Vẹn toàn "việc nước, việc nhà"

Thứ bảy, 04/01/2014 14:44

(ĐCSVN) – Sau 13 năm làm công tác Mặt trận, bà Đoàn Thị Mai, 71 tuổi, ở khu dân cư số 8, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội rút ra kinh nghiệm: Người làm công tác Mặt trận phải là người gần dân, sát dân, lấy dân làm gốc và phải biết dân vận khéo.

 

 Bà Đoàn Thị Mai. (Ảnh: TH)


Dần xóa bỏ tư tưởng "Đèn nhà ai, nhà ấy rạng"

Nhiều năm làm công tác Mặt trận, bà Đoàn Thị Mai có nhiều kinh nghiệm xử lý các tình huống trong vận động, thuyết phục người dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Vụ việc giải tỏa các hộ bán hàng để mang lại không gian chung cho toàn bộ nhân dân trong khu là một ví dụ.

Khu dân cư số 8 nơi bà Mai sinh sống có hơn 400 hộ dân, với trên 1.000 nhân khẩu. Ở đây có 7 tổ dân phố thì 5 tổ là nhà tập thể lắp ghép cao tầng, một số là nhà do quân đội cấp, một số là nhà đền bù giải tỏa, một số lại là nhà được phân theo diện chính sách, còn lại là một số người buôn bán nhỏ... vì vậy dân trí không đồng đều, không tránh khỏi mâu thuẫn, va chạm. Điều đáng nói là giữa các khu nhà tập thể có một khoảng sân chung, tuy nhiên những năm gần đây cái sân này đã bị một số người dân lấn bán hàng khiến đa số cư dân ở khu dân cư rất bức xúc. Đã có một số người lên tiếng phê phán nhưng không ai dám đối mặt với những người được xem là "đầu bò đầu bướu”. Thế là khoảng trời chung biến thành đất riêng của một số người xâm lấn, lợi dụng.

Với tư cách là Trưởng ban Công tác Mặt trận, cuối năm 2010, bà Mai đã cùng các thành viên trong Ban tổ chức một cuộc họp đại diện các hộ gia đình trong khu dân cư. Việc lấy ý kiến được tổ chức công khai với hầu hết số hộ dân đồng ý, ủng hộ việc giải phóng mặt bằng, yêu cầu các hộ lấn chiếm bán hàng và làm những việc khác phải chấp hành ý kiến của nhân dân trong khu, chỉ có 5 hộ dân không đồng ý vì có quyền lợi trong đó.

Dù đã được Ban Công tác Mặt trận khu dân cư gặp gỡ, trao đổi nhưng các đối tượng không giao mặt bằng, thậm chí còn dọa nạt sẽ "có biện pháp" với những người “khơi mào”... Không lùi bước trước khó khăn, Ban Công tác Mặt trận do bà Mai đứng đầu đã bền bỉ tuyên truyền, vận động với những phân tích, lý giải sâu sắc cả về tình và lý, dần dần 5 hộ gia đình đã bàn giao hết mặt bằng. Sau đó, Ban Công tác Mặt trận vận động bà con góp công, góp sức sửa chữa sân sạch sẽ, mua ghế đá đặt xung quanh, trồng cây cảnh với số tiền gần 100 triệu đồng. Cái sân chung bây giờ đã trở thành nơi sinh hoạt tập thể của bà con như vui chơi, gặp gỡ, tâm tình, thể dục thể thao… Tại chính cái "sân đoàn kết” này nhiều phong trào thi đua, mô hình Mặt trận được triển khai, phát động và đạt được những kết quả tích cực. Đến thời điểm này, câu chuyện làm cái sân chơi chung trong khu dân cư vẫn được bà con nhân dân nhắc tới như là một bằng chứng đoàn kết xóa bỏ tư tưởng suy nghĩ "đèn nhà ai nhà nấy rạng”.

Đó chỉ là một việc điển hình trong số nhiều công việc mà Ban Công tác Mặt trận đã làm được trong nhiều năm qua. Trưởng ban Công tác Mặt trận Đoàn Thị Mai nói vui "làm Mặt trận là trận nào cũng có mặt”. Những thành viên trong Ban ở theo từng tổ, từng ngõ, thường xuyên sâu sát nắm bắt tình hình, hễ có việc gì xảy ra va chạm, xích mích trong gia đình, trong ngõ phố là lập tức họp bàn để tìm cách tháo gỡ.

Vẹn toàn "việc nước, việc nhà"

Nhận thấy cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” là một phong trào sẽ mang lại một diện mạo mới cho khu dân cư, bà Mai cùng các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 8 đã nghiên cứu cách để thực hiện hiệu quả phong trào này. Nghĩ là làm, xác định muốn xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh thì gia đình phải ấm no, bà Mai cùng các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận và cán bộ khu dân cư đã tạo ra sự đùm bọc trong cộng đồng, chăm lo đến cuộc sống các hộ nghèo, cận nghèo, tạo việc làm cho 24 hộ phát triển kinh tế gia đình... Qua đó, giúp đời sống nhiều hộ được cải thiện rõ rệt, không có hộ tái nghèo, nhiều năm không phát sinh thêm hộ nghèo mới.

Nhận thức "gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có tốt thì xã hội mới tốt", bà Mai luôn chú trọng tuyên truyền, vận động các gia đình phấn đấu đạt danh hiệu "gia đình văn hóa", nhất là các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Bà cùng Ban Công tác Mặt trận cố gắng tìm cách sắp xếp công việc cho các thanh niên sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự trở về, giúp họ ổn định đời sống.

Đáng chú ý, việc xây dựng gia đình văn hóa gắn với phong trào khuyến học, chăm sóc giáo dục trẻ em cũng luôn được Ban Công tác Mặt trận quan tâm. Để góp phần ươm trồng tài năng cho đất nước, Ban Công tác Mặt trận chú ý phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để hình thành nhân cách cho trẻ vừa say mê học tập vừa có trí tuệ, nhân cách tốt. 10 năm liền khu dân cư được khen thưởng xuất sắc trong phong trào chăm sóc, giáo dục trẻ em, được quận khen thưởng với danh hiệu "cộng đồng dân cư hiếu học".

 
Bà Mai luôn chia sẻ, giúp đỡ cán bộ trẻ phường Thịnh Quang về kinh nghiệm công tác

Do làm tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nên số tổ dân phố đạt danh hiệu "tổ văn hóa" năm sau cao hơn năm trước. Số gia đình đạt danh hiệu "gia đình văn hóa" năm 2011 là 83%, năm 2012 đạt 85,2%. Tháng 8/2013, thành phố Hà Nội sơ kết 3 năm thực hiện mô hình tự quản bảo vệ môi trường, khu dân cư số 8 đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tặng Bằng khen.

Từng đảm nhiệm các công việc như Tổ trưởng tổ dân phố, đại biểu Hội đồng Nhân dân phường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó ban rồi Trưởng ban công tác Mặt trận, bà Mai đã vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống đời thường do chăm sóc mẹ già trên 90 tuổi và người chồng bị ốm nằm một chỗ trong thời gian dài. "Việc nước, việc nhà" bà đều cáng đáng chu toàn. Năm 2013, bà Mai đã đạt 3 giải nhất cấp phường, cấp quận và đạt giải 3 cụm I thành phố tại Hội thi Trưởng ban Công tác Mặt trận giỏi.

Không chỉ giỏi vận động nhân dân trong khu phố, bà Mai còn giỏi cả việc vận động các con trong gia đình. Khi chồng bà mất, các con bà đều có vị trí xã hội, nên dự định thực hiện lễ tang cha theo phương pháp truyền thống là hung táng, tổ chức ăn uống để "báo hiếu" vào dịp 49 và 100 ngày. Bà Mai tổ chức họp gia đình, vận động các con thực hiện nếp sống văn hóa mới, thực hiện hỏa táng khi chồng bà qua đời. Với thái độ bình tĩnh, mềm mỏng, bà giúp các con hiểu được rằng: Việc chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc đang sống mới quan trọng, phù hợp đạo lý… Cuối cùng, các con bà cũng hiểu ra, thực hiện nghi lễ đám tang theo nếp sống văn hóa mới. Noi theo gương gia đình bà, bà con lối xóm cũng làm theo khi gia đình có việc, tạo thành nếp sống văn hóa trong khu dân cư.

Với kinh nghiệm 13 năm làm công tác mặt trận và những đóng góp không nhỏ của mình vào sự phát triển khu dân cư, bà Đoàn Thị Mai trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu của Thủ đô được tuyên dương tại Hội nghị toàn quốc biểu dương các khu dân cư và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu giai đoạn 2009 - 2013./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực