Cuộc vận động “Tuổi trẻ Đất Tổ học tập và làm theo lời Bác” đã được thực hiện rộng khắp trong thanh thiếu niên tỉnh Phú Thọ - quê hương đất Tổ Vua Hùng. Thông qua các nội dung, hình thức và những việc làm thiết thực, sinh động, cuộc vận động đã và đang dần trở thành nếp sống đẹp trong học tập, lao động và công tác của cán bộ, đoàn viên thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh.
Qua các phong trào, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo lời Bác, đạt kết quả xuất sắc trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, tình nguyện vì cộng đồng và trên nhiều lĩnh vực khác. Cô học trò nghèo Nguyễn Thị Thúy, tại khu 3, xã Phú Nham, huyện Phù Ninh và Bí thư Chi đoàn 9, Đoàn xã Hà Lương, huyện Hạ Hòa Ngô Anh Dũng là một trong những thanh niên tiêu biểu của tuổi trẻ đất Tổ học và làm theo gương Bác.
* Nghị lực sống của cô sinh viên mồ côi
Bị bố bỏ rơi từ nhỏ, mẹ qua đời khi em Nguyễn Thị Thúy đang học lớp 8, một mình em sống côi cút trong ngôi nhà nhỏ tại khu 3, xã Phú Nham, huyện Phù Ninh (Phú Thọ). Cuộc sống khốn khó là vậy, nhưng em đã cố gắng vượt lên số phận, trở thành tân sinh viên trường Đại học Hùng Vương - một cô giáo trong tương lai.
Mẹ bị mắc căn bệnh ung thư vú khi Thúy còn là bào thai trong bụng mẹ. Tuổi thơ của Thúy lớn lên theo những cơn đau xé lòng của mẹ vì căn bệnh quái ác. Cho đến tận bây giờ, Thúy vẫn không bao giờ quên được những đêm dài hai mẹ con chiến đấu với căn bệnh ung thư. “Hơn 10 năm chứng kiến những cơn đau của mẹ, em chỉ ước em có thể san sẻ được nỗi đau đó cho mẹ…”- Thúy chia sẻ.
Ngày mẹ mất, mọi thứ như sụp đổ với em. Lúc đó em nghĩ quẩn, thôi thì nghỉ học đi làm chứ bây giờ đi học cũng không có tiền - Thúy nhớ lại. Tuy nhiên, đọc những dòng nhật ký của mẹ dặn dò trước khi đi xa: “Con người rất cần có văn hóa, vì xã hội ngày một tiến lên nên đòi hỏi con người phải có trình độ”, Thúy không cầm được nước mắt, những dòng nhật ký, tâm nguyện của mẹ là động lực để em quay lại trường viết tiếp ước mơ của mẹ.
Những ngày tháng không có mẹ, mọi sinh hoạt của Thúy chỉ trông vào 300.000 đồng tiền tuất của mẹ. Bữa đói, bữa no nhưng chưa ngày nào em có ý định từ bỏ đến trường. Sự cố gắng vươn lên trong học tập của em đã được thể hiện qua thành tích đáng tự hào khi em đạt giải Ba học sinh giỏi văn cấp huyện năm lớp 9, rồi 3 năm học phổ thông trung học em đều đạt học sinh tiên tiến và tham gia đội tuyển văn của huyện.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, Trường Phổ thông trung học Phù Ninh cho biết: Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng em Thúy luôn có ý thức vươn lên trong học tập, những năm học phổ thông trung học em đã nỗ lực không ngừng để thực hiện ước mơ của mình là bước chân vào trường đại học.
“Ước mơ của em trở thành một nhà báo, nhưng nếu xuống Hà Nội học thì chi phí đắt đỏ, đây cũng là thời điểm em còn 18 tuổi, không còn nguồn trợ cấp ít ỏi nữa. Em quyết định thi đại học tại tỉnh để tiết kiệm chi phí”- Thúy bộc bạch.
Thế rồi, em quyết định thi vào Đại học Hùng Vương, khoa Sư phạm, môn Địa Lý. Những cố gắng, nỗ lực của cô học trò mồ côi đã có thành quả, trường đại học đã mở cửa chào đón em. “Em sẽ trở thành một cô giáo, mang tri thức đến với thế hệ tương lai của đất nước, có lẽ mẹ em nơi chín suối đang mỉm cười với em…”- Thúy không giấu được niềm vui khi đỗ đại học.
Nhưng cũng từ nay, cô học trò mồ côi sẽ phải tự trang trải cuộc sống của mình. Khi biết tin về hoàn cảnh, nghị lực của cô học trò nghèo, trường mầm non xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh đã nhận em về làm nhân viên hợp đồng, nhằm vơi bớt sự cô đơn trong cuộc sống và sự khó khăn về kinh tế của Thúy.
Tại buổi lễ tuyên dương 10 gương mặt thanh niên tiên tiến của tỉnh Phú Thọ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Thúy đã không giấu được sự xúc động: Em muốn nói lời cảm ơn tới tất cả bạn bè, người thân và cộng đồng đã giúp đỡ để em có được như ngày hôm nay. Em sẽ cố gắng hơn nữa để không phụ lòng mẹ, cũng như sự quan tâm của mọi người dành cho em.
Chặng đường phía trước con nhiều khó khăn, nhưng ý chí, nghị lực của cô học trò nghèo mồ côi đã thắp sáng niềm tin cho nhiều bạn trẻ vùng đất này, đặc biệt là các em học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đó sẽ là động lực để các em vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích trong xã hội.
* Làm giàu trên mảnh đất quê hương
Với cương vị là Bí thư Chi đoàn 9, Đoàn xã Hà Lương, huyện Hạ Hòa Ngô Anh Dũng đã mạnh dạn đi đầu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế và giúp đỡ nhiều đoàn viên làm chủ về kinh tế.
Xã Hà Lương là địa phương còn nhiều khó khăn của huyện Hạ Hòa. Là thủ lĩnh thanh niên trong xã, Ngô Anh Dũng luôn trăn trở tìm hướng thoát nghèo cho chính bản thân và các đoàn viên thanh niên này. “Nếu chỉ trông chờ vào cây lúa thì không thể thoát nghèo được”- Dũng tâm sự.
Thế rồi, Dũng bắt đầu tìm hiểu trên tivi, sách báo, nghiên cứu thổ nhưỡng tại địa phương và nhận thấy đất nơi đây có thể trồng được thanh long ruột đỏ. Nghĩ là làm, năm 2012, Dũng đi vào tỉnh Bình Thuận để học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật trồng Thanh Long ruột đỏ về xây dựng mô hình kinh tế mới trên quê hương xã Hà Lương.
Sau khi học hỏi được kỹ thuật, Dũng mạnh dạn bắt tay vào xây dựng mô hình tại gia đình. Đây là mô hình trồng Thanh Long ruột đỏ đầu tiên trên địa bàn huyện Hạ Hòa. Tính đến thời điểm hiện tại, Dũng đã trồng được trên 400 gốc và cho thu hoạch quả với giá bán 40.000 đồng/kg. Mô hình trồng Thanh Long ruột đỏ của Dũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/vụ.
“Sau khi thử nghiệm thành công tại gia đình, tôi tập hợp một số đoàn viên trong xã tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn các bạn cùng tham gia tại gia đình. Đến nay, đã có nhiều đoàn viên trong xã đã có công ăn việc làm thường xuyên, có thu nhập từ mô hình trồng Thanh Long ruột đỏ”- Dũng chia sẻ.
“Đầu năm 2014, không chỉ phát triển mô hình trồng Thanh Long, gia đình tôi đã xin thầu, quản lý thêm 2ha ao, đầm ngay gần vùng đồi trồng Thanh Long, vừa để phát triển thủy sản, lấy nguồn nước tưới cho cây trồng. Hiện tại gia đình nuôi trên 10 con lợn thịt và gần 100 con gà, việc kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng thu nhập, tạo chu trình sản xuất vòng, tận dụng tối đa nguồn lợi tại nông thôn, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ô nhiễm...”- Dũng chia sẻ.
Khi nói về vai trò của người “thủ lĩnh” trong các hoạt động Đoàn tại cơ sở, Dũng bộc bạch: Tại các vùng quê, đa phần thanh niên đều đi làm ăn xa để kiếm kế sinh nhai nên việc tập hợp thanh niên rất khó. Không những thế, một bộ phận đoàn viên thanh niên ở lại trồng trọt tại địa phương thường không mặn mà lắm với công tác đoàn… Do vậy, phương châm của mình là “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tập hợp các bạn cùng tham gia đẩy mạnh hoạt động đoàn tại địa phương. Thủ lĩnh nói phải đi đôi với làm thì các bạn đoàn viên mới nghe theo, có như vậy mới huy động được sức trẻ của thanh niên trong mọi lĩnh vực…
Với những công việc mà Dũng đã làm để thúc đẩy phong trào thanh thiếu niên tại địa phương, năm 2013, Dũng được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Năm 2014 Dũng là một trong 10 gương mặt thanh niên tiên tiến của tỉnh Phú Thọ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được Tỉnh đoàn Phú Thọ tặng Bằng khen.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống”. Tấm gương của em Thúy và Bí thư Chi đoàn 9, Đoàn xã Hà Lương, huyện Hạ Hòa Ngô Anh Dũng sẽ thắp sáng niềm tin, nghị lực, tinh thần lao động sáng tạo cho thế hệ trẻ vùng đất Tổ noi theo/..