Đổi thay ở một xã anh hùng

Thứ tư, 18/04/2012 16:29

Hòa chung không khí phấn khởi, tưng bừng của cán bộ và nhân dân huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) đang nô nức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày tái lập huyện Tiên Lữ (1/5/1997 – 1/5/2012), Đảng bộ và nhân dân xã Thiện Phiến anh hùng càng vinh dự, tự hào hơn bởi liên tục 15 năm qua Đảng bộ xã đều được công nhận trong sạch vững mạnh (TSVM), kinh tế - xã hội tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Mới đây, Đảng bộ xã vinh dự được Tỉnh ủy tặng Bằng khen về thành tích 3 năm liền đạt TSVM tiêu biểu. Suốt chiều dài 15 năm sau khi tái lập huyện, ngoài những lần được Tỉnh ủy tặng Bằng khen, Đảng bộ còn được Tỉnh ủy tặng cờ về thành tích duy trì 5 năm liền (2004 – 2008) đạt TSVM tiêu biểu. Chính quyền xã, các tổ chức đoàn thể cũng liên tục được công nhận vững mạnh cấp tỉnh. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để thấy các phong trào chung của xã, đặc biệt là xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh của xã luôn được quan tâm, chú trọng, là tiền đề để triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương đạt kết quả cao.

 

 Chăm sóc rau màu. Ảnh: báo Hưng Yên


Vốn là xã được đánh giá có phong trào khá của huyện Phù Tiên, nên khi tái lập huyện Tiên Lữ, Đảng bộ và nhân dân Thiện Phiến vẫn tiếp tục phát huy thế mạnh và những thuận lợi cơ bản để chung tay xây dựng quê hương trong điều kiện mới. Tuy vậy, cũng như mặt bằng chung của huyện lúc đó, cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế của xã vẫn tương đối khó khăn. Toàn xã mới có khoảng 4,5km đường xã trải đá cấp phối, còn lại là đường đất hẹp; trạm y tế xã dột nát, xuống cấp nghiêm trọng; điện yếu tới mức không thể dùng được vào giờ cao điểm; trụ sở làm việc của xã là nhà kho cũ của hợp tác nông nghiệp; cả 4/4 thôn chưa có nhà văn hóa; cơ sở vật chất trường THCS chung với Trường PTTH Thiện Phiến… Cả xã có 1 doanh nghiệp mây tre đan hoạt động cầm chừng. Thu nhập bình quân đầu người/năm khi đó mới đạt 2,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo trên 17%... Trước tình hình đó, Đảng bộ và nhân dân trong xã phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống anh hùng quyết tâm vượt mọi khó khăn để từng bước xây dựng, kiến thiết quê hương. Cùng với tiếp tục tập trung xây dựng hệ thống chính trị TSVM, Đảng bộ và nhân dân trong xã dồn sức phát triển kinh tế, coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Các nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo phát triển kinh tế được ban hành, triển khai tới các chi bộ, đảng viên và tuyên truyền rộng rãi tới toàn thể nhân dân để cùng tìm biện pháp thực hiện. Đầu tư “cứng hóa” hệ thống đường giao thông nông thôn được chọn làm bước đột phá, bởi xã xác định đây là động lực mấu chốt tạo điều kiện phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo nông thôn và xây dựng đời sống văn hóa của mỗi xóm, thôn. Do vậy, cùng với việc tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của cấp trên, xã phát động nhân dân góp công góp của tích cực, chủ động tu bổ, nâng cấp đường thôn, xóm; kịp thời khen thưởng, động viên những thôn, xóm làm tốt để động viên phong trào, tạo khí thế thi đua giữa các thôn. Ba năm liên tục từ năm 1999, mỗi năm một khẩu hành chính trong xã đóng góp 20 nghìn đồng để trải bê tông xi măng đường thôn. Đến năm 2005, cùng với đóng góp của nhân dân, sự đầu tư của ngân sách cấp trên, cơ bản các tuyến đường liên xã, liên thôn, liên xóm của xã được mở rộng và trải bê tông xi măng sạch sẽ, làm thay đổi căn bản bộ mặt làng quê.

Thời điểm huyện mới tái lập cũng là lúc xã Thiện Phiến có nhiều việc phải làm ngay như xây dựng Trường THCS xã, tách khỏi Trường PTTH Thiện Phiến theo chỉ đạo của cấp trên để tạo thuận lợi cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh nhà trường. Song song với đó là xây dựng trạm y tế xã, nhà văn hóa các thôn để công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được thuận lợi, lành mạnh hóa các sinh hoạt cộng đồng, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Nhu cầu đầu tư lớn, vốn đầu tư cần nhiều song sự hỗ trợ từ ngân sách cấp trên hạn chế bởi trong điều kiện cả tỉnh và huyện đều mới tái lập cũng đang gặp khó khăn. Khi đó, nguồn thu đáng kể nhất của xã từ bến đò khu vực Triều Dương cũng không còn (vì năm 1995 cầu Triều Dương nối liền hai bờ sông Luộc đã thông xe); nguồn thu được trích để lại từ thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng dần biến mất. Trước thực trạng đó, xã đã có nhiều sáng kiến trong công tác huy động nguồn lực để có vốn phục vụ công cuộc kiến thiết quê hương. Không những khai thác tiềm năng nội lực của nhân dân tại địa phương, xã khơi dậy niềm tự hào, tình cảm, trách nhiệm với quê hương của con em quê hương đang sinh sống và làm việc ngoài địa bàn xã, kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm trên mọi miền đất nước để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ. Từ sự đóng góp đáng kể của nguồn vốn xã hội hóa, đến nay xã đã có được công trình Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; ba thôn Diệt Pháp, Lam Sơn, Tân Khai có nhà văn hóa hoàn chỉnh, kiên cố, riêng nhà văn hóa thôn Toàn Tiến đang xây dựng theo hướng kiên cố… Mới đây, những người con quê hương đang công tác ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vận động tài trợ địa phương xây dựng phòng thực hành tin học của Trường THCS xã, trang bị 15 bộ máy vi tính cho Trường tiểu học xã và tham gia xây dựng một số công trình khác ở địa phương.

Ông Phạm Xuân Giao, Chủ tịch UBND xã Thiện Phiến cho biết: “Ngay sau tái lập tỉnh, huyện, Nhà nước cho điều chỉnh quốc lộ 39A đoạn từ Dốc Đá đến cầu Triều Dương xuyên qua địa bàn xã, tách khỏi đoạn chung với đường đê sông Luộc. Đây không những tạo thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải của tỉnh và tỉnh bạn mà còn là cơ hội cho xã Thiện Phiến khai thác hiệu quả hơn tiềm năng thế mạnh của giao thông vận tải đường bộ và đường sông vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ”. Lợi thế này được xã khai thác triệt để, tham mưu, đề xuất với huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư, mở các bến bãi chứa, kinh doanh vật liệu dọc bờ tả sông Luộc… Đến nay 8 doanh nghiệp đã đầu tư vào địa bàn xã, đa dạng về ngành nghề như may mặc, đóng tàu, kinh doanh vận tải… Đặc biệt là 5 năm qua, kể từ khi Bến xe khách Triều Dương trên địa bàn xã đi vào hoạt động như một đòn bẩy kích thích hoạt động thương mại, dịch vụ của xã phát triển nhanh, đều khắp hơn. Sự tăng tốc ngoạn mục của lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ đã tạo ra lượng giá trị chiếm trên 74% trong cơ cấu kinh tế chung, làm đảo chiều biểu đồ cơ cấu kinh tế của xã Thiện Phiến sau 15 năm tái lập huyện. Và đó tiếp tục là mục tiêu được Đảng bộ xã khóa XXIV, nhiệm kỳ 2010 – 2015 chọn là hướng trọng tâm trong phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân. Điều đó không có nghĩa là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của xã không được quan tâm mà ngược lại, với sự chủ động, tích cực đưa tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, tạo điều kiện cho kinh tế trang trại, gia trại phát triển… nên đến năm 2011 giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác của xã đạt trên 56 triệu đồng, riêng diện tích đất chuyên màu của xã đạt trên 80 triệu đồng/ha, năng suất lúa bình quân đạt 64,5 tạ/ha/vụ, tăng hơn 8tạ/ha/vụ so với năm 1997. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất của nhân dân trong xã nâng lên, năm 2011 thu nhập bình quân đầu người đạt 16,5 triệu đồng (gấp hơn 6 lần năm 1997), tỷ lệ hộ giàu chiếm trên 35%, trên 92% số gia đình được công nhận gia đình văn hóa…

Tháng tư, về xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thiện Phiến đúng dịp mùa hoa nhãn trổ bông. Nhìn những cây nhãn đã nở hoa, cây còn đang kỳ đơm nụ xum xuê, người dân quê hương “Nhãn đầu mùa” nhận định đó là những báo hiệu tiếp tục một năm nhãn lại được mùa. Tín hiệu vui ấy như cổ vũ thêm mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã hăng hái hơn bước vào xây dựng nông thôn mới.

Được tỉnh chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới, đó là niềm vinh dự song cũng đặt ra không ít thách thức với địa phương. Đến nay xã đã cơ bản đạt 10/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới, đề án xây dựng nông thôn mới của xã đang được hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, sẽ tạo cơ sở cho Thiện Phiến sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong thời gian không xa. Phía trước còn nhiều việc phải làm, song tin rằng với những kết quả đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân trong xã tiếp tục phát huy truyền thống xã Anh hùng LLVT nhân dân, đoàn kết để tạo nên sức mạnh cùng nhau xây dựng nông thôn mới, đưa Thiện Phiến trở thành xã nông thôn kiểu mẫu của miền Bắc như sự kỳ vọng của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước (nguyên Thường trực Ban Bí thư) đã phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực