Thầy giáo nghèo hiến đất xây trường mầm non

Thứ sáu, 10/05/2013 21:31

Mặc dù điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, lại đông con (có 4 người con) nhưng thầy giáo nghèo Nguyễn Văn Phong, thôn Bản Cưởm, xã Thượng Giáp, huyện Na Hang (Tuyên Quang) vẫn quyết định hiến 350 m2 đất cho xã để xây trường mầm non thôn Bản Cưởm. Thầy Nguyễn Văn Phong đang là tấm gương điển hình của tỉnh Tuyên Quang trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Thầy Nguyễn Văn Phong sinh năm 1974 tại thôn Bản Cưởm, xã Thượng Giáp, huyện Na Hang. Năm 2000, sau khi học xong Trung cấp sư phạm, khoa Tiểu học tại trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang, thầy Phong được UBND huyện Na Hang ký hợp đồng là giáo viên dạy học mầm non tại trường phổ thông cơ sở xã Thượng Giáp (khi đó gồm cả 3 hệ học mầm non, tiểu học và THCS). Thầy Phong được Ban giám hiệu Nhà trường phân công dạy ở điểm trường thôn Nà Ngoa, xã Thượng Giáp – thôn có 100% đồng bào dân tộc Dao và cũng là thôn nghèo khó nhất của xã.

Thầy Phong kể: Ngày đầu đứng lớp, thực sự mình cũng hơi ngại, hơn nữa, vì xưa nay mọi người chỉ quen với việc “cô nuôi dạy trẻ”, chứ có ai nói đến “thầy nuôi dạy trẻ”, có lẽ cũng chính vì vậy, khi lần đầu thấy tôi ở lớp ra đón, bọn trẻ khóc toáng cả lên (thầy Phong cười). Cũng theo thầy Phong, nghề nuôi dạy trẻ đòi hỏi tính kiên trì, cẩn thận, nếu không thì sẽ thất bại. Ngoài việc vỗ về mỗi khi các cháu khóc, chăm sóc vệ sinh, khi bón ăn còn phải kể chuyện để cho các con nó vui. Nó vui thì mới chịu học, mới yêu thầy, yêu lớp.

Điểm trường thôn Nà Ngoa – nơi thầy Phong dạy, cuộc sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, nên bà con chưa có điều kiện nhiều quan tâm đến việc học của con trẻ. Do vậy hàng ngày, thầy Phong phải dậy sớm thay vì ở lớp đợi đón trẻ, thì thầy chủ động đến từng gia đình để đưa bọn trẻ đến lớp học. Thấy thầy Phong tận tình chăm sóc bọn trẻ, bà con tin lắm và do vậy, từ nhiều năm qua, tất cả trẻ em trong độ tuổi ở Nà Ngoa đều được đến lớp mẫu giáo.

Không chỉ dạy tốt, thầy Phong còn là người đầu tiên trong xã hiến đất để xây điểm trường. Ông Trương Chòi Phin - Chủ tịch UBND xã Thượng Giáp cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 36/NQ/TU ngày 17/6/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh (theo đó, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến hết tháng 5/2013 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi), xã chúng tôi đã rất nhiều lần cử cán bộ đi khảo sát, tìm đất để xây dựng điểm trường mầm non ở thôn Bản Cưởm nhưng đều bế tắc, do quỹ đất dự phòng không có; đất đồi thì không thiếu nhưng để bạt núi, hạ ta luy xây dựng lớp… thì phải có nguồn kinh phí rất lớn; không thể thực hiện được.

Trước những khó khăn của địa phương, mặc dù gia đình đông con, tổng diện tích đất canh tác chỉ có hơn 2.000 m2, lại là hộ nghèo, nhưng thấu hiểu nỗi khổ phải dạy và học trong những ngôi nhà tạm, nhà văn hóa của thôn…, thầy phong đã bàn với gia đình hiến tặng phần đất ruộng có diện tích 350 m2 vẫn được gia đình sử dụng để canh tác lúa hàng năm để xây dựng trường lớp học mầm non thôn, bản. Đây không phải là lần đầu tiên thầy giáo Phong hiến đất, trước đó năm 2000, khi thôn Bản Cưởm cần đất để xây dựng nhà văn hóa, gia đình thầy cũng đã hiến 100 m2 để xây dựng nhà văn hóa.

Cô Nông Thị Thí - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Thượng Giáp cho biết: Thầy Phong nguyên là giáo viên nam duy nhất từ trước đến nay ở xã dạy học mầm non. Trong những năm dạy các cháu mầm non, thầy Phong luôn tình nguyện đi dạy tại các điểm trường xa nhất của xã.

Cũng theo cô Thí, tháng 9/2012, thầy Phong được xét chuyển vào biên chế và chuyển lên dạy ở Trường Tiểu học và THCS xã Thượng Giáp. Hiện thầy Phong đang được Ban Giám hiệu Nhà trường phân công dạy lớp 1 tại trường thôn Bản Cưởm. Ngoài dạy trên lớp, thầy Phong còn đăng ký dạy thêm (miễn phí) cho em Hứa Thị Luyến là học sinh yếu lớp 1 thuộc hộ nghèo để em có thể đạt chuẩn kiến thức với các bạn trong lớp. Thầy Phong đang là tấm gương sáng của nhà trường trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực