(ĐCSVN) - Sáng 25/4, tại Hà Nội, Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội thi thuyết trình “Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ”. Tới dự có các đồng chí: Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Hạnh Phúc - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ là một bộ phận cấu thành hữu cơ trong toàn bộ Di sản tư tưởng của Người; đã thực sự đặt nền móng cho việc xây dựng, hoàn thiện và phát triển một nền công vụ dân chủ, hiện đại, minh bạch ở Việt Nam. Tư tưởng đó vẫn tiếp tục có ý nghĩa thời sự cấp bách, định hướng tiến trình xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách nền hành chính hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
|
Hội thi thuyết trình "Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ". Ảnh: VA |
Hội thi thuyết trình “Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ” là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của Đảng bộ Văn phòng Quốc hội trong kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong năm 2013; là hoạt động thiết thực tiến tới kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2013), nhằm tiếp tục tuyên truyền sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người trong các cấp bộ đảng; góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, nhất là đạo đức công vụ, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng trong cơ quan, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong tình hình mới.
Hội thi đã trải qua vòng sơ khảo với sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của trên 30 đảng bộ, chi bộ trực thuộc. Sau vòng sơ khảo, Ban Giám khảo đã lựa chọn được 12 bài thuyết trình xuất sắc nhất tham gia vòng thi chung khảo.
Thuyết trình bài thi, thí sinh Trần Thị Thanh Hải thuộc Chi bộ Vụ Công tác miền Trung và Tây Nguyên cho rằng, là những người phục vụ cho nước, cho dân, mỗi cán bộ, công chức trước hết phải tự ý thức được vị trí, vai trò của mình, gương mẫu trong việc chấp hành kỷ cương, đường lối, tự giác tuân thủ kỷ luật của cơ quan, giữ vững nề nếp công tác. Không lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, gây thiệt hại đến tài sản vật chất của cơ quan, đơn vị cũng như tài sản của Nhà nước…
Mỗi cán bộ, công chức, trong công việc, phải kiên trì làm từ những việc nhỏ, đến việc lớn, từ những việc đơn giản đến phức tạp. Sống luôn cầu tiến bộ, vươn lên bằng ý chí, bằng đôi bàn tay hăng say lao động thì mọi việc mới đem lại hiệu quả cao. Bác Hồ đã dạy: Không có cái gì dễ, mà cũng không có cái gì khó. Nghĩa là có dễ đi nữa thì phải phấn đấu mới thành công, còn khó đến mấy mà quyết tâm phấn đấu, phấn đấu có phương pháp, có kế hoạch thì mới thắng lợi…
|
Các đảng viên, đoàn viên cơ quan Văn phòng Quốc hội chăm chú theo dõi Hội thi. Ảnh: VA |
Đối với thí sinh Nguyễn Thị Phương Huyền thuộc Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu Khoa học, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức là việc cần thực hiện bền bỉ, “như rửa mặt hằng ngày”. Và vấn đề quan trọng là mỗi người phải biết tự nhận thức chính bản thân mình để từ đó khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh. Đó chính là sự “tu thân”, và điều đó cần thực hiện bền bỉ suốt đời. Bác đã chỉ rõ: Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.
Những quan điểm của Bác về việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức dành cho cán bộ, đảng viên vẫn còn nguyên ý nghĩa, giá trị đối với đội ngũ công chức chúng ta ngày nay. Rèn luyện bản thân theo bốn chữ Cần, Kiệm, Liêm, Chính, người công chức sẽ trở thành có tư cách đạo đức sáng trong, thực sự trở thành con người cách mạng, thực tâm phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân và đồng thời, đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình.
Đồng chí Phạm Văn Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh: Qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ và bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm; nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao; từng bước hoàn thiện chuẩn mực đạo đức công vụ, xứng đáng là người công bộc tận tụy, gương mẫu phục vụ trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất…
Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và các giải Khuyến khích cho các thí sinh tham dự./.