|
Làng hương Cao Thôn (Bảo Khê, Hưng yên). Ảnh: TinnhanhViet.com |
Về xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên) lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự thay đổi nhanh chóng của vùng ngoại vi thành phố. Khu vực trung tâm xã sầm uất với nhiều điểm trao đổi hàng hóa, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, các con đường liên thôn được mở rộng và cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho xe ô tô vào ra để lấy hàng của làng nghề sản xuất hương Cao Thôn, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt…
Bí thư Đảng ủy xã Bảo Khê Tạ Ngọc Hựu cho biết: ngay sau thành công của Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIX nhiệm kỳ 2010 – 2015, Ban chấp hành Đảng bộ xã đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Xã xác định rõ, trong suốt nhiệm kỳ mỗi năm sẽ tập trung triển khai nhiệm vụ trọng tâm gì, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng nhiệm vụ ấy. Xã phân công các đồng chí đảng ủy viên phụ trách, bám sát địa bàn khu dân cư để nắm bắt tình hình và có hướng chỉ đạo kịp thời. Giao cho các tổ chức, đoàn thể phụ trách từng mảng, từng lĩnh vực có liên quan. Đến nay sau gần hai năm thực hiện đưa nghị quyết đại hội đảng vào cuộc sống, có thể nói xã Bảo Khê đã có ba cái được. Cái được lớn nhất chính là huy động sức dân để mở rộng đường giao thông nông thôn. Vài năm trước đây, đường giao thông liên thôn trong xã rất chật hẹp, chỉ rộng chừng hơn 2m, việc đi lại của người dân đã rất khó khăn chứ không nói đến giao lưu hàng hóa. Trước tình hình đó, Đảng bộ xã Bảo Khê xác định trước hết phải mở rộng đường giao thông mới góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ban chấp hành đảng bộ xã đã tổ chức họp bàn đưa ra cách thức triển khai, khi có sự nhất trí cao trong đảng ủy thì tiếp tục đưa về họp bàn với dân. Một lần bà con chưa nhất trí thì tổ chức họp lần thứ hai, lần thứ ba… Đến khi đã có được sự đồng thuận cao của nhân dân, xã lại nêu cao khẩu hiệu “Cán bộ, đảng viên phải là người đi trước". Với cách làm như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng trăm hộ dân ở các thôn Triều Tiên, Tiền Thắng, Cao Thôn tự nguyện hiến đất làm đường. Những hộ gia đình có nhà sát mặt đường thì tự nguyện tháo dỡ tường rào, công trình phụ, chặt bỏ cây cối để hiến đất mở rộng đường, còn những gia đình không nằm trong diện giải tỏa để mở rộng đường thì đóng góp ngày công, góp thêm kinh phí để làm đường. Đến nay xã có 3/5 thôn đã mở rộng đường giao thông với chiều rộng từ hơn 2m lên 5m và tổng chiều dài gần 5 km, kinh phí đầu tư khoảng 15 tỷ đồng, trong đó nhân dân đã hiến khoảng 10 nghìn m2 đất để mở rộng đường. Cùng với đó, thời gian qua xã Bảo Khê còn tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm việc giải phóng mặt bằng quốc lộ 39A. Với trên 2km quốc lộ 39A chạy qua địa bàn xã thuộc diện phải giải tỏa để mở rộng đường, chỉ từ cuối tháng 10.2011 đến nay, khoảng 300 hộ thuộc diện phải giải tỏa đã bàn giao đất cho Nhà nước.
Cái được thứ hai ở xã Bảo Khê chính là xã đã thu được nhiều kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội ngay những năm đầu thực hiện nghị quyết đại hội đảng, tạo tiền đề để xã sớm hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 27,2%, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt gần 23 nghìn tỷ đồng, tăng 38,2%; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt gần 32 nghìn tỷ đồng tăng 27,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng/người/năm. Là xã ven đô, lại có làng nghề sản xuất hương truyền thống, do đó xã đặc biệt chú trọng đến phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Năm 2011, tiểu thủ công nghiệp của xã phát triển khá nhanh, góp phần giải quyết việc làm cho trên 2 nghìn lao động, với mức thu nhập bình quân từ 2 – 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện xã có 170 hộ tham gia sản xuất hương, nhiều gia đình đã đầu tư các máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, góp phần tạo ra những sản phẩm có chất lượng và quảng bá thương hiệu làng nghề được rộng rãi. Ngoài phát triển nghề truyền thống, các nghề như may mặc, mộc, nề, hàn xì cũng phát triển mạnh, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Mặt khác xã thường xuyên phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn như: Công ty Bảo Hưng, Công ty Tường Minh… để đưa con em tham gia các lớp đào tạo nghề vào làm tại các doanh nghiệp, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong phát triển thương mại dịch vụ, tận dụng lợi thế bám sát quốc lộ 39A và khu chợ Dốc Lã, nhiều hộ đã đầu tư mở rộng các loại hình buôn bán, kinh doanh như vật liệu xây dựng, nhà hàng, vận tải hành khách… đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, các hoạt động văn hóa – xã hội cũng được xã hết sức quan tâm. Công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm toàn diện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đội ngũ giáo viên thường xuyên được đào tạo nâng cao trình độ, 100% số trẻ trong độ tuổi được đến trường, tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng năm sau luôn cao hơn năm trước. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, công tác quốc phòng an ninh được củng cố, tăng cường.
Trong năm qua, xã Bảo Khê đã vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn là một trong 20 xã điểm của tỉnh để xây dựng nông thôn mới. Ngay sau khi có kế hoạch, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, xã tiến hành đánh giá thực trạng tình hình địa phương, thành lập ban quản lý, lập sơ đồ định hướng phát triển mạng lưới điểm dân cư và phân vùng sản xuất đến năm 2020. Dựa vào 19 tiêu chí của Trung ương về xây dựng nông thôn mới, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn để xây dựng đề án phát triển kinh tế – xã hội theo quy hoạch, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống, xây dựng các khu thương mại. Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới... Để làm tốt công việc này, xã giao cho các tổ chức, đoàn thể phụ trách từng lĩnh vực có liên quan, phân công đảng ủy viên phụ trách thôn, khu dân cư. Đây được coi là cái được thứ ba của Đảng bộ và nhân dân trong xã. Theo Bí thư đảng ủy xã Tạ Ngọc Hựu, để đạt được những kết quả trên thì trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, từ đó có kế hoạch chỉ đạo kịp thời. Mọi hoạt động, việc làm đều phải theo quy chế, theo các chương trình, kế hoạch đề ra. Duy trì chế độ họp giao ban hàng tháng với các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn và trưởng các ban, ngành, đoàn thể, thường xuyên kiểm tra, giám sát các nhiệm vụ đã đề ra theo quy định. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo có được sự đoàn kết, nhất trí cao. Mỗi nhiệm vụ, kế hoạch đề ra xã đều xây dựng nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng chương trình hành động sát với nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhờ đó xã đã tạo nên được sức mạnh tổng hợp trong toàn đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.