Những nữ công nhân giỏi góp sức xây dựng Thủ đô

Thứ bảy, 30/05/2015 18:09

(ĐCSVN)Những sáng tạo, những việc làm của các nữ “Công nhân giỏi Thủ đô” không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn cổ vũ người lao động tích cực sản xuất, có nhiều sáng kiến để nâng cao đời sống, đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

Tốt nghiệp Trung học phổ thông, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Nguyễn Thị Thu Huyền không có điều kiện để học tiếp. Tháng 4/2007, chị được tuyển dụng làm công nhân tại xưởng lắp ráp máy in Công ty TNHH Canon Việt Nam.

Nhớ lại những ngày đầu khi mới được nhận vào Công ty, cô gái quê hương Kinh Bắc cho biết, lúc đó hoàn toàn chưa có khái niệm về môi trường làm việc công nghiệp, làm thế nào để sản xuất ra một chiếc máy in và luôn tự hỏi không biết mình có thể làm được công việc này hay không.

Trải qua 8 năm làm việc, được hướng dẫn, đào tạo cộng với tinh thần không ngừng nỗ lực học hỏi, Huyền đã trải qua 5 kỳ thi gồm 3 kỳ thi lý thuyết và 2 kỳ thi thực hành để trở thành nghệ nhân ngành lắp ráp máy in laser của Tập đoàn Canon.

“Ở kỳ thi lý thuyết, tôi đã phải nhớ trên 100 tên linh kiện lớn nhỏ, nhớ từng vị trí lắp ráp. Còn trong phần thi thực hành, tôi đã lắp hoàn chỉnh một máy in với tất cả 50 công đoạn, đạt mức thời gian tiêu chuẩn đồng thời phải đảm bảo mọi tiêu chí về chất lượng. Dù việc làm này không hề dễ dàng nhưng tôi đã vượt qua và quan trọng hơn tôi thấy vô cùng phấn khởi khi khẳng định khả năng của người công nhân Việt Nam ở một tập đoàn lớn với 195 nghìn cán bộ, công nhân lao động làm việc ở 257 nhà máy trên toàn thế giới”, nữ công nhân Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ.

Gặt hái được thành công nhưng chị Huyền vẫn muốn Liên đoàn lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức Hội thi thợ giỏi để người lao động có thêm cơ hội được giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao tay nghề, đóng góp cho sự phát triển của công ty cũng như của Thủ đô và đất nước.

 

Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội trao Bằng khen cho các “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2015 - Ảnh: Minh Châu


Ngoài ra, “thành phố cũng nên tổ chức các lớp đào tạo cho người lao động trước khi vào làm việc tại các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI để chúng tôi có thể nhanh chóng bắt nhịp được với môi trường làm việc quốc tế”, công nhân giỏi Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ nguyện vọng.

Giống như nữ công nhân Nguyễn Thị Thu Huyền, chị Nguyễn Thị Hiền bước chân vào làm việc tại Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đầy bỡ ngỡ. “Dù sinh ra trong một gia đình công nhân lao động nhưng khi được giao việc tôi nghĩ đó là công việc quá nặng nhọc mà chỉ nam giới mới có thể cáng đáng được”, chị Hiền nói.

Hình dung ra cảnh phải ngâm mình dưới lòng sông ngập đầy bùn rác, phế thải trong điều kiện thời tiết khi thì nắng nóng, khi lại rét căm căm, lúc ngoài trời đang mưa to gió lớn, bao gia đình đang quây quần bên nhau mà vì nhiệm vụ vẫn phải đến vị trí ứng trực để kịp thời xử lý sự cố không quản đêm hôm, chị không khỏi lo lắng. Nhưng cảm giác ấy nhanh chóng qua đi để rồi, chị Hiền đã gắn bó với công việc nạo vét bùn trên các sông, mương của Thủ đô tới gần… 30 năm.

“Tiếp xúc thường xuyên với môi trường khắc nghiệt, ô nhiễm nhưng tôi tự hào bởi những người lao động như chúng tôi góp phần làm cho Thủ đô thêm đẹp đẽ, trong lành”, chị Hiền nói.

Từ thực tiễn lao động sản xuất cộng với sự nhanh nhạy sẵn có, chị còn có nhiều sáng kiến để công việc bớt đi phần nặng nhọc. Niềm vui được nhân lên khi những cải tiến, sáng tạo của người nữ công nhân này được đồng nghiệp trong công ty ghi nhận, làm theo.

“Thấy xô múc bùn từ nguyên liệu tôn đen nhanh hoen gỉ, cầm lại nặng tay, tôi quyết định chuyển sang sử dụng xô làm bằng tôn tráng kẽm, nhẹ và trơn, đổ bùn nhanh hơn, thời gian sử dụng cũng lâu và bền hơn. Lúc đi làm bằng xe đạp qua cầu Long Biên, tôi thấy độ dốc cao bằng nhau mà bên có chiều dài hơn thì đạp xe đỡ bị dồn sức, do đó tôi đề xuất làm cầu đổ bùn vào thùng chứa dài, rộng hơn so với cầu cũ. Việc đẩy xe bùn lên cầu vì thế mà cũng nhẹ hơn và an toàn hơn”, chị Hiền kể về những sáng kiến của mình và thấy vô cùng phấn khởi bởi những sáng kiến tuy nhỏ về giá trị kinh tế nhưng đã giảm bớt được phần nào sức lao động của người công nhân và tiết kiệm được chi phí cho Công ty để mua dụng cụ sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền và Nguyễn Thị Hiền là hai trong số 125 “Công nhân giỏi Thủ đô” vừa được biểu dương nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Bác Hồ vừa qua.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Đặng Minh Thuần, phong trào thi đua phấn đấu trở thành “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” do LĐLĐ thành phố khởi xướng và phát động đã trở thành phong trào thi đua tiêu biểu nhất, được đông đảo công nhân lao động hưởng ứng.
Điểm nhấn của các phong trào này là chuyển trọng tâm thi đua khen thưởng về cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất. Nếu như ngày đầu, số doanh nghiệp hưởng ứng và công nhân lao động được công nhận danh hiệu chủ yếu tập trung ở doanh nghiệp nhà nước, công ty có vốn nhà nước chi phối, thì hiện nay số công nhân lao động đạt danh hiệu lại tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp FDI.

“Bên cạnh việc làm lợi trên 521 tỷ đồng, những sáng kiến, sáng tạo, những việc làm của các anh chị công nhân đã góp phần giúp doanh nghiệp phát huy nội lực, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh thời kỳ hội nhập đồng thời cổ vũ người lao động tích cực sản xuất, có nhiều sáng kiến, sáng tạo để nâng cao đời sống, đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô và đất nước”, đồng chí Đặng Minh Thuần khẳng định./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực