"Thanh niên cần học Bác Hồ từ những điều giản dị nhất"

Thứ sáu, 28/03/2014 00:09

(ĐCSVN)Nói chuyện với đoàn viên thanh niên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nhân dịp sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW và kỷ niệm ngày Thành lập Đoàn TNCS HCM (26/3), đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, học Bác Hồ là học từ những điều dễ làm, dễ thực hiện nhất, đừng quá xa vời và cao siêu.

 Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trao đổi với đoàn viên thanh niên
 ngành Dầu khí - Ảnh:
 HH


Bài học lớn từ những câu chuyện nhỏ

Mở đầu cuộc trò chuyện, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ, sau khi về hưu, ông chỉ tham gia Hội đồng bảo trợ các tài năng trẻ của Trung ương Đoàn, bởi theo ông, đất nước ta quá khứ cũng là thanh niên, hiện tại và tương lai cũng là thanh niên, vì thế còn sức ông sẽ dành cho việc truyền lại những kiến thức của mình cho các tài năng trẻ.

Về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Phó Thủ tướng khẳng định: “Trong suốt quãng đời hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn căn dặn mọi người phải luôn “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, và đó cũng là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Người”.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ nhiều câu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết thực và đơn giản cho đoàn viên thanh niên ngành Dầu khí. Về tính “cần – chịu khó”, thanh niên cần phải chú tâm vào việc học và việc làm. Với việc học, Bác Hồ là người rất giỏi ngoại ngữ, biết 9 thứ tiếng, ngoài ra còn biết tiếng của nhiều dân tộc nước ta.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhớ lại: “Thời đó làm phiên dịch cho Bác, chúng tôi ai cũng cảm thấy rất khó, bởi Bác giỏi ngoại ngữ nên nếu có sơ suất, dịch sai thì rất không tốt. Năm 1955, Chủ tịch Chu Ân Lai sang thăm Việt Nam, phiên dịch nghe thấy Bác nói tiếng Trung tốt quá nên cảm thấy rất thán phục”.

"Một kỷ niệm nữa khiến tôi nhớ mãi về cách học ngoại ngữ của Bác. Ngày trước, Bác đã có thời gian nghiên cứu và làm việc tại nước Nga nên tiếng Nga của Người rất tốt, nhưng bởi lâu không sử dụng nên nhiều từ Bác đã quên. Vào khoảng năm 1960, có một dịp Bác tiếp phóng viên báo Thời mới của Liên Xô. Trong khi đang ngồi chờ khách, Bác rút hộp thuốc lá ra hút và rút một mẩu giấy có viết những từ tiếng Nga ra lẩm nhẩm. Tôi hỏi “Bác vẫn học tiếng Nga à” thì Người cho biết, mỗi ngày Người đều viết 20 từ tiếng Nga mới ra 20 mẩu giấy, quấn chặt vào thuốc lá, mỗi ngày hút 20 điếu sẽ học thêm được từ mới, có rơi rụng thì cũng còn 10 từ. Lúc này, tôi mới giật mình, bởi Bác là người đã thành thạo 9 thứ tiếng, là một nhà lãnh đạo bận nhiều công việc, tuổi tác cũng đã cao mà vẫn không ngừng học tập, mình còn trẻ, còn có điều kiện sức khỏe mà không học thì quá phí phạm thời gian".

Từ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ với các đoàn viên: “Các bạn thanh niên đừng chỉ nói là học tập theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, hãy làm những việc thiết thực. Việc cần làm bây giờ là hãy học ngoại ngữ đi, chúng ta đang trong quá trình hội nhập mà không biết ngoại ngữ thì hội nhập được với ai? Không cần học quá cao xa, chỉ cần các bạn bắt chước cách học của Bác Hồ, không cần hoa mỹ, văn phạm mà chỉ cần học để nói được thôi”.

Chia sẻ những câu chuyện nhỏ khi được làm việc với Bác Hồ, đồng chí Vũ Khoan cho biết “học được ở Bác Hồ rất nhiều điều, nhưng suy cho cùng muốn học gì thì học, trước hết là phải học làm người trước đã”. Là một con người bình thường, Bác Hồ đã luôn tiết kiệm từ miếng cơm, manh áo đến cả thời gian. Trong công tác đối ngoại, Bác Hồ cũng là người tiết kiệm cho cả các nước bạn.

Nhớ lại những kỷ niệm và bài học từ Bác Hồ, đồng chí Vũ Khoan kể lại: Ở nước ta, lễ tân ngoại giao cũng tuân theo các quy định, thông lệ quốc tế nhưng mang nhiều sắc thái Việt Nam. Người để lại dấu ấn sâu đậm nhất về phương diện này chính là Bác Hồ. Nói một cách đơn giản nhất, cái hồn của lễ tân ngoại giao Việt Nam hay lễ tân ngoại giao Hồ Chí Minh chính là "tính nhân văn", " tính con người"; loại bỏ sự quan cách, bệnh hình thức phù phiếm.

Mỗi khi sang thăm Liên Xô, Bác thường được bạn bố trí ở biệt thự trên đồi Lênin hoặc ở ngoại ô Moscow. Tất nhiên, sự phục vụ ở những nơi đó vô cùng chu đáo và trang trọng. Thế mà Bác lại không cho các cô phục vụ bưng thức ăn cho từng người mà yêu cầu để thức ăn trên nóc tủ buyt-phê, ai muốn ăn gì tự ra lấy, ăn xong tự dọn bát đĩa bẩn vào bếp. Tôi thưa với Bác rằng, bạn rất khó xử vì không bảo đảm nghi thức lễ tân, vả lại tới ăn còn có cả các nhà lãnh đạo Liên Xô. Bác nói, cứ làm như vậy, chắc các đồng chí ấy cũng thông cảm và làm theo. Quả nhiên các nhà lãnh đạo Liên Xô đến ăn cơm với Bác rất vui vẻ làm theo. 
 

 

 Cán bộ lãnh đạo và đoàn viên thanh niên PVN chăm chú lắng nghe những chia sẻ
 của đồng chí Vũ Khoan - Ảnh: HH


Đồng chí Vũ Khoan khẳng định, cái cử chỉ ngoại giao gần gũi, ân tình đó của Bác vừa thể hiện sự tinh tế đầy tính văn hóa Việt Nam, trọng tình, trọng nghĩa, không câu nệ lễ nghi.

Thanh niên cần học Bác từ những việc làm nhỏ nhất

Nhận xét về kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Đoàn thanh niên PVN, đồng chí Vũ Khoan khẳng định: Tôi không đi vào cụ thể và cho rằng, mỗi đoàn viên, thanh niên cần xác định cho mình cần học gì ở Bác và nó có phù hợp với công việc mình đang làm hay không? Một giải pháp, một sáng kiến khoa học làm tiết kiệm được cả triệu đô cho Tập đoàn, cho đất nước là quá tốt. Hay việc nâng cao năng lực làm việc, nâng cao trình độ để tự tin, đủ sức làm việc với các đối tác nước ngoài cũng là cách học hiệu quả, thiết thực. Theo tôi, mỗi người có một cách học tập và làm theo Bác riêng, nhưng đều vì mục đích tốt đẹp là làm cho công việc được tốt hơn, làm cho nhân cách được hoàn thiện hơn.

"Là thanh niên, mỗi cháu cần xác định cho mình lý tưởng nhưng phải cụ thể. Muốn thành công, trước hết phải “thành nhân” trước, học làm người tốt, làm người có ích cho cơ quan, cho xã hội. Một thanh niên làm tốt công việc được giao, nhiệt tình trong các hoạt động và chấp hành tốt những quy định, luật pháp là đã học được ở Bác Hồ những đức tính tốt. Thanh niên cần khẳng định bản thân, năng lực của mình trong mỗi công việc được giao, không nên đặt mục tiêu quá cao mà cần phải phù hợp với sức của mình, như vậy, mới có được thành công và tạo động lực để cho mình phấn đấu tiếp" - nguyên Phó Thủ tướng khẳng định.

Đồng chí Vũ Khoan cho rằng: “Thanh niên rất cần có hoài bão, nhưng trước tiên, các bạn thanh niên hãy làm được 3 việc này: “Nói chứ đừng chửi thề; Trồng cây chứ đừng chặt cây; Nhặt rác chứ đừng xả rác”. Nếu chúng ta không thể trở thành người tử tế, thì không thể làm được cái gì khác.

Thứ hai, thanh niên hãy đam mê và có nhiệt huyết với công việc. Phải làm được, biết làm từ việc nhỏ trở đi, hãy làm đến nơi đến chốn việc được giao và trở thành nhân viên mẫn cán cái đã, chứ đừng chỉ biết nói chuyện to tát, chiến lược cao xa”./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực