Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03- CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và đồng bào các dân tộc trong tỉnh Tuyên Quang đã có chuyển biến rõ rệt, nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về những giá trị to lớn của tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Bác.
Trên các lĩnh vực, trong mọi công việc và ngay cả sinh hoạt hằng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân ở tỉnh Tuyên Quang – Thủ đô kháng chiến luôn gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Về xã Thượng Giáp, huyện Na Hang (Tuyên Quang), chúng tôi được nghe kể nhiều về việc thầy giáo nghèo Nguyễn Văn Phong hiến đất xây trường. Thầy Nguyễn Văn Phong, sinh năm 1974 tại thôn Bản Cưởm, xã Thượng Giáp. Năm 2000, sau khi học xong Trung cấp sư phạm, khoa tiểu học tại trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang, thầy Phong được UBND huyện Na Hang ký hợp đồng là giáo viên dạy học mầm non tại trường phổ thông cơ sở xã Thượng Giáp (khi đó gồm cả 3 hệ học mầm non, tiểu học và THCS).
Thực hiện Nghị quyết số 36/NQ/TU ngày 17/6/2012, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo xã Thượng Giáp đã rất nhiều lần cử cán bộ đi khảo sát, tìm đất để xây dựng điểm trường mầm non ở thôn Bản Cưởm nhưng đều bế tắc, do quỹ đất dự phòng không có. Đất đồi thì không thiếu nhưng để bạt núi, hạ ta luy xây dựng lớp… thì phải có nguồn kinh phí rất lớn, không thể thực hiện được.
Trước những khó khăn của địa phương, mặc dù là hộ nghèo, tổng diện tích đất canh tác của gia đình chỉ có hơn 2.000 m2, nhưng thấu hiểu nỗi khổ khi phải dạy và học trong những ngôi nhà tạm, nhà văn hóa của thôn…, thầy Phong đã bàn với gia đình hiến tặng phần đất ruộng có diện tích 350 m2 vẫn được gia đình sử dụng canh tác lúa hàng năm để xây dựng điểm trường lớp học mầm non thôn bản. Nhờ vậy, đến nay điểm trường mầm non thôn Bản Cưởm đã được xây dựng khá khang trang, các phụ huynh hàng ngày không còn phải lo chỗ ăn học cho con em. Đây không phải là lần đầu tiên thầy giáo Phong hiến đất xây trường, trước đó năm 2000, khi thôn Bản Cưởm cần đất để xây dựng nhà văn hóa, gia đình thầy cũng đã hiến 100 m2 để xây dựng nhà văn hóa.
Đến xã Mỹ Bằng, một xã ATK (an toàn khu) của tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi thấy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã khá cụ thể thiết thực. Điển hình như việc làm đường bê tông nông thôn, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống và vận chuyển đến thôn, bản; chính quyền cơ sở và các thôn, bản, tổ, xóm tự giải phóng mặt bằng; nhân dân tự nguyện đóng góp vật liệu, công lao động, đến nay, xã đã làm được hơn 100 km đường bê tông nông thôn và là xã đầu tiên trong tỉnh Tuyên Quang đạt 100% tuyến đường nông thôn được bê tông hóa.
Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Cây Quýt 2, xã Mỹ Bằng Phạm Văn Đức, phấn khởi cho biết: Khi triển khai chủ trương làm đường bê tông, mọi người trong thôn đều nhất trí rất cao. Trong quá trình làm đường, những hộ có máy cày không tính toán thiệt hơn còn đem ra sử dụng làm máy trộn xi măng, qua đó, giảm tối đa chi phí làm đường, chi phí đóng góp của nhân dân…
Thôn có 116 hộ, trong đó, 14 hộ nghèo nhưng tất cả các hộ nghèo không hộ nào yêu cầu mức đóng góp thấp hơn để làm đường bê tông mà đề nghị được đóng góp tiền mặt, ngày công tương đương với các hộ khác trong thôn. Đến nay, thôn đã làm được 8,6 km đường nông thôn trong đó có 1,5 km đường phục vụ sản xuất kéo dài từ khu vực đồi chè ra đến đồng ruộng, với tổng số tiền đóng góp của nhân dân gần 260 triệu đồng, bình quân mức đóng góp là 600 nghìn đồng/người.
Trong những năm qua, trên quê hương Thủ đô kháng chiến đã xuất hiện rất nhiều tập thể và cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011-2013, tỉnh Tuyên Quang đã biểu dương 56 tập thể, 52 cá nhân tiêu biểu. Đó là những cán bộ, đảng viên gương mẫu, là những người lao động sản xuất, những công dân hết mình với công việc của thôn xóm, làng bản…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hữu Hoan, cho biết: Ðể việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, Tuyên Quang luôn coi trọng việc xây dựng và nhân rộng các điển hình. Việc xây dựng các điển hình được gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 03, trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thực sự trở thành một nội dung trong sinh hoạt định kỳ, thường xuyên của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan, đơn vị. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo đăng ký việc cụ thể làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tập trung tuyên truyền những tập thể, cá nhân điển hình tiến tiến nhân rộng ra toàn tỉnh... Qua đó, huy động sức mạnh toàn dân thực thành công những mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt trên 14%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 1.300 USD/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới bình quân 3 - 4%/năm; hằng năm trên 70% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh; trên 90% đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ... ./.