Trong bài viết "Triết lý xóa đói, giảm nghèo vì mục tiêu phát triển xã hội trong tư tưởng của Hồ Chí Minh", PGS, TS. Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, hơn lúc nào hết tinh thần xóa đói, giảm nghèo, dựng xây đất nước theo lời dạy của Bác lại cần phải được nâng lên một tầm cao mới.
Tinh thần xóa đói giảm nghèo theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải biến thành lẽ sống, khát vọng làm giàu, vươn lên của toàn thể nhân dân, dân tộc Việt Nam để Việt Nam thật sự trở thành một nước: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết.
|
Hồ Chủ Tịch đang sử dụng chiếc máy cấy lúa ở Trạm thí nghiệm giống lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội. (Ảnh tư liệu TTXVN) |
Trong bối cảnh hiện nay, thế giới đang đổi thay mạnh mẽ, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Trong bối cảnh đó, nhiều nước, nhiều quốc gia, dân tộc đang có nhiều cơ hội đổi thay và phát triển, có nhiều điều kiện để xây dựng một xã hội có nền kinh tế tăng trưởng cao và nhanh, tuy nhiên cũng có rất nhiều quốc gia, dân tộc đang gặp phải thách thức to lớn như bất ổn xã hội, thất nghiệp và đói nghèo…, nên đòi hỏi các quốc gia phải quan tâm hàng đầu đến phát triển một xã hội công bằng, dân chủ và tiến bộ. Đây chính là đòi hỏi khách quan của việc xây dựng một xã hội phồn vinh trong hiện tại và tương lai. Chính vì lẽ đó, nếu thiếu một trong hai mặt (kinh tế và xã hội) nêu trên thì xã hội đó khó có thể phát triển được hoặc phát triển không toàn diện, không bền vững. Xóa đói, giảm nghèo là chiến lược quan trọng của nhiều quốc gia.
Đối với Việt Nam, xóa đói giảm nghèo ở nước ta đã đạt được những bước tiến ngoạn mục, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh từ 59% năm 1993 (theo chuẩn nghèo cũ) xuống còn 8,2% năm 2014 (theo chuẩn nghèo mới gian đoạn 2011 - 2015). Nếu nhìn vào lịch sử có thể thấy, từ một xã hội đói nghèo, lầm than, nô lệ, Đảng và Bác đã đưa dân tộc ta đứng lên làm cách mạng, xây dựng đất nước phát triển mạnh mẽ về kinh tế và có một xã hội tươi đẹp như hôm nay mới thấy hết những thành tựu to lớn ẩn chứa trong con số đơn giản nêu trên. Những thành tựu đạt được đó đã khẳng định sự đúng đắt trong đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước ta học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói những thành quả đã đạt được của dân tộc ta, nhân dân ta trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác thật là to lớn và vĩ đại. Nhìn lại gần 30 năm đổi mới, đất nước chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử cả về lý luận và thực tiễn. Xã hội Việt Nam hôm nay tuy vẫn còn những hạn chế, bất cập cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa, nhưng những thành quả xóa đói, giảm nghèo trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong tạo lập nên một xã hội bình an, hạnh phúc, tươi đẹp hôm nay. Phát triển toàn diện từ kinh tế đến xã hội và môi trường đang từng bước đặt nền móng cho phát triển bền vững của một Việt Nam giàu mạnh trong tương lai. Triết lý xóa đói, giảm nghèo vì sự phát triển xã hội trong tư tưởng của Hồ Chí Minh vẫn mãi mãi dẫn dắt Đảng ta, nhân dân ta đi theo đó là sự chăm lo đầy đủ mọi mặt về vật chất, tinh thần và môi trường cho người dân Việt Nam, để người dân Việt Nam luôn sống trong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hòa bình và xanh sạch đẹp. Triết lý xóa đói, giảm nghèo vì sự phát triển xã hội trong tư tưởng của Hồ Chí Minh là một triết lý phát triển bền vững nhằm bảo đảm một xã hội có tăng trưởng kinh tế cao với bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội và một môi trường, môi sinh trong lành tươi đẹp nhất.
Có thể nói, con người sinh ra ai cũng có quyền bình đẳng, có quyền được hưởng các nhu cầu chính đáng và được thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của con người mà xã hội thừa nhận, đồng thời theo thời gian các nhu cầu này phải được đáp ứng ngày một cao hơn cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, trong thực tế không phải ở mọi nơi, mọi lúc tất cả các nhu cầu cơ bản đó đều được đáp ứng đối với mọi người. Trong xã hội hiện nay, một số đông người dân còn đang sống trong cảnh đói nghèo, bần hàn, nhiều nhu cầu tối thiểu của họ chưa được đáp ứng ở rất nhiều nước và ở nhiều cộng đồng dân cư trên thế giới. Nguyên nhân gây ra cảnh đói nghèo này có nhiều, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan như: xuất phát điểm của nền kinh tế quá thấp; tác động của chiến tranh; thiên tai dịch họa; thiếu các cơ hội về kinh tế; trình độ văn hóa thấp; hạn chế về sức khỏe; thiếu tiếng nói trong xã hội; hoặc do bất bình đẳng giới…Tuy nhiên, ngoài các nguyên nhân nói trên phải kể đến một nguyên nhân cơ bản quyết định tình trạng đói nghèo của người dân có được cải thiện hay không chính là đường lối chính trị của các quốc gia. Với lý đó, có thể nói nghèo đói là một vấn đề về chính trị, kinh tế - xã hội và văn hoá đòi hỏi phải được xem xét tổng thể trên nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ đơn thuần là vấn đề về kinh tế.
Trên thế giới, đến thời điểm hiện nay vẫn còn một lượng lớn dân số vẫn sống trong cảnh đói nghèo. Số người nghèo này tập trung sống ở các nước kém phát triển, đặc biệt là ở một số nước Á, Phi, nơi có các nền kinh tế kém phát triển và chính trị không ổn định. Thực tiễn đã cho thấy, nơi nào tỷ lệ người nghèo còn đông thì ở đó kinh tế kém phát triển, xã hội ở đó không bình yên và nền chính trị của các quốc gia đó còn nhiều bất cập hoặc chưa quan tâm đúng mức đến người nghèo. Sự bất công, bất bình đẳng và phân hoá giàu nghèo còn lớn. Hơn nữa, thực tiễn cũng cho thấy, ở những nơi các nền kinh tế còn kém phát triển, sự hội nhập với các nền kinh tế khác trên thế giới còn ít thì con người sống ở đó càng không có điều kiện để được đáp ứng các nhu cầu tối thiểu không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần. Như vậy, những nơi nêu trên cũng không có sự phát triển bền vững và tiến bộ xã hội. Chỉ những nơi có thể chế chính trị ổn định, có chính sách quan tâm đặc biệt đến việc phát triển hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội trên nền tảng bình đẳng, dân chủ và văn minh thì mới có sự phát triển bền vững. Xóa đói, giảm nghèo là một trong những quyết sách sống còn của các quốc gia muốn có một xã hội văn minh, phát triển.
Ở Việt Nam, trong những năm tháng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dưới sự áp bức, bóc lột tàn bạo, thậm tệ của thực dân Pháp và chế độ phong kiến, đất nước chúng ta lâm vào cảnh đói nghèo, nhân dân sống trong cảnh lầm than, nô lệ. Hàng triệu người không có nhà, không có cửa, không có miếng cơm, manh áo. Đói nghèo, cùng khổ và nhiều mảnh đời éo le, cùng cực đã được viết lên trong các tài liệu và trong văn, thơ và đã được phác họa khá rõ nét. Xã hội trong thời điểm này là một xã hội loạn lạc, bất công, công bằng và tiến bộ xã hội hầu như không tồn tại. Môi trường, môi sinh bị tàn phá thậm tệ. Trước cảnh nước mất, nhà tan nhiều chí sĩ yêu nước và nhiều chiến sỹ cách mạng đã đứng lên đấu tranh và làm cách mạng nhằm đưa lại độc lập cho dân tộc và ấm no cho đồng bào. Nhiều người đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp vẻ vang đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong vùng quê nghèo, trong một đất nước với truyền thống ngàn năm văn hiến, quật cường và anh hùng, đã từng “lấy chí nhân để thay cường bạo”, và với người dân từ ngàn xưa đã biết “thương người như thể thương thân”, đã không chịu cảnh sống nô lệ của bản thân, của gia đình, đồng bào và Tổ quốc, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân tộc khỏi lầm than, đói khổ và nô lệ. Chính vì lẽ đó, Bác đã hiểu thấu đáo và chia sẻ sâu sắc với tình cảnh đói nghèo đó của đất nước, của nhân dân, đồng bào như Bác đã chỉ rõ: “Ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”(1), cho nên sinh thời Bác luôn luôn tâm nguyện và mong muốn dân ta có cơm ăn áo mặc và được học hành: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (2).
Ngay từ ngày đầu khi đất nước mới được thành lập, Bác đã coi công việc xóa đói giảm nghèo quan trọng và cấp bách như là diệt giặc. Người đã chỉ rõ đói nghèo là một trong ba thứ giặc cần phải diệt và giao nhiệm vụ cho nhân dân toàn quốc: “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra mục tiêu phấn đấu để nhân dân thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn, việc làm, ấm no và đời sống hạnh phúc. Bác đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề đẩy mạnh tăng gia sản xuất và tiết kiệm để xóa đói giảm nghèo. Người đề nghị Hội đồng Chính phủ phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và mở cuộc lạc quyên cứu đói. Người viết thư gửi đồng bào toàn quốc, hô hào nhân dân chống nạn đói, “coi cuộc chống nạn đói cũng như cuộc chống ngoại xâm”. Trong thư gửi nông gia Việt Nam, Người khẩn thiết kêu gọi: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa… Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập” (3). Phong trào để dành một nắm gạo nhỏ theo từng buổi đã được nhân rộng thành phong trào tiết kiệm gạo khắp cả nước đã nói lên sự coi trọng và việc làm cụ thể của Người đối với công tác xóa đói giảm nghèo “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo” (4).
Trong Di chúc, Người đã chỉ rõ: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(5).
Trong một đất nước mà người dân còn nghèo, có người còn sống trong cảnh bữa được, bữa mất, bữa đói, bữa no thì ở đó xã hội còn chưa yên. Xóa đói giảm nghèo là một nhiệm đặc biệt quan trọng đối với mỗi nước khi đặt mục tiêu phát triển bền vững. Ở đâu còn bất công, còn đói nghèo thì ở đó chưa thể có sự phát triển. Đói nghèo sẽ làm cho các thành quả đạt được trở nên thiếu bền vững và với thời gian nó tàn phá và làm hỏng đi những thành quả đó. Đói nghèo làm cho con người khó có khả năng để thực hiện được những hoài bão to lớn. Đói nghèo sẽ làm mất đi hạnh phúc cần có của người dân. Mục tiêu của cách mạng là vì dân, do vậy không thể có lý do nào để biện giải cho việc để người dân phải sống trong cảnh đói nghèo. Chính vì lẽ đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân”(6) và “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân”... “Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được” (7).
Càng học tập tư tưởng của Người, chúng ta càng hiểu sâu sắc và nhận thức thấu đáo sự vĩ đại trong tư tưởng của Bác. Nói đến giặc chúng ta ai cũng nghĩ đó phải là kẻ thù hữu hình, có đội quân, có lực lượng đến chống phá, xâm lược chúng ta, mà ít có ai nghĩ đến những thứ giặc vô hình, không có chiến trường, không có súng đạn như: giặc đói, giặc dốt. Nói đến giặc ngoại xâm có lẽ mọi người đều hiểu cần phải tiêu diệt và đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi của đất nước mình. Độc lập thật sự chỉ có thể có khi và chỉ khi đất nước sạch bóng quân thù, giang sơn về một mối, đất nuớc hòa bình. Chính vì lẽ đó, với truyền thống quật cường và yêu nước nồng nàn của dân tộc ta, mỗi khi có giặc ngoại xâm thì dân tộc ta từ già tới trẻ, từ gái tới trai, từ đồng bào miền xuôi đến đồng bào miền ngược, từ trong Nam ra ngoài Bắc, đồng bào các dân tộc anh em trên mọi miền của đất nước đều đồng lòng nhất tề đứng lên đánh giặc giữ nhà, giữ nước để đem lại thái bình, độc lập ngàn năm cho đất nước. Nhiều trang sử vàng chói lọi đã ghi lại mãi những chiến công anh hùng, hiển hách về giữ nước và dựng nước của cha ông chúng ta trước đây và những chiến công hào hùng vừa qua của các thế hệ hôm qua và hôm nay.
Vậy giặc đói, nghèo thì sao. Trong cuộc sống có lẽ còn nhiều người thấy đói nghèo là khổ, là vất vả, nhưng chưa nhận thức một cách thấu đáo được sự cần thiết phải “đánh đuổi” chúng ra khỏi cuộc sống của mình, của đồng bào mình và của đất nước mình. Đấy là chưa kể có người lại cho rằng không sợ đói nghèo và với nhận thức đó mà nhiều lúc bình chân như vại trong việc giải quyết đói nghèo, chưa thấy hết việc đói nghèo chính là kẻ thù không đội trời chung của chúng ta và chúng ta cần phải tiêu diệt đói nghèo như đánh đuổi giặc ngoại xâm. Do vậy, phải chăng, sống chung với đói nghèo, bằng lòng với đói nghèo chính là sống chung với kẻ thù, sống chung với giặc. Và như vậy không thể để gia đình, người dân, đất nước trong cảnh đói nghèo, không thể bằng lòng với đói nghèo.
Bác coi đói nghèo là giặc, đã thể hiện và hàm chứa hết tinh thần và tư tưởng vĩ đại của người trong một triết lý phát triển. Với việc nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, quyết tâm “đánh đuổi” đói nghèo đã giúp cho xã hội phát triển ngày một giàu mạnh và phồn vinh. Không sợ đói nghèo ở đây chỉ có thể được hiểu là ta không sợ kẻ thù, không sợ hoàn cảnh đói nghèo thực tại, còn chắc chắn chúng ta phải nỗ lực để “tiêu diệt” đói nghèo để đưa đời sống của mỗi người dân, của cả đất nước ngày một ấm no hơn. Đây chính là Bác đã để lại cho chúng ta một triết lý phát triển sâu sắc trong tư tưởng của người, đó là tư tưởng về xóa đói, giảm nghèo. Điều này đã và đang đặc biệt thúc giục chúng ta đẩy mạnh phát triển đất nước, vững bước trên con đường của Đảng và của Bác đã chọn “Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”, thực hiện thắng lợi mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Coi đói nghèo là giặc, nên kiên định con đường “ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” chính là không chấp nhận đói nghèo. Đói nghèo không thể tồn tại đồng hành với chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội thắng chủ nghĩa tư bản ở năng suất lao động cao hơn. Phải chăng có năng suất lao động cao hơn thì sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất hơn, tức là sẽ giàu có hơn và đói nghèo sẽ không còn. Ở chủ nghĩa tư bản, Mác đã chỉ rõ ở đó có sự bóc lột thậm tệ của giai cấp tư sản đối với người công nhân, đưa người công nhân đến vô sản, đến bần cùng, cùng cực và đói nghèo nên đã tạo ra mâu thuẫn đối kháng để tiêu diệt chủ nghĩa tư bản và tạo ra một xã hội mới chủ nghĩa xã hội tươi đẹp hơn. Ở chủ nghĩa xã hội, đói nghèo sẽ từng bước được xóa bỏ, dần dần đưa đến ấm no và hạnh phúc cho mọi người. Do vậy, để có chủ nghĩa xã hội, một trong những nhiệm vụ quan trọng hôm nay chính là tiêu diệt đói nghèo. Xóa đói, giảm nghèo vừa là một đòi hỏi tất yếu khách quan, vừa là một đòi hỏi tự thân và cấp bách cho sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội.
Thấm nhuần triết lý phát triển trong tư tưởng của Bác về xóa đói, giảm nghèo, đòi hỏi phải coi việc xóa đói, giảm nghèo là một trong những thước đo quan trọng cho sự đúng đắn của đường lối, chính sách và giải pháp trong xây dựng và phát triển đất nước. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách và giải pháp trong xây dựng và phát triển đất nước ở tầm vĩ mô và các biện pháp ở tầm vi mô nếu chưa có đóng góp đưa lại ấm no hơn, hạnh phúc hơn cho mọi người dân, thì cần phải được xem xét lại để điều chỉnh, sửa đổi hoặc bãi bỏ. Xóa đói, giảm nghèo chính là một trong những chỉ tiêu, một trong những thước đo vừa mang tính định tính và cả mang tính định lượng đối với sự đúng đắn của đường lối, chính sách. Xã hội có bình yên và phát triển hay không phụ thuộc rất lớn vào cuộc sống của người dân. Đói nghèo sẽ làm cho xã hội kém phát triển và đến một mức nào đó xã hội sẽ loạn. Chính vì lẽ đó triết lý xóa đói giảm nghèo của Bác như chỉ dạy chúng ta phải vươn lên xóa sách đói nghèo, phải có một khát vọng, một ý chí sắt đá trong hành động xây dựng Việt Nam trở thành một nước giàu mạnh, ở đó không có người đói, không có người nghèo.
Trong không khí toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang ra sức thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hơn lúc nào hết tinh thần xóa đói, giảm nghèo, dựng xây đất nước theo lời dạy của Bác lại cần phải được nâng lên một tầm cao mới, sâu rộng mới. Tinh thần xóa đói giảm nghèo theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải biến thành lẽ sống, khát vọng làm giàu, vươn lên của toàn thể nhân dân, dân tộc Việt Nam để Việt Nam thật sự trở thành một nước: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
___________
1. Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Nxb. Pháp lý, H.1990, tr.174
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.15, tr.627
3 - 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.4, tr.135, 33
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.15, tr.612
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.75
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.9, tr.518