Quảng An (Hà Nội) luôn ghi nhớ lời dạy của Bác

Thứ hai, 31/08/2015 16:09

Nằm bên bờ hồ Tây mênh mang sóng nước, phường Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) được biết tới là một địa danh đẹp, thơ mộng, giàu truyền thống văn hóa. Nơi này cũng vinh dự hai lần được đón Bác đến thăm và căn dặn nhân dân giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe. Hơn 50 năm qua, người dân Quảng An vẫn ghi nhớ lời Bác dạy, xây dựng phường Quảng An là phường văn hóa, phường văn minh đô thị tiêu biểu của thủ đô.

Lần đầu tiên, Quảng An được đón Bác đến thăm là ngày 14/8/1962. Khi đó Bác từ khu cán bộ Trung ương tại Quảng An ghé thăm nhà ông Đàm Viết Huấn, chủ nhiệm Hợp tác xã Toàn Thắng và các cháu lớp mẫu giáo tại đền Tây Hồ. Tại nhà ông Đàm Viết Huấn, Bác hỏi thăm tình hình sản xuất, công điểm của hợp tác xã. Sau đó, Bác tiếp tục đến thăm lớp mẫu giáo.

Bà Nguyễn Thị Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp mẫu giáo thời đó nhớ lại: "Lúc ấy khoảng 8 giờ 30 sáng, khi cô giáo cho các cháu tập thể dục xong thì có hai anh bảo vệ đến nói với cô giáo cho các cháu vào lớp, có Bác Hồ đến thăm. Khi các cháu được đưa vào lớp, ngồi ổn định thì Bác Hồ đến. Bác giơ tay chào các cháu, còn các cháu đứng lên chào: “Chúng cháu chào Bác Hồ ạ”. Bác hỏi cô giáo, các cháu học ở đây là con em của ai? lớp có bao nhiêu cháu? và hỏi các cháu có biết hát không? Cô giáo trả lời Bác và bắt nhịp cho cô giáo hát bài Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh. Các cháu hát xong Bác Hồ khen hay và chia kẹo cho các cháu". Nhưng tình tiết xúc động nhất đối với cô giáo Nguyễn Thị Vân là khi Bác nhìn thấy một cháu gái tên là Phúc bị đau mắt hột, Bác bác lo lắng, hỏi thăm kỹ lưỡng, tìm hiểu nguyên nhân. Bác dặn cô Vân: “Hàng ngày cô giáo rửa mắt cho cháu bằng nước muối và tra thuốc cho cháu”. Cô Vân nghe lời Bác dặn, làm theo và gần một tháng sau mắt cháu Phúc khỏi. Bác cũng cử cán bộ y tế về Quảng An chữa trị cho nhân dân khỏi bệnh đau mắt hột bởi thời điểm đó rất nhiều người bị mắc bệnh này.

Lần thứ hai Bác đến thăm nhân dân phường Quảng An vào ngày 29/9/1962. Kể chuyện với khách, ông Nguyễn Ngọc Bích, tổ 7, phường Quảng An vẫn ngập tràn cảm xúc khi nhớ lại hôm đón Bác đến thăm. Khi đó ông là Phó Chủ tịch UBND xã Quảng An, huyện Từ Liêm (sau này là phường Quảng An, quận Tây Hồ) đồng thời là Trưởng Ban công an xã, có nhiệm vụ bảo vệ khi Bác đến thăm. Đưa khách đi thăm những địa điểm ghi lại dấu ấn của Bác khi Người đến thăm Quảng An, trong đó có Đình Quảng Bá, ông Nguyễn Ngọc Bích cho biết: Hôm đó, xã Quảng An làm lễ phát động phong trào gìn giữ vệ sinh thôn xóm tại đình Quảng Bá thì Bác đến thăm. Khi Bác đến thấy chỉ có các đại biểu có ghế ngồi, còn các bậc bô lão lại đứng vì không có ghế, Bác nhắc nhở Ban tổ chức phải đưa ghế ra cho các cụ ngồi khỏi mỏi. Trong lễ phát động, người căn dặn nhân dân giữ gìn vệ sinh, ăn ở sạch sẽ. Bác nói: “Con người là vốn quý nhất của xã hội, sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Vệ là bảo vệ, sinh là sinh sống, con người muốn mạnh khỏe, sống lâu để lao động sản xuất tốt thì phải ăn, ở có vệ sinh. Muốn có vệ sinh phải có nước sạch, muốn có nước sạch phải đào giếng, đào nhiều giếng sẽ có nhiều nước sạch”. Ông Nguyễn Ngọc Bích còn kể rằng, Bác còn đưa một bài báo đã cắt sẵn nói về việc người dân ở một tỉnh nọ đào giếng lấy nước sạch, đưa cho đồng chí chủ tịch xã đọc cho bà con nghe. Đồng chí chủ tịch xã đọc nhưng do xúc động quá, đồng chí rất run, thỉnh thoảng đọc sai, Bác nhắc đọc lại. Ngay hôm phát động nhân dân Quảng An giữ gìn vệ sinh, Bác tặng Quảng An tiền lương của Bác để đào một giếng nước sạch tại làng Quảng Khánh, thôn Tây Hồ. Từ đó, người dân Quảng An thi đua đào giếng nước sạch để sinh hoạt thay cho việc sử dụng nước hồ như trước đó, cuộc sống ngày càng đảm bảo vệ sinh.

Nhớ lời Bác dặn, Quảng An luôn chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của bà con, trở thành điểm sáng của quận Tây Hồ trong phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa. Theo ông Nguyễn Mạnh Trường, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An, về phát triển kinh tế, phường quan tâm đến hệ thống chiếu sáng, bê tông hóa đường nội bộ, xây dựng đồng bộ các công trình y tế, trường học. Đời sống dân sinh được nâng cao, toàn phường không còn hộ nghèo, các hộ chính sách được chăm lo thường xuyên. Hiện, toàn phường có 800 nhà cho người nước ngoài thuê, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân. Tháng 10 năm 2013, Quảng An trở thành phường đầu tiên của quận Tây Hồ và của cả thành phố Hà Nội đạt tiêu chí phường văn hóa và hiện đang xây dựng để đến năm 2017 trở thành phường văn minh đô thị theo tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Trong quá trình triển khai xây dựng phường văn hóa, phường có ký kết với các gia đình xây dựng gia đình văn hóa, trong đó lồng ghép các nội dung như vệ sinh môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình… Đời sống tinh thần người dân được coi trọng, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư.

Ông Nguyễn Mạnh Trường cũng cho biết: Trong những năm qua, phường Quảng An đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, quán triệt cho cán bộ, đảng viên nghiêm túc thực hiện và vận động nhân dân hưởng ứng noi theo. Đặc biệt, phường luôn quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, chăm lo điều kiện sống và sức khỏe nhân dân. Đó cũng là một trong những hành động thiết thực để bày tỏ tình cảm đối với Bác Hồ, làm theo lời căn dặn năm xưa của Bác với người dân Quảng An./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực