Thủ đô Hà Nội nhớ lời Bác dạy

Thứ sáu, 17/10/2014 22:27

(ĐCSVN) – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt, mối quan tâm sâu sắc và những mong muốn thiết tha về Hà Nội, với Hà Nội. Và Hà Nội cũng là nơi ghi dấu hình ảnh Bác Hồ cùng với những thời khắc lịch sử của dân tộc.
 

 

 Bác Hồ với học sinh trường Trưng Vương Hà Nội - Ảnh tư liệu


Tháng 8/1945, tại Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quyết định sáng suốt chọn Hà Nội làm Thủ đô của nước Việt Nam độc lập, chính thức nối lại mạch nghiệp xưa của kinh đô Thăng Long - Đông Đô sau gần một thế kỷ rưỡi tính từ khi nhà Nguyễn lập triều, vua Gia Long dời đô từ Thăng Long vào Huế (năm 1802). Bác cũng về Hà Nội ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công (ngày 26/8/1945) và tại đây, Người có nhiều kỷ niệm ghi dấu không phai với Thủ đô.

Căn nhà số 48 phố Hàng Ngang in dấu hình bóng của Người trong những ngày Người soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào.

Sau đó không lâu, thực dân Pháp bội ước, lại dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Người, Hà Nội tiên phong nổ tiếng súng đánh giặc, mở đầu toàn quốc kháng chiến 9 năm chống Pháp. Quân dân Thủ đô đã chiến đấu ngoan cường kìm chân địch trong nội thành suốt 60 ngày đêm gắn liền với tên tuổi Trung đoàn Thủ đô quang vinh.

Tạm biệt Thủ đô lên chiến khu Việt Bắc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm theo dõi và hướng về Hà Nội bằng những tình cảm sâu sắc. Lúc này, Hà Nội đang phải chiến đấu với nạn thổ phỉ quấy rồi, vừa phải chiến đấu, giành giật với quân Pháp đang trong nội thành. Quân và dân Liên khu I (gồm các khu phố Trúc Bạch, Đồng Xuân, Long Biên, Đông Kinh Nghĩa Thục Đông Thành, Hoàn Kiếm, Hồng Hà,…) đã anh dũng, sáng tạo, ngoan cường, ban ngày bố trí lực lượng phòng ngự, ban đêm các chiến sĩ lọt vào những khu địch tạm chiếm đóng để quấy rối, tiêu hao sinh lực địch. Đúng đêm Giao thừa, một tổ cảm tử của ta bơi ra cắm cờ lên tháp Rùa, trong khi đó khắp nơi quân ta đồng loạt tập kích các vị trí. Tết Đinh Hợi năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô, trong đó có đoạn viết "Tôi và nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các em cho nên cũng không ai nỡ ăn Tết... Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau..." (1).

Từ tháng 2/1947, Thủ đô bị thực dân Pháp chiếm đóng, quân và dân Hà Nội phát triển chiến tranh du kích ngay tại sào huyệt địch. Tháng 11/1948, Người có Thư khen du kích Thủ đô đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Quân dân Hà Nội vô cùng xúc động khi được đọc những lời căn dặn ân cần của Người: "... Đêm 04/11/1948, du kích Thủ đô đã hăng hái tấn công vào Hà Nội và đã lượm được thành tích khá. Tôi thay mặt Chính phủ gửi lời khen ngợi đội du kích Thủ đô và những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp sức vào cuộc tấn công Hà Nội..., Du kích Thủ đô đã oanh liệt lập công đầu. Tôi chắc rằng từ nay, du kích Thủ đô sẽ lập công nhiều hơn nữa, to hơn nữa..." (2).

Sự động viên, khích lệ của Bác, đã cổ vũ quân dân Hà Nội chiến đấu anh dũng, lập nên nhiều kỳ tích như: Đánh sân bay Bạch Mai ngày 18/1/1950, sân bay Gia Lâm đêm 3 rạng sáng 4/3/1954; phối hợp với quân dân cả nước giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 5/1954, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta thắng lợi vẻ vang sau 9 năm trường kỳ anh dũng chiến đấu với nhiều hy sinh, mất mát, trong đó có sự đóng góp quan trọng của quân và dân Thủ đô.

Lúc này, việc tiếp quản Thủ đô cũng phải được tính toán kỹ lưỡng. Nói chuyện tại lớp học tiếp quản ở Đại Từ, Thái Nguyên, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ ta: "...Phải kính trọng nhân dân, giúp đỡ nhân dân, đoàn kết với nhân dân. Phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Phải làm đúng 10 điều kỷ luật...". Tại đền Hùng, Phú Thọ, trước khi vào tiếp quản Thủ đô, ngày 19/9/1954, Đại đoàn Quân Tiên phong vinh dự gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người động viên: "...Tám, chín năm nay, do quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các cháu được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là một vinh dự lớn...". Bác nhấn mạnh “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (3).

Ngày 10/10/1954, nhân dân Thủ đô đứng chật hai bên đường, tưng bừng cờ hoa, mừng đón bộ đội về giải phóng thành phố. Đúng 15 giờ chiều, trong lễ mừng chiến thắng tại sân vận động Cột cờ, quân và dân Thủ đô xúc động lắng nghe Lời kêu gọi nhân Ngày Thủ đô giải phóng của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc: "Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!" (4).

Sau khi biểu dương quân dân Thủ đô và quân dân cả nước “đoàn kết nhất trí, chiến đấu anh dũng” chống thực dân Pháp thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ 4 nhiệm vụ mới của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô: “Ra sức giữ gìn trật tự an ninh; Duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế và tài chính của Thủ đô ta; Duy trì và khôi phục mọi hoạt động văn hóa; Đoàn kết chặt chẽ, thực hiện tự do, dân chủ” (5).

Để cải tạo, phát triển kinh tế - xã hội sau ngày giải phóng Thủ đô, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, công nghiệp Hà Nội đã được chú trọng phát triển, hàng loạt nhà máy mới được xây dựng. Đến năm 1960, toàn thành phố đã có trên 14 vạn công nhân lao động. Để xây dựng đội ngũ công nhân, Người nhắc nhở: “Các cô, các chú giống như một bộ máy. Nếu có một bộ phận, một người nào mắc khuyết điểm mà không sửa chữa thì ảnh hưởng xấu đến cả guồng máy chung” (6); qua đó, động viên từng người phải đoàn kết thi đua nâng cao năng suất lao động, mỗi người giống như một mắt xích quan trọng trong dây chuyền sản xuất.

Trong cơ cấu kinh tế Hà Nội, nông nghiệp chiếm một phần quan trọng. Tuy nhiên, trước thực trạng chiến tranh, hàng ngàn héc-ta đất đã bị bỏ hoang, hàng vạn trâu bò bị giết hại, các công trình nông nghiệp bị tàn phá. Để động viên tinh thần cho người dân Hà Nội, Bác Hồ đã gửi thư cho đồng bào ngoại thành; đến thăm, động viên, chỉ bảo cán bộ, nhân dân xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm; đến Hội nghị sản xuất ở Sơn Tây. Trong các bài nói chuyện, bài viết của Người cho đồng bào nông dân ngoại thành Hà Nội, Người đều khẳng định những thành tích mà nông dân đạt được và không quên căn dặn những việc cần làm cả trước mắt và lâu dài, từ việc đắp đê chống hạn đến việc chăm sóc lúa, hoa màu. Người động viên: “Ngoại thành cũng là Thủ đô. Mà “thủ” là đầu, phải đi đầu...” và mong muốn: “Các đảng bộ, chi bộ ở ngoại thành cần lãnh đạo đưa phong trào ngoại thành tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, làm cho ngoại thành thật sự trở thành vành đai đỏ của Thủ đô xã hội chủ nghĩa” (7).

Người xác định vị trí “đầu tàu”, “gương mẫu” của Hà Nội mà “cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta” nên Người mong muốn làm sao để cho Hà Nội “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Hồi mới giải phóng, Người xác định nhiệm vụ trung tâm cho Hà Nội là “giữ gìn trật tự an ninh”, là “ổn định sinh hoạt”, là “vệ sinh sạch sẽ” là “phòng bệnh”. Muốn thế mọi người dân Thủ đô phải đoàn kết, tăng năng suất công tác, phải học tập, phải giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục (8).

Đối với tầng lớp trí thức, cán bộ, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính vì ở Hà Nội có nhiều công sở, nhà máy, trường học nên việc tiết kiệm của đội ngũ cán bộ, công chức từ mẩu giấy, ngòi bút đến những vật dụng lớn hơn là giảm bớt hao phí cho người dân. Người dạy: “Mỗi người như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ đã bớt được một số tiền đáng kể lấy ở mồ hôi nước mắt dân nghèo mà ra...” (9)

Trong những lần đến thăm Nhà máy cơ khí Hà Nội, Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Trường Trưng Vương hay trong cuộc gặp gỡ nói chuyện với cán bộ, viên chức Thủ đô…Bác Hồ đều có những lời căn dặn, cử chỉ ân cần, gần gũi khiến ai được gặp, được nghe nói chuyện cũng cảm thấy đó là niềm vinh dự và tự hào nhất trong cuộc đời.

 

        Sau 60 năm giải phóng Thủ đô và thực hiện Di chúc của Bác, Hà Nội đạt được
                                      nhiều  thành tựu nổi bật - ảnh: HH
 

Những lời phát biểu, những bài nói chuyện tại các kỳ Hội nghị Đảng bộ Hà Nội, các đại hội đại biểu nhân dân Hà Nội... Người rất chú ý tới vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô vững mạnh toàn diện, mà trước hết là phát triển Đảng: “Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng, Đoàn Thanh niên Lao động và công đoàn. Đảng bộ Hà Nội cần phát triển thêm thành phần công nhân, nông dân, lao động trí óc và phụ nữ vào Đảng”. Người căn dặn: Đảng bộ Hà Nội phải luôn “không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động” (10).

Kể từ khi giữ cương vị Chủ tịch nước, Người đã có 73 bài viết riêng về Hà Nội, về nhân dân Hà Nội và có mối quan tâm đặc biệt với nhân dân Hà Nội. Người thường xuyên gửi thư tới các cụ phụ lão, chị em phụ nữ, tới nông dân, công nhân, trí thức... nhưng Người đặc biệt quan tâm tới tầng lớp thanh thiếu niên, nhi đồng Hà Nội.

Bác Hồ cũng đã có 10 lá thư, bài viết, bài phát biểu về thanh niên, thiếu niên, sinh viên Hà Nội. Trong thư nào Người cũng luôn dành tình cảm thiết tha, trìu mến và đặt niềm tin vào thế hệ trẻ của Thủ đô. Người luôn khuyên thanh thiếu niên Hà Nội đoàn kết thân ái và chăm chỉ học tập, phát huy sáng kiến để thanh thiếu niên cả nước học tập, Người nói: “Thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước”.

Với Thủ đô Hà Nội, Bác mong muốn “Thành phố Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa. Muốn như thế thì mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội” (11).

Sau 60 năm giải phóng Thủ đô và 45 năm Bác Hồ đi xa, nhưng những hình ảnh, cử chỉ ân cần và những lời di huấn của Bác vẫn còn mãi với thời gian. Đảng bộ và nhân dân Thành phố luôn phấn đấu lập nhiều thành tích toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng rất đáng tự hào, xứng đáng là trái tim của cả nước, xứng đáng với lòng mong mỏi của Bác.

Tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (!0/10/1954-10/10/2014), đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Thành phố đã vươn lên trở thành một trong 2 đầu tàu kinh tế lớn của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Hà Nội đạt 9,5%, gấp 1,5 lần so với mức trung bình của cả nước, GDP chiếm 10%, thu ngân sách chiếm gần 20% của cả nước. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá cao, luôn đạt gấp 1,5 lần so với cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm sau luôn cao hơn năm trước, từ năm 2000 đến năm 2013 tăng hơn 11 lần. GDP bình quân đầu người tăng gần gấp 3 lần so với năm 1989. Tính từ năm 1990 đến nay, cứ sau 5 năm, giá trị sản xuất trên địa bàn đã bằng 2,5 lần so với trước đó. Hiện GDP Hà Nội chiếm 10%, thu ngân sách chiếm gần 20% cả nước.

Đảng bộ thành phố Hà Nội là một trong đơn vị đi đầu thực hiện các chủ trương, biện pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Thành phố còn là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo chủ chốt; triển khai đề án “Thí điểm mở lớp đào tạo 1.000 công chức nguồn của Thành phố giai đoạn 2010 – 2015” và 500 công chức nguồn của Thành ủy, coi đây là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức của Thủ đô…

Tình hình an ninh chính trị Thủ đô luôn ổn định, văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, trật tự an toàn được giữ vững. Hà Nội là nơi tập trung chủ yếu của đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học - kỹ thuật của cả nước. Lĩnh vực y tế không ngừng được củng cố, hoàn thiện cả về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm, trung bình mỗi năm Thành phố giải quyết việc làm cho trên 133 nghìn lượt lao động. Mục tiêu giảm nghèo được triển khai tích cực, hằng năm hỗ trợ trên 20.000 hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 1,5 - 2%, đến năm 2013, thực hiện hỗ trợ 16.500 hộ thoát nghèo, đến nay, Hà Nội chỉ còn 2,35% hộ nghèo…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, để xứng đáng với những công lao và sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước, không ngừng bồi đắp để có một “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến”, một “Thủ đô anh hùng” với truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang, một Hà Nội là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, là “Thành phố vì hòa bình” trong lòng bạn bè quốc tế và thực hiện tốt Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Hà Nội hôm nay cần phát huy cao độ truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng; quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện và bền vững theo tiêu chí: "Xanh, Văn hiến, Văn minh, Hiện đại", xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước./.

(1), (2), (3), (4), (5) – Theo sách Thủ đô Hà Nội - 60 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển (Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, 2014)

(6) – Theo Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H2011, Tr.204

(5), (7), (8), (10), (11) - Theo sách Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội - NXB Chính trị quốc gia năm 2004

(9)- Theo Tài liệu của Văn phòng Đảng ủy Nhà máy cơ khí Hà Nội, Bài nói ngày 2/2/1960

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực