Tuyên Quang: Nhiều điển hình trong học tập và làm theo Bác

Thứ bảy, 30/05/2015 10:39

(ĐCSVN)Nhận thức sâu sắc về những giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Tuyên Quang. Từ đó, tạo ra sự thay đổi lớn trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... trong toàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang cho biết: Hơn nửa thế kỷ qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Tuyên Quang và Di chúc thiêng liêng của Người, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, diện mạo từ thành thị đến nông thôn được khởi sắc.

Trong những năm gần đây, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010 -2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã cụ thể hóa Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị bằng Kế hoạch số 12-KH/TU ngày 27/9/2011 về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2015”. Cùng với đó, lựa chọn nội dung “Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao” làm nội dung cơ bản để chỉ đạo xuyên suốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 Từ việc làm tốt của mỗi tập thể, cá nhân trong học tập và làm theo tấm gương của Bác
 đã tạo thêm nguồn lực để xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp
 Ảnh minh họa: Báo Tuyên Quang


Từ đó, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện nghiêm túc việc quán triệt, triển khai Chỉ thị 03 và các chuyên đề hàng năm đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đến nay, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở tỉnh Tuyên Quang đi vào nền nếp, thường xuyên, đã tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, nâng cao năng lực chuyên môn, tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.

Rõ nét nhất sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW là việc học tập và làm theo Bác trở thành nội dung sinh hoạt thường kỳ trong tổ chức đảng, đoàn thể. Trong đó, trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được gắn chặt chẽ với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Cụ thể, thông qua quá trình kiểm điểm, cùng với sự đóng góp ý kiến của nhân dân, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ ra hơn 3.300 việc còn hạn chế, yếu kém. Với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, quyết tâm cao, tỉnh đã khắc phục được hơn 2.800 việc hạn chế, yếu kém, góp phần tích cực trong việc nêu cao tinh thần trách nhiệm gương mẫu đi đầu của đảng viên và đội ngũ cán bộ các cấp, tạo cơ sở quan trọng đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và tham nhũng, lãng phí…

Trong 4 năm qua, học và làm theo Bác dạy: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo thực hiện 4 khâu đột phá phát triển các lĩnh vực giao thông; công nghiệp, nông nghiệp; du lịch và nguồn nhân lực là nhiệm vụ xuyên suốt của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ XV của tỉnh.

Theo đó, quá trình thực hiện được triển khai đồng bộ, sâu sát, phát huy nội lực nhân dân và đã đạt được kết quả nổi bật. Cụ thể như trong lĩnh vực giao thông, tỉnh đã huy động nguồn lực để cải tạo, nâng cao và xây dựng 160 km quốc lộ, đưa vào sử dụng 3 cây cầu lớn, cải tạo 188 km đường giao thông tỉnh lộ, 76 km đường đô thị và 227 km đường huyện; trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành các quy định về chính sách, định mức hỗ trợ xây dựng 200 công trình văn hóa; xây dựng 140 công trình thủy lợi, kiên cố 84 km kênh mương. Đến hết năm 2014, Tuyên Quang có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt từ 16-17 tiêu chí… Từ những kết quả này đã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực

Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 03, ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đều xuất hiện những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Nhiều tập thể đã khắc phục khó khăn, chung sức đồng lòng hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Tiêu biểu như cán bộ và nhân dân thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình). Đây là thôn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa có điện lưới quốc gia, có 90% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trong 4 năm qua, cán bộ và nhân dân thôn đã huy động 2000 ngày công xây dựng được 2 lớp học mầm non, xây dựng được 2 cầu gỗ qua suối, kéo điện lưới về cho các hộ dân trong thôn... Nhờ đó mà đời sống của nhân dân trong thôn được cải thiện; chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, thôn bản đạt danh hiệu văn hóa.

Thực hiện lời dạy của Bác “đảng viên đi trước, làng nước theo sau", những năm qua, đảng viên Chi bộ thôn Phú Xuân, xã Tam Đa (Sơn Dương) luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, phát huy tinh thần đoàn kết của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, từ đó tạo được sự đồng thuận. Là thôn nằm ở trung tâm nên xã có chủ trương cứng hóa bê tông 1 số tuyến đường quan trọng. Nhận thấy đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của xã mà của cả thôn, vì vậy Chi bộ thôn Phú Xuân đã bàn bạc, thảo luận và thống nhất cách làm phù hợp nhằm phát huy cao nhất sức dân. Trước tiên, Chi bộ vận động đảng viên là những người đi trước trong việc đóng góp tiền và ngày công lao động. Nhờ có sự làm gương của các đảng viên, kế hoạch đã nhận được sự thống nhất cao và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, hầu hết các tuyến đường trong thôn đều được bê tông hóa, mà không hề có kiến nghị, phản ánh của người dân.

 Tượng đài "Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang". Công trình có ý nghĩa
 góp phần giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Tuyên Quang về tấm gương vĩ đại
 của Bác Hồ, để tiếp tục học tập và làm theo lời dạy của Bác - Ảnh: PC


Cùng với các tập thể, qua 4 năm qua, nhiều cá nhân có những thành tích nổi bật. Tiêu biểu như đồng chí Ma Văn Chiều, Bí thư Chi bộ thôn Vằng Áng, xã Thổ Bình (Lâm Bình) phát huy vai trò gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên, ông đứng ra thành lập hợp tác xã sản xuất vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động tại địa phương. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình đạt 100 triệu đồng. Nhiều năm liền ông được xếp loại đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ông Sùng Mý Chính, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ và là người uy tín ở thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình. Học và làm theo Bác, ông luôn tận tụy với công tác dân vận, tuyên truyền và vận động nhân dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng đời sống ấm no. Với cương vị là Bí thư Chi bộ và là một người uy tín của thôn, ông Chính đã tuyên truyền vận động bà con, cán bộ đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ông còn đến từng hộ gia đình vận động bà con chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế. Qua lời lẽ chân tình về cuộc sống và việc gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, ông đã niềm tin cho bà con trong thôn học tập, noi theo, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kết hợp với chăm sóc, bảo vệ rừng. Từ đó, đời sống nhân dân được nâng lên, nhiều hộ gia đình có ti vi, xe máy, xây dựng được nhà tầng…

Đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng bà Nguyễn Thị Khang được nhân dân thôn Đồng Tâm, xã Minh Dân (Hàm Yên), tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ. Bà Nguyễn Thị Khang tâm niệm “Học theo gương Bác thì không kể thời gian, tuổi tác, khi mình còn sức khỏe thì mình còn tiếp tục giúp đỡ mọi người và coi đó là niềm hạnh phúc của cuộc sống”. Từ năm 2010 đến nay, bà Khang đã cùng Chi bộ lãnh đạo nhân dân thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Trong phát triển kinh tế, nhận thấy bà con trong thôn chưa biết phát huy thế mạnh của địa phương, Bí thư Nguyễn Thị Khang đã triệu tập Chi bộ họp bàn thống nhất giải pháp phát triển kinh tế, trong đó, chuyển đổi toàn bộ diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng những giống cây mới năng suất cao, kết hợp với chăn nuôi và trồng rừng. Để thực hiện được những nhiệm vụ đề ra, Bà Khang đã gương mẫu thực hiện trước, đồng thời yêu cầu mỗi đảng viên phải tiên phong trong phát triển kinh tế. Nhờ vậy, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của thôn có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Hiện nay, các mô hình kinh tế trong thôn tập trung phát triển cây cam và trồng rừng, phát triển đàn bò. Tính đến hết năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 1,4 triệu đồng/người/tháng, trong thôn không còn hộ nghèo…

Những kết quả đạt được đã góp phần củng cố niềm tin vững chắc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Mỗi cá nhân, tập thể lựa chọn cách khác nhau trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. Đó là "những bông hoa đẹp" góp phần đưa Chỉ thị 03 đi vào cuộc sống./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực