Ninh Bình gắn phong trào thi đua yêu nước với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Thứ năm, 25/12/2014 15:49 (GMT+7)
Tại hội nghị phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2015 diễn ra ngày 25/12, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước, xác định rõ chủ đề, nội dung và biện pháp tổ chức phong trào thi đua, gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Tỉnh đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và người đứng đầu trong việc tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua khen thưởng. Đồng thời, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, thực hiện thành công kế hoạch xây dựng thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số xã nông thôn mới trên địa bàn lên 31 xã vào cuối năm 2015.
Cùng với đó, tiến hành tổ chức hội nghị điển hình các cấp và Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Ninh Bình lần thứ IV với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, thiết thực, đảm bảo tính hiệu quả và tiết kiệm nhằm tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, qua đó tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân.
Năm 2015, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở mức 8,5%; thu nhập bình quân đạt 42 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 3.219 tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến cho biết, thời gian tới, địa phương tập trung phát triển kinh tế theo hướng chú trọng chất lượng, hiệu quả của tăng trưởng; giảm thiểu chi phí trung gian để nâng cao tỷ trọng giá trị tăng thêm trong giá trị sản xuất nhất là đối với các dự án sản xuất mới. Cơ quan chức năng cùng các cấp chính quyền cơ sở cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và thân thiện với môi trường để tạo giá trị sản phẩm cao, tạo nguồn thu lớn.
Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả các giải pháp chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trọng tâm là các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, đất đai, thuế; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, chính sách cho phù hợp với thực tế địa phương; phát huy vai trò của Ban Phát triển kinh tế công nghiệp, Trung tâm xúc tiến đầu tư đặc biệt trong lĩnh vực thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp có tiềm năng, thế mạnh giúp tỉnh phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sạch./.