(ĐCSVN) - Tại buổi Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2015), cả hội trường đã lặng đi vì xúc động khi nghe Đại tá Trương Vĩnh Thăng, 83 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, chia sẻ những kỷ niệm về hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ.
Đại tá Trương Vĩnh Thăng nguyên là Hiệu trưởng Trường lái xe 255 Cục Ô tô, máy kéo - Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng). Hiện nay, Đại tá là lương y, Phó chủ tịch Hội châm cứu Thăng Long – Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Hội người cao tuổi phường Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội).
Ông nhập ngũ năm 1946, công tác tại xưởng Chí Linh, quân giới Quân khu 3. Năm 1953, ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ở Đại đội 802, Tiểu đoàn 632, Trung đoàn 45 pháo binh, Trung đoàn "Tất thắng" – Đây là tên do Bác Hồ đặt cho Trung đoàn.
|
Đại tá Trương Vĩnh Thăng - Ảnh: PC |
Trong quá trình chiến đấu và công tác, Đại tá Trương Vĩnh Thăng đã có vinh dự hai lần được gặp Bác. Đại tá Thăng chia sẻ: “Đối với tôi, đó thật sự là niềm hạnh phúc lớn lao và là kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời. Những lần được gặp Bác Hồ luôn in sâu trong tâm trí tôi. Sự bao dung, những cử chỉ, lời nói ân cần, giản dị của Người nhưng lại có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với tôi”.
Mở đầu câu chuyện, Đại tá Trương Vĩnh Thăng bồi hồi kể lại: “Vào năm 1955, khi đó tôi được có nhiệm vụ đưa Bác đến Sân bay Bạch Mai thăm các đơn vị luyện tập diễu binh để chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9. Bác đến vào buổi trưa, Người có dặn tôi lái xe chậm và không bóp còi để bộ đội còn nghỉ trưa.
Nhưng tiếng reo: "A! Bác đến, Bác Hồ đến!" của một số bộ đội nữ và chị em dân quân du kích đã làm cả doanh trại bừng tỉnh. Không ai ai bảo ai, tất cả ngay lập tức biến thành một dòng người ùa đến quanh xe Bác trong niềm hạnh phúc khi được gặp Bác. Thấy vậy, để đảm ảo an toàn, đồng chí Đào Văn Trường, Tư lệnh duyệt binh dõng dạc hô: Tất cả nghiêm! Bác Hồ lúc ấy đứng ở bên xe, dang tay ra phía trước và nói: “Bác bảo các cô, các chú giãn ra để Bác đi, chiều Bác sẽ quay lại nói chuyện với các cô, các chú”. Mọi người đồng thanh: "Vâng ạ!"
Nghe Đại tá Trương Vĩnh Thăng kể, cả hội trường lặng im, dõi theo câu chuyện xúc động của nhân chứng sống kể về kỷ niệm với Bác Hồ kính yêu. Đại tá Trương Vĩnh Thăng nói tiếp: "Lần thứ 2 tôi gặp Bác Hồ là vào một ngày tháng 8/1956, khi tôi nhận được lệnh chuẩn bị xe ra cổng sân bay Bạch Mai để đón khách quý.
Ban đầu tôi nghĩ chắc là để đón các đồng chí lãnh đạo trong quân đội. Ra tới cổng sân bay, thật bất ngờ khi tôi thấy Bác Hồ đi ra, Người vẫy tay chào và bắt tay mọi người. Rồi, Người đi một vòng quanh kiểm tra chiếc xe. Bất giác, Người hỏi tôi: "Sao chú không tháo biển xe đi?", tôi trả lời: "Thưa Bác, cháu chưa kịp nghĩ ra là mình phải cảnh giác nên chưa kịp tháo ra !".
Nghe tôi nói vậy, Bác khen tôi thật thà và dặn dò "Khi đi làm nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ đặc biệt, chú nhớ nâng cao cảnh giác và đảm bảo bí mật". Bài học nâng cao cảnh giác trong chiến đấu tôi vinh dự được học từ Người và nhớ mãi tới tận bây giờ.
Đã nhiều năm trôi qua, nhưng kỷ niệm về 2 lần được gặp Bác Hồ luôn in sâu trong tâm trí Đại tá Trương Vĩnh Thăng. "Sự gần gũi, bao dung, những cử chỉ, lời nói ân cần, giản dị nhưng chứa đựng ý nghĩa giáo dục sâu sắc của Người khiến tôi không thể nào quên. Hai lần trực tiếp được lái xe phục vụ Bác, tôi đã thấm thía lời dạy của Bác, đó là phải luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công việc được giao và phải biết quan tâm đến người khác. “Lời dạy đó của Bác mãi mãi tôi không bao giờ quên và là động lực thôi thúc tôi tiếp tục tu dưỡng, phấn đấu để xứng đáng với truyền thống quân đội, với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, vị đại tá 60 năm tuổi Đảng trải lòng.
|
Đại tá Trương Vĩnh Thăng gặp lại những người lính, người đồng đội cũ tại Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: PC |
Sau nhiều năm chiến đấu, trưởng thành trong quân đội, sau khi giải ngũ, Đại tá Trương Vĩnh Thăng luôn nêu cao tinh thần, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, tích tham gia công tác xã hội và là hội viên gương mẫu của Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh của địa phương. Đại tá cũng đã có 9 năm làm bí thư chi bộ và tổ trưởng tổ dân phố.
Đặc biệt từ năm 1988 đến nay, ông đã châm cứu và chữa miễn phí cho hàng nghìn lượt người bệnh, trong đó nhiều người bệnh yếu không đi được, ông trực tiếp đạp xe đến nhà để chữa.
Nay, mặc dù tuổi đã cao nhưng Đại tá vẫn luôn tích cực tham gia và vận động nhân dân hưởng ứng và làm tốt các phong trào thi đua yêu nước của địa phương và của thành phố, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ mà các hội đoàn thể giao.
Đại tá Trương Vĩnh Thăng tâm niệm: “Học tập tấm gương của Bác Hồ thì không kể thời gian, không kể tuổi tác, miễn là còn sức khỏe thì còn tiếp tục giúp đỡ mọi người và coi đó là niềm hạnh phúc của cuộc sống”./.