Báo động tình trạng mất cắp cổ vật tại các di tích ở Hưng Yên

Thứ ba, 09/07/2013 15:38

Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có hơn 1.200 di tích, trong đó hơn 200 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Tuy nhiên, những năm gần đây tại các di tích liên tiếp xảy ra những vụ trộm cắp cổ vật và đồ thờ tự. Vấn đề trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và sự cảnh giác của các địa phương.

Chùa Nễ Châu, xã Hồng Nam, TP Hưng Yên, ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và hệ thống tượng phật cổ hiếm có của nước ta. Tuy nhiên hiện nay, các cửa ra vào và không gian bên trong được nhà chùa thiết kế hệ thống khóa chằng chịt. Theo sư trụ trì Thích Đàm Phương thì sở dĩ nhà chùa làm như vậy bởi trước đây chùa đã hai lần bị mất cắp tượng phật cổ và đồ thờ tự quý. “Kể từ khi đón bằng di tích đến nay, chùa đã bị mất trộm bốn lần. Kẻ trộm bẻ chấn song và lợi dụng sơ hở để ăn trộm các tượng quý”, Sư thầy Thích Đàm Phương, Chủ trì chùa Nễ Châu, TP Hưng Yên cho biết.

 

 Để tránh mất cắp, Chùa Nễ Châu đã phải rào,
xích cổ vật lại như thế này (ảnh: hungyentv.vn)


Đền Bồng Châu, xã Hùng Cường huyện Kim Động trước đây lưu giữ được tới 69 sắc phong cổ. Đây cũng là di tích có số lượng sắc phong lớn nhất tỉnh Hưng Yên. Nhưng cách đây mấy tháng số sắc phong này đã bị kẻ gian đột nhập lấy đi hết. Theo Ban quản lý di tích thì các sắc phong ở đây được lưu giữ khá nghiêm mật bằng két sắt đặt hàng riêng gồm 5 chìa khóa cho 5 người trong Ban quản lý di tích cất giữ. Thế nhưng kẻ gian đã đưa nghiên cứu kỹ hoạt động của Ban quản lý, tiếp cận và đưa ô tô vào tận di tích rồi bắc thang dỡ ngói đột nhập vào trong.

Theo tổng hợp chưa đầy đủ thì từ năm 2009 đến nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã xảy ra 8 vụ mất cắp cổ vật, đồ thờ cúng ở các đình, chùa. Ngoài hai di tích bị mất cắp trên thì đình Triệu Đà, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, đình Phú Khê, xã Thọ Vinh, huyện Kim Động cũng bị mất hệ thống ngai thờ cổ rất có giá trị, đình Thụy Trang xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ cũng bị mất đồ thờ tự quý.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên trước hết là do tâm lý chủ quan của chính quyền địa phương và người dân trong công tác bảo vệ những di tích lịch sử. Trong khi đó, nhiều đình chùa nằm ở xa nhà dân và đã bị xuống cấp, tường bảo vệ và cánh cửa không an toàn rất dễ cho kẻ trộm đột nhập.

Có một thực tế, hầu hết các vụ mất trộm cổ vật trên lại chưa tìm được thủ phạm để trừng trị trước pháp luật. Đây cũng là yếu tố khiến cho tính răn đe trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này chưa cao. Ban quản lý di tích tỉnh, cơ quan có trách nhiệm quản lý về di tích cũng lúng túng trong công tác phòng, chống mất cắp đồ thờ tự ở các di tích trên địa bàn tỉnh.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực