Thái Nguyên: Nhiều chuyển biến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Thứ năm, 27/11/2014 11:08

(ĐCSVN) – Với nhiều hoạt động thiết thực và sáng tạo trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã thu được những kết quả đáng kể, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại địa phương.

 

Bác Hồ thăm Xưởng Cơ khí (nay là Công ty Cổ phần Cơ khí Gang thép Thái Nguyên),
ngày 1/1/1964. Ảnh tư liệu
 

Theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác phải bằng hành động, việc làm thiết thực, hiệu quả; trọng tâm là thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; giải quyết các vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc; góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Đồng chí Lê Quang Dực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết, có 3 điểm sáng tạo trong triển khai Chỉ thị 03 tại Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, hưởng ứng: Một là, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Đề án số 09 về “Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015” để cụ thể hoá việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị 03 vào thực tiễn của địa phương. Hai là, năm 2012 đã tổ chức làm thí điểm, sau đó xây dựng Quy trình tổ chức một buổi sinh hoạt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để thống nhất thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh. Ba là, đã vận dụng Chỉ thị 03 vào thực tiễn, yêu cầu cán bộ, đảng viên học tập, làm theo lời dạy của Bác khi Người về thăm Thái Nguyên lần cuối cùng (ngày 1/1/1964), đó là: “Ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”. Đây cũng là cách vận dụng sáng tạo của Thái Nguyên, là cách làm tốt, mang lại hiệu quả thiết thực.

Trong quá trình thực hiện, việc tham gia học tập, nghiên cứu các nội dung Chỉ thị số 03 của cán bộ, đảng viên nhìn chung đầy đủ, đạt yêu cầu. 100% các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đều tiến hành rà soát, bổ sung, ban hành chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các chi bộ đưa nội dung sinh hoạt chuyên đề học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt thường kỳ, giúp cán bộ, đảng viên thực hành làm theo Bác một cách thiết thực, cụ thể. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm; tạo chuyển biến tích cực trong hành động, góp phần tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống và nâng cao chất lượng công việc…

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng đã có sự chỉ đạo quyết liệt nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường sự minh bạch trong thông tin lãnh đạo, quản lý; chấn chỉnh phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý. Qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là trách nhiệm gương mẫu của cán bộ lãnh đạo đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 03 cũng đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Các cơ quan truyền thông đã tập trung tuyên truyền theo các chuyên đề hằng năm và tuyên truyền gương các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức, phong cách của Bác dưới nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Theo đó, thời gian qua, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tổ chức thành công Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và trao tặng bằng khen cho 19 tập thể và 39 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị; 19 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Chỉ thị và 15 tập thể, nhóm tác giả, 16 cá nhân có tác phẩm đoạt giải Cuộc vận động sáng tác quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…

 

 Thành phố Thái Nguyên ngày nay. Ảnh: thainguyen.edu.vn


Theo đồng chí Lê Quang Dực, đến nay, việc thực hiện Chỉ thị 03 trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, được các cấp, các ngành đồng tình hưởng ứng; trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm gương mẫu đi đầu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được nâng cao. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương đã gắn thực hiện Chỉ thị 03 với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", qua đó, tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm; giải quyết dứt điểm được nhiều vấn đề tiêu cực tồn đọng, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Kết quả thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ chính trị được thể hiện cụ thể bằng những chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Thái Nguyên đã tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó quan tâm đến công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Thái Nguyên. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện nghiêm túc các chính sách của Nhà nước nên đã tạo sự đồng thuận, đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, góp phần tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư. Theo số liệu mới nhất của UBND tỉnh Thái Nguyên, tính từ đầu năm 2014 đến nay, tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt trên 15.615 tỷ đồng; tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư mới cho 38 dự án với tổng số vốn 1.757,2 tỷ đồng; trong đó, riêng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có 18 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký 134,153 triệu USD. Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên đã có biện pháp xử lý kịp thời, thu hồi giấy phép đầu tư những dự án chậm tiến độ hoặc có sai phạm.

Tỉnh cũng đã tiến hành nhiều biện pháp trong công tác quản lý khoáng sản, tổ chức kiểm tra, truy quét, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động trái phép, đảm bảo việc quản lý khoáng sản theo quy hoạch; kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm hành vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn tiến hành rà soát, chấn chỉnh công tác bồi thường, tập trung giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn, dự án khó, như các dự án đầu tư nhà máy phụ trợ cho Samsung và đầu tư vào khu công nghiệp Điềm Thụy... Kết quả đã thu hồi trên 269 ha đất, chi trả trên 553 tỷ đồng, thực hiện giải phóng mặt bằng cho 203 công trình, dự án.

Trong thực hiện các chính sách xã hội, chính sách đối với người nghèo và an sinh xã hội, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 12.328 người; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 277.538 người nghèo, người dân tộc thiểu số và 64.554 người thuộc hộ gia đình cận nghèo; thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 29.772 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, với kinh phí trên 40,7 tỷ đồng.

Nhờ nắm chắc tình hình an ninh trật tự trên địa bàn nên tỉnh Thái Nguyên đã kịp thời giải quyết các vụ việc xảy ra; đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Kịp thời chấn chỉnh các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây mất an ninh, trật tự, nhờ đó không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc; đảm bảo an ninh và môi trường an toàn cho các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: một số ít cán bộ, đảng viên ở các cấp chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, yêu cầu của Chỉ thị 03 đối với công tác xây dựng Đảng; chưa thực sự quan tâm, chú trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 03... từ đó, dẫn đến chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 03 chưa sát hợp với điều kiện, nhiệm vụ chính trị, chưa đem lại hiệu quả thiết thực. Việc cụ thể hoá chuẩn mực đạo đức có nơi còn chung chung; chưa có cơ chế rõ ràng để thực hiện các chuẩn mực đạo đức đã xây dựng. Việc phát hiện các nhân tố điển hình để kịp thời biểu dương, nhân rộng còn lúng túng, chưa nhiều hoặc chưa thực sự có tính thuyết phục. Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng dù có cải thiện nhưng vẫn chưa nhiều, chưa thường xuyên, sâu sắc.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục một số tồn tại, yếu kém, có thể khẳng định việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị đã ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên và đặc biệt có ý nghĩa đối với việc phấn đấu đưa Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, trở thành trung tâm của vùng trung du miền núi Bắc Bộ về phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đồng thời, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác cũng đã trở thành yếu tố quan trọng góp phần khắc phục tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, trên cơ sở đó xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng, có tinh thần trách nhiệm cao, “xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” như lời dạy của Bác trong Di chúc./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực