫn chưa tìm ra được cách nào để thoát nghèo. Đang loay hoay đi tìm hướng đi thì ông được tham gia đợt tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế hộ ở trong và ngoài tỉnh do huyện tổ chức. Đi học về, ông Hành quyết định nhận khoán 2 ha đất trồng vải thiều và nhãn. Ban đầu, ông chỉ dám trồng 60 cây vải thiều, nhưng qua tìm hiểu thêm, thấy cây vải phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu ở Lục Ngạn, năm 2002, ông mở rộng trồng 1,7ha vải thiều và 0,3ha nhãn. Lúc này, ông cũng vay được Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện được 15 triệu đồng để đầu tư mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc.

Ông Hành chia sẻ: “Những năm đầu, do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, nên năng suất, chất lượng quả vải thấp, vì thế việc tiêu thụ cũng gặp khó khăn. Nhận thấy phải có kiến thức, kinh nghiệm, tôi đã mua thêm sách hướng dẫn kỹ thuật trồng vải để nghiên cứu, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm của những người đi trước, từ đó đúc rút kinh nghiệm đã giúp tôi có kỹ thuật để áp dụng vào việc trồng và chăm sóc cây vải. Năm 2006, nhờ áp dụng kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, năng suất cây vải thiều đã cao hơn, chất lượng, màu sắc quả vải cũng vượt trội so với cách chăm sóc truyền thống, do đó việc tiêu thụ sản phẩm cũng được thuận lợi hơn, giá trị cũng cao hơn so với các hộ trong thôn”.

Nói về thành công này, ông Hành cho biết, qua tìm hiểu quá trình sinh trưởng và phát triển của cây vải thiều, ông phát hiện ra rằng, nếu để ra quả trên thân cây sẽ cho quả vải to đẹp, chất lượng và bán được giá cao. Nhờ phát hiện này mà năm 2012, ông được giải Nhì cấp tỉnh sáng tạo kỹ thuật nhà nông. Hiện, ông Trần Văn Hành đã thực hiện thành công phương pháp cho vải thiều ra quả trên thân cây, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cách làm truyền thống…

Với cách làm đó, từ năm 2009 đến năm 2014, gia đình ông luôn có thu nhập ổn định từ cây vải. Mỗi năm trừ chi phí, vườn vải của ông Hành cũng cho lãi từ 450 - 500 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập quan trọng để giúp gia đình ông thoát nghèo và thanh toán hết các khoản nợ ngân hàng. Cũng từ nguồn thu nhập này, đã giúp ông Hành học 5 năm tại chức trường Đại học Thái Nguyên và nuôi 2 con ăn học đại học và trung cấp. Gia đình ông cũng đã xây được nhà kiên cố, mua sắm nhiều đồ dùng, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, giúp đỡ chòm xóm, anh em họ hàng phát triển kinh tế.

Không chỉ làm kinh tế giỏi cho gia đình, với tư cách là Chủ tịch Hội Nông dân xã, Chủ nhiệm câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông xã Giáp Sơn, ông thường xuyên tuyên truyền, vận động và trực tiếp hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây vải thiều và các cây ăn quả khác cho các hộ gia đình ở thôn, xã. Đến nay, không những các gia đình trong thôn mà toàn xã đã chăm sóc cây vải thiểu theo tiêu chuẩn Viet Gap. Từ đó, các hộ gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ đã xây được nhà, mua được ti vi, tủ lạnh. Số hộ nghèo đã giảm từ 54% năm 2009 xuống còn 13,7% năm 2013.

Với những thành tích ấy, ông Trần Văn Hành đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, Hội Nông dân Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong phong trào làm kinh tế giỏi và công tác xây dựng tổ chức Hội. Ông cũng là một hội viên tiêu biểu của Hội Nông dân xã Giáp Sơn trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang, ông vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

*
Ông Hoàng Văn Hoan, dân tộc Nùng, thôn Cánh Phượng, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang là người đã được nhận nhiều bằng khen, thấy khen của các cấp, các ngành vì những thành tich xuất sắc trong sản xuất kinh doanh và giúp đỡ mọi người bền bỉ trong nhiều năm liền. Điển hình như năm 2013, ông được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vì có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; năm 2014 được nhận giấy khen của Ủy ban Dân tộc vì có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển dân tộc thiểu số giai đoạn 2009 – 2014.

 

 Ông Hoàng Văn Hoan trò chuyện cùng Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ
Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại Đại hội đại biểu các dân tộc
thiểu số tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: TH)


Chia sẻ tại Đại hội, ông cho biết, trước hoàn cảnh kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, ông luôn trăn trở, suy nghĩ rất nhiều để làm sao phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương mình. Sau khi đi tìm hiểu và tham khảo một số mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài huyện, vợ chồng ông đã bàn bạc quyết định lựa chọn mô hình sản xuất vườn, ao, chuồng, trong đó chăn nuôi lợn là chủ đạo. Năm 2000, khi có một chút vốn, ông mạnh dạn vay 5 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đầu tư mua lợn giống.

Dần dần, ông nhận thấy hiệu quả của việc chăn nuôi lợn, ông đã mạnh dạn vay ngân hàng 70 triệu đồng đầu tư mở rộng chuồng trại. Trong quá trình này, ông nhận thấy, để chăn nuôi thành công cần tích cực học hỏi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn con giống tốt. Đặc biệt cần kịp thời nắm bắt thông tin thị trường, liên kết chặt chẽ “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, trong chuồng trại của gia đình ông thường duy trì 100 lợn nái, hơn 1.000 lợn thịt, ước tính thu lãi 400 - 500 triệu đồng/năm.

Từ kinh nghiệm phát triển của mình, theo ông Hoan, đồng bào dân tộc muốn vươn lên thoát nghèo không chỉ có ý chí tự lực tự cường mà còn phải nhờ vào nhiều chính sách phù hợp của Đảng và Nhà nước như sự quan tâm, động viên của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, cung ứng con giống…Ông Hoan mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ nông dân như: Cho vay vốn ưu đãi, trợ giá con giống chất lượng, bảo hiểm và nâng mức hỗ trợ rủi ro trong chăn nuôi…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực