Với nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng hợp tác hóa, ngày 11/12/1961, xã Yên Trường (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và nói chuyện. Thấm nhuần lời dạy của Bác, suốt 54 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Yên Trường luôn phát huy truyền thống đoàn kết và cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu, vươn lên đạt nhiều thành tích trong kháng chiến và kiến thiết quê hương. Yên Trường hôm nay đang khởi sắc từng ngày và "cán đích" xã nông thôn mới đầu năm 2015.
Lật giở những trang sử hào hùng của Yên Trường, năm 1961, do đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng hợp tác hóa và sản xuất nông nghiệp, nhất là trên các lĩnh vực làm thủy lợi, làm phân xanh, trồng cây…, Yên Trường được Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa tuyên dương và công nhận hợp tác xã Yên Trường là "Hợp tác xã Đại Phong” - đơn vị dẫn đầu của ngành nông nghiệp tỉnh thời bấy giờ. Về thăm Yên Trường, Bác căn dặn cán bộ, nhân dân xã phải phát triển hợp tác xã cho thật tốt, cho thật vững, phải làm cho vụ sản xuất đông - xuân thắng lợi toàn diện, phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm...
Nhớ lại phút giây được gặp Bác, bà Hoàng Thị An, thôn Thạc Quả 2, xã Yên Trường năm nay đã ngoài 80 tuổi không giấu được vẻ xúc động, bồi hồi: Hôm Bác về thăm, tôi đi làm, không được báo trước nên đã đến muộn. Bác Hồ tìm hiểu, biết thành tích của cô An ngày ấy - một nữ thanh niên nông thôn - làm được 100 mét khối thủy lợi, 140 tạ phân, đóng góp 300 ngày công và từng được phong tặng danh hiệu kiện tướng thủy lợi. Bà An đã vinh dự được Người tặng Huy hiệu trong lần về thăm ấy. Từ đó trở đi, bà An càng tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đóng góp sức mình xây dựng Yên Trường trở thành điển hình tiên tiến ở miền Bắc thời bấy giờ. Nay tuổi cao sức yếu, bà vẫn động viên con cháu hăng say lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình, cho quê hương.
|
Nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế đang được nhân rộng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới tại Yên Trường. (Nguồn: thanhhoa.gov.vn) |
Sau hơn 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, vùng quê giàu truyền thống cách mạng đã có nhiều đổi thay rõ nét. Đường làng, ngõ xóm rộng rãi, thảm bê tông thẳng tắp. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được nâng cấp, mở rộng, kiên cố hóa được hơn 90% tổng chiều dài toàn tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới vào khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển nông sản. Xã đã đầu tư xây dựng mới 6 phòng học của trường tiểu học, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường trên địa bàn xã với các phòng học khang trang đạt quy chuẩn, đến nay, Yên Trường có 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT cao, tỷ lệ đậu vào các trường cao đẳng, đại học lớn. 92% hộ dân trong xã được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy chuẩn quốc gia... Trung tâm văn hóa, thể thao của xã được đầu tư xây dựng 20 tỷ đồng trên diện tích 12.500m2 góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trong xã. Tổng giá trị đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn xã đạt hơn 115 tỷ đồng. Phần lớn các hộ gia đình trong xã đều có nhà xây kiên cố, ba công trình hợp vệ sinh cùng các phương tiện nghe nhìn, đồ dùng sinh hoạt giá trị. Phố Kiểu tấp nập, mang vóc dáng của một đô thị sầm uất bên bờ sông Mã mang lại giá trị dịch vụ chiếm tới 50% trong cơ cấu kinh tế ở Yên Trường.
Xuất phát điểm là một xã thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tìm hướng đi mới để cải thiện đời sống nhân dân là trăn trở lớn và luôn được cấp ủy chính quyền xã Yên Trường đặt lên hàng đầu. Xác định sự thành công trước hết là phải làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ tinh thần, mục đích của việc xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Yên Trường đã tạo sự đồng thuận, thông suốt và không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các khu dân cư. Xã đã lựa chọn được hướng đi đúng nhờ việc tập trung phát triển, xây dựng các mô hình mới trong sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân từ đó làm bước đệm vững chắc để xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, chính quyền xã Yên Trường đã vận động nhân dân đổi điền dồn thửa, đưa cơ giới hóa, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất. Nhờ đó, giá trị sản xuất 1 ha đất canh tác đạt bình quân ở Yên Trường đạt trên 120 triệu đồng/năm. Bên cạnh việc mở rộng diện tích vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao lên 150ha, xã Yên Trường còn mở rộng mô hình cánh đồng hoa, cây cảnh, vùng rau an toàn, sản xuất ớt xuất khẩu... Năm 2014, tốc độ tăng trưởng của xã đạt gần 19%, giá trị sản xuất đạt 244,3 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng. Từ kết quả trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống người dân Yên Trường được cải thiện rõ nét, hộ nghèo giảm còn 2,9%, 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới được chính quyền và người dân xã Yên Trường hoàn thành xuất sắc, bộ mặt nông thôn được đổi mới toàn diện.
Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đã và đang tạo đà cho Yên Trường vươn lên, hoàn thành thắng lợi chương trình xây nông thôn mới. Chính quyền cùng người dân nơi đây vẫn hàng ngày đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp theo lời Bác, như sinh thời Người đã về thăm mảnh đất và con người nơi đây./.