Nhìn ông Nguyễn Văn Khải ( tên thường gọi là Sáu Khải) đi trên đường hay làm việc hăng say trong vườn nhà, ít ai nghĩ ông đã 64 tuổi, lại là thương binh hạng 2 với mức độ thương tật lên đến 61%.
Ông Nguyễn Văn Khải sinh năm 1950, hiện ngụ tại ấp 2, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). Gia đình ông có truyền thống cách mạng. Bản thân ông tham gia cách mạng từ năm 1966, khi mới 16 tuổi. Năm 1969, khi đang công tác ở đội dân y huyện Cai Lậy, ông Khải đã bị thương trong một trận đánh ác liệt trên địa bàn rạch Ông Khậm, ấp 2, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy và sau đó phải trải qua 4 lần phẫu thuật. Năm 1974, với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và công tác, ông Khải được kết nạp Đảng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Nguyễn Văn Khải trải qua nhiều cương vị công tác tại các đơn vị: Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, bệnh viện Đa khoa huyện Cai Lậy, phòng Văn hóa thông tin huyện Cai Lậy, Đảng ủy xã Cẩm Sơn. Ông nghỉ hưu vào năm 1998. Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Cẩm Sơn.
Nói về ông Nguyễn Văn Khải, nhiều người bày tỏ sự cảm mến, kính phục nghị lực của ông bởi những nỗ lực vươn trong cuộc sống cũng như tấm lòng vì cộng đồng. Những năm đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cuộc sống gia đình ông Khải gặp nhiều khó khăn. Khu vườn rộng 1,3 ha của gia đình ông bỏ hoang nhiều năm trời, cây cối và dây leo, cỏ dại mọc chằng chịt, rậm rạp, hoa lợi thu được không đáng kể. Ông Khải cùng gia đình quyết tâm khai hoang, phục hóa, đào mương, đổ đất trồng cây ăn quả . Ban đầu gia đình ông trồng các loại cây: cam, mít, chuối.. nhưng hiệu quả đạt được không cao. Gần đây, được sự trợ giúp và hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, được tham gia tập huấn, giới thiệu những mô hình sản xuất cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, ông Khải đã mạnh dạn cải tạo 1,3 ha vườn tạp trồng chuyên canh sầu riêng, giống RI6 chất lượng cao.
Để xây dựng vườn quả chuyên canh đặc sản, ông Khải đã đầu tư tiền của, công sức để trồng, chăm sóc vườn sầu riêng RI6. Với 1,3 ha đất vườn, ông trồng 150 gốc sầu riêng RI6. Hiện nay, có 50 gốc sầu riêng đã đạt 6 năm tuổi, đang cho quả ổn định. 100 gốc còn lại mới 4 năm tuổi, dự kiến trong các tháng tới bắt đầu cho quả bói. Nói về giá trị kinh tế của giống sầu riêng RI6, ông Nguyễn Văn Khải cho biết: Mỗi năm, với 50 gốc sầu riêng đang cho thu hoạch ổn định, ông thu được trên 100 triệu đồng. Những năm tới, khi toàn bộ khu vườn đều cho thu hoạch ổn định, thu nhập chắc chắn tăng lên gấp ba lần. Với thu nhập như trên ông Nguyễn Văn Khải đã được công nhận nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu nhiều năm liền của địa phương.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, nêu tấm gương sáng của anh bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế, ông Khải còn là người hết lòng vì cộng đồng thông qua những việc làm nhiều ý nghĩa như: Chăm sóc người cao tuổi, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hiến đất làm đường giao thông, chung tay xây dựng nông thôn mới...
Quê ông Khải vốn là căn cứ kháng chiến thời chống Mỹ cứu nước, bom đạn địch tàn phá nặng nề, cơ sở hạ tầng giao thông bị hủy hoại nghiêm trọng. Hưởng ứng chủ trương của Nhà nước về hiến đất, góp công, góp của làm đường, bắc cầu, làm kênh mương thủy lợi nội đồng...ông Nguyễn Văn Khải đã hiến thửa đất có bề dài 100 m, bề rộng 10 m cặp theo bờ bắc kênh Ông Khậm để làm đường giao thông nông thôn, phục vụ đi lại của người dân trong xóm ấp. Tổng diện tích đất mà gia đình ông Khải đã hiến lên đến 1.000 m2 ( một công đất).
Bên cạnh đó, trên cương vị Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Cẩm Sơn, ông Khải thường xuyên đến thăm hỏi động viên từng hoàn cảnh khó khăn, thông qua nhiều kênh thông tin, tuyên truyền, vận động góp quỹ hỗ trợ bà con, đồng đội cũ vượt qua khó khăn.
Ông Khải cho biết: Do Cẩm Sơn là vùng căn cứ kháng chiến, bị địch liệt vào vùng “tự do oanh kích” nên trong chiến tranh, ngoài bom đạn, một lượng lớn chất độc da cam/dioxin đã được địch sử dụng tại đây. Nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất đọc da cam do vậy rất đông và đa phần đều có cuộc sống hết sức khó khăn. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Cẩm Sơn hiện có 97 hội viên. Hàng năm, với cương vị Chủ tịch Hội, ông Khải thường xuyên đi vận động, quyên góp tiền, quà ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, tìm nguồn kinh phí giải quyết khó khăn về nhà ở...Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Cẩm Sơn đã vận động được 100 suất quà, xây hai căn nhà tình thương tặng các đối tượng khó khăn với tổng kinh phí trên 120 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Khải tâm sự: Tôi tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, đến nay đã gần 50 năm đi theo Đảng, đi theo Bác. Tôi luôn tâm nguyện phải suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhớ mãi những lời Bác dạy như: Thương binh tàn nhưng không phế, mình vì mọi người, tâm sáng, chí bền.
Thương binh Nguyễn Văn Khải là tấm gương điển hình trong các phong trào hành động cách mạng trên quê hương Cẩm Sơn anh hùng./.